Ung thư gan có lây không là vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Đồng thời, hiện tại vẫn chưa có nhiều người hiểu rõ về bệnh này dẫn đến một số quan điểm sai lầm gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hiểu đúng về bệnh ung thư gan
Việc thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về bệnh ung thư gan có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân bệnh nhân mà còn cho cả gia đình. Nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu đúng về ung thư gan dẫn đến việc cảm thấy sợ hãi, xa lánh những bệnh nhân ung thư gan vì cho rằng ung thư gan có thể lây lan. Do đó, chúng ta cần có thông tin chính xác về căn bệnh này và cả vấn đề “Ung thư gan có lây không?” nhằm có thái độ đúng đắn và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Ung thư gan là bệnh lý ác tính, tiến triển thầm lặng, rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm và tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh rất cao. Một số nguyên nhân gây ra ung thư gan có thể kể đến như virus viêm gan B, viêm gan C, thói quen uống nhiều rượu, nhiễm độc hóa chất,...
Khi khối u ác tính còn nhỏ, bệnh nhân gần như không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Một số biểu hiện điển hình như: mệt mỏi, chướng bụng, chán ăn, sụt cân, đau ở hạ sườn phải... cũng chỉ xuất hiện khi khối u gan đã lớn.
Khi bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng khá rõ ràng như đau dữ dội ở dưới sườn phải, khối u xuất hiện nhiều, bụng chướng, thể trạng gầy yếu, suy kiệt, sốt, vàng da... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến khả năng chữa trị trở nên rất khó khăn.

2. Bệnh ung thư gan có lây không?
Thực tế, nhiều người nhà của bệnh nhân ung thư gan vì lo sợ khả năng lây lan nên hạn chế tiếp xúc, không ăn chung, uống chung hay ngủ chung với người bị ung thư gan. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn không chính xác. Các bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng đều không có khả năng lây qua đường tiếp xúc, do đó, bệnh được xếp vào nhóm các bệnh không lây nhiễm.
Mặc dù ung thư gan không lây nhiễm nhưng virus viêm gan B hoặc C làm tăng khả năng hình thành ung thư và có thể lây truyền từ người bệnh sang người khác qua đường truyền máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Vì vậy, để phòng ngừa ung thư gan, mỗi người cần chủ động phòng ngừa các bệnh viêm gan siêu vi.
3. Những trường hợp ung thư gan có thể lây truyền
Ung thư gan là một bệnh lý không lây nhiễm, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác. Với tỷ lệ rất thấp chỉ 1/1000 người, tế bào ung thư có thể xâm nhập cơ thể thai nhi dẫn đến tình trạng ung thư gan lây truyền từ mẹ sang con.
Ngoài ra, ung thư gan còn có thể lây nhiễm thông qua việc cấy ghép nội tạng, tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra. Vì trước khi thực hiện cấy ghép gan, các mẫu mô đã được kiểm tra sàng lọc kỹ càng để tránh rủi ro lây nhiễm bệnh qua người khác.
4. Nên làm gì khi bị ung thư gan?
Vì chưa hiểu rõ tình trạng bệnh cũng như mơ hồ trong vấn đề “ung thư gan có lây không”, nhiều bệnh nhân vẫn thường chần chừ, giữ bí mật với người thân và âm thầm chịu đựng. Để điều trị ung thư gan hiệu quả và có cơ hội khỏi bệnh cao, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình trị liệu, bệnh nhân phải tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị và lời khuyên của bác sĩ, giữ tinh thần thoải mái, tâm lý lạc quan và có niềm tin vào quá trình điều trị.
Để chủ động phòng ngừa bệnh ung thư gan, nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tiêm phòng các bệnh viêm gan siêu vi, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi khoa học, không rượu bia, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe...
Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân ung thư gan được chẩn đoán ở giai đoạn muộn với tiên lượng không khả quan. Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư gan mang ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với những người mắc bệnh viêm gan mãn tính cần đi tầm soát định kỳ.

5. Các biện pháp phòng ngừa
Một số phương pháp phòng tránh làm giảm khả năng mắc các bệnh viêm gan siêu vi B, C và ung thư gan bao gồm:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B nhằm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại virus gây bệnh.
- Điều trị dứt điểm viêm gan B và C nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn đầu.
- Xây dựng và tuân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế bia, rượu và thuốc lá để bảo vệ các chức năng của gan. Đồng thời, bổ sung các thực phẩm tươi và bổ dưỡng vào bữa ăn hàng ngày kết hợp tập luyện để tăng cường sức khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng/lần nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

6. Tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan tại vinmec
Nhằm tránh việc lo sợ ung thư gan có lây không, bệnh nhân có thể sử dụng gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan của Bệnh viện Vinmec bao gồm:
- Sàng lọc nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.
- Phát hiện bệnh ung thư gan sớm để có thể thực hiện các biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời là rất quan trọng.
Vinmec là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong việc sàng lọc ung thư gan, với những ưu điểm sau:
- Bệnh nhân được khám và tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư gan.
- Hợp tác chuyên môn toàn diện với các bệnh viện trong nước và quốc tế: Singapore, Nhật, Mỹ,..
- Điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện, phối hợp đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa từng người bệnh.
- Có đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm gen - tế bào,...
- Có đầy đủ các phương pháp điều trị chủ đạo bệnh ung thư: phẫu thuật, trị xạ, hóa chất, ghép Tế bào gốc...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.