Gan nhiễm mỡ đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh, dẫn đến tích tụ mỡ thừa trong tế bào gan. Hiểu đúng về gan nhiễm mỡ không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. Phân loại gan nhiễm mỡ
Gan, cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, có chức năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm và đồ uống, đồng thời lọc máu để loại bỏ các chất độc hại. Khi lượng chất béo trong gan tăng lên quá mức, có thể gây ra viêm gan, tổn thương gan và tạo ra các mô sẹo. Trong những trường hợp nghiêm trọng, những vết sẹo này có thể tiến triển thành suy gan. Có hai loại gan nhiễm mỡ phổ biến: gan nhiễm mỡ không do rượu và do rượu.
1.1. Thế nào là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hay Nonalcoholic Fatty Liver Disease, được chia thành hai loại chính:
- Gan nhiễm mỡ đơn thuần (Simple fatty liver): Đây là tình trạng mà chất béo tích tụ trong gan nhưng không kèm theo viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Loại này thường ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng và không gây hại sức khỏe gan. Đa số người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thuộc nhóm này.
- Bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic Steatohepatitis): Tình trạng này nghiêm trọng hơn gan nhiễm mỡ đơn thuần, bao gồm cả viêm và tổn thương tế bào gan. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như xơ hóa và xơ gan, hình thành sẹo trong gan và thậm chí là ung thư gan. Khoảng 20% trường hợp gan bị nhiễm mỡ không do rượu phát triển thành viêm gan.
1.2 Gan nhiễm mỡ do rượu
Bệnh này còn được biết đến với tên gọi Alcohol-Related Fatty Liver Disease, bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả nếu người bệnh ngừng uống rượu. Nhưng nếu tiếp tục uống, bệnh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:
- Gan to: Sự tăng kích thước của gan có thể gây đau hoặc khó chịu ở phần trên bên phải của bụng.
- Viêm gan do rượu: Đây là tình trạng viêm và sưng của gan, đi kèm với các triệu chứng như sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, vàng da và vàng mắt.
- Xơ gan do rượu: Đặc trưng bởi sự tích tụ mô sẹo trong gan, dẫn đến tình trạng xơ gan cổ trướng hay còn gọi là tích tụ dịch trong bụng, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, chảy máu trong, lú lẫn, thay đổi hành vi, lách to và cuối cùng là suy gan, có thể dẫn đến tử vong.
Quá trình diễn tiến của bệnh thường bắt đầu từ gan nhiễm mỡ do rượu, tiến triển thành viêm gan nếu người bệnh tiếp tục sử dụng rượu, cuối cùng có thể phát triển thành xơ gan do rượu.
2. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Cả hai loại gan nhiễm mỡ trên thường không xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải các dấu hiệu như mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng (vị trí của gan).
Khi bệnh tiến triển sang viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc xơ gan, người bệnh sẽ có những triệu chứng rõ ràng hơn, bao gồm:
- Sưng bụng.
- Nhiều mạch máu nổi dưới da bụng.
- Ngực lớn hơn bình thường ở nam giới.
- Lòng bàn tay đỏ.
- Vàng da và vàng mắt.
3. Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân chính dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu chủ yếu do lạm dụng rượu bia một cách quá mức. Ngoài việc uống nhiều rượu, các yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này:
- Thừa cân và béo phì.
- Bị suy dinh dưỡng.
- Có viêm gan siêu vi mãn tính, đặc biệt là viêm gan C.
- Có các gen khiến người bệnh dễ mắc bệnh gan bị nhiễm mỡ.
- Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh.
Một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ:
- Thừa cân và béo phì.
- Khả năng đáp ứng với insulin kém (hay còn gọi là tình trạng kháng insulin) hoặc tiểu đường type II.
- Hàm lượng triglycerides hoặc cholesterol xấu (LDL) cao, cùng với mức cholesterol tốt (HDL) thấp.
- Có hội chứng buồng trứng đa nang.
- Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Tuyến giáp hoạt động kém, thường được biết đến với tên gọi suy giáp.
- Tuyến yên hoạt động kém, còn được gọi là suy tuyến yên.
- Bị suy dinh dưỡng.
- Sụt cân bất thường trong khoảng thời gian ngắn.
- Tiếp xúc với một số độc tố và hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe.
Hội chứng chuyển hóa, còn gọi là metabolic syndrome, là một nhóm các triệu chứng góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh tim và tiểu đường loại 2. Để được xác định mắc hội chứng này, một người cần phải có ít nhất ba trong số các dấu hiệu sau đây.
- Tăng kích thước vòng bụng bất thường.
- Hàm lượng Triglyceride hoặc cholesterol LDL tăng cao.
- Hàm lượng cholesterol HDL thấp.
- Huyết áp cao.
- Đường trong máu cao.
4. Các phương pháp điều trị
Hiện tại, không có thuốc nào được phê duyệt để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, các loại thuốc vẫn đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
Phương pháp điều trị chính và đầu tiên thường là giảm cân, điều này có thể giúp giảm lượng chất béo trong gan cũng như giảm viêm và nguy cơ hình thành sẹo. Việc giảm từ 3% đến 5% trọng lượng cơ thể đã có thể đem lại những thay đổi đáng kể trong việc giảm lượng mỡ trong gan.
5. Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ
Phẫu thuật giảm cân có thể được xem xét là một lựa chọn cho những người béo phì nặng mà các phương pháp giảm cân thông thường không đem lại hiệu quả. Đồng thời, ngừng uống rượu là bước quan trọng để ngăn chặn tình trạng gan tiếp tục bị tổn thương.
Trong trường hợp gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu như xơ gan hoặc suy gan, bệnh nhân có thể cần được chỉ định thực hiện ghép gan.
Để tự chăm sóc khi mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh nhân cần tập thể dục đều đặn và thường xuyên. Nỗ lực vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ giảm cân. Nếu mới bắt đầu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và tiến hành từ từ để có chế độ tập luyện phù hợp, tránh chấn thương.
5. Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, các bước sau đây có thể được áp dụng:
- Không lạm dụng rượu bia: Khuyến nghị là 1 ly/ ngày đối với phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi, không quá 2 ly/ ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi.
- Phòng tránh viêm gan C.
- Thận trọng khi kết hợp rượu với thuốc: Đặc biệt cần tránh uống rượu khi đang điều trị bằng các loại thuốc như acetaminophen, vì sự kết hợp này có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tổn thương gan.
Đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, các khuyến nghị sau có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa bệnh:
- Áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật: Bao gồm nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và các loại chất béo lành mạnh.
- Giữ trọng lượng cơ thể hợp lý: Giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì. Việc duy trì cân nặng phù hợp được thực hiện thông qua thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất đều đặn.
- Tập thể dục thường xuyên.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp các Gói khám tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan, nhằm phát hiện sớm ung thư ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng. Khi đăng ký gói tầm soát này, khách hàng sẽ nhận được các dịch vụ sau:
- Khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu: Được hẹn khám chuyên khoa Ung bướu để thảo luận chi tiết về nguy cơ và các phương pháp phòng ngừa.
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
- Đánh giá chức năng gan: Thông qua các xét nghiệm như đo hoạt độ ALT (GPT), AST (GOT), GGT (Gama Glutamyl Transferase) và định lượng Bilirubin toàn phần.
- Tầm soát nhiễm virus viêm gan B và C qua xét nghiệm nhanh HBsAg và xét nghiệm miễn dịch tự động HCV Ab.
- Xét nghiệm định lượng AFP (Alpha Fetoprotein) để tầm soát ung thư gan.
- Tầm soát u gan bằng siêu âm ổ bụng.
Việc sàng lọc gan nhiễm mỡ là vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư gan, từ đó đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, điều đầu tiên mà mọi người cần làm là đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com