Ghép gan là một phẫu thuật thay thế gan mất chức năng bằng gan lành khỏe mạnh từ người hiến tặng. Đây là phương pháp cuối cùng để kéo dài sự sống cho bệnh nhân suy gan sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại. Vậy ghép gan có chết không, bệnh nhân sau ghép gan có thể sống được bao lâu?
1. Ghép gan là gì?
- Ghép gan là một phẫu thuật ghép tạng đặc nhiều thứ hai sau ghép thận. Đây là thành tựu lớn trong y học, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Hoa Kỳ vào năm 1963 bởi bác sĩ Thomas E. Starzl. Tại Việt Nam, ghép gan mới được áp dụng trong những năm gần đây và cho thấy hiệu quả duy trì sự sống cho bệnh nhân suy chức năng gan ở giai đoạn cuối.
- Ghép gan là phẫu thuật thay thế một phần hay toàn bộ gan bị bệnh bằng một phần hay toàn bộ gan lành từ người lành hiến tặng hoặc gan ở bệnh nhân chết não. Có 5 loại Ghép gan chính là:
- Ghép toàn bộ gan vào đúng vị trí người nhận (Orthotopic liver transplantation);
- Ghép một phần gan giảm thể tích (Reduce size liver transplantation);
- Chia gan để ghép cho nhiều người (Split liver transplantation);
- Ghép một phần gan của người hiến tạng còn sống (Living related liver transplantation);
- Phương pháp ghép gan phụ trợ (Auxiliary transplantation).
- Ngoài ra, phương pháp ít sử dụng là ghép gan Domino và ghép gan với nguồn cho từ động vật (xeno transplantation).
2. Các chỉ định Ghép gan
Các chỉ định hiện tại của ghép gan phải thỏa mãn 2 điều kiện: Thời gian sống thêm sau ghép lớn hơn 1 năm và chất lượng cuộc sống chấp nhận được. Các chỉ định ghép gan bao gồm:
- Bệnh gan do rượu: chỉ số Child-Pugh lớn hơn 7 điểm; tiền sử chảy máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa; có đợt viêm phúc mạc tiên phát.
- Viêm gan virus B, C: Suy gan mất bù Child-Pugh-Turcott lớn hơn 7 điểm; có đợt viêm phúc mạc tiên phát; cổ chướng, xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa tái phát nhiều lần không đáp ứng với điều trị thuốc hay tiêm xơ tĩnh mạch.
- Bệnh lý xơ gan mật (xơ gan mật tiên phát, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, viêm gan tự miễn,...): tiên lượng sống không quá 1 năm nếu không ghép gan; suy gan mất bù; bệnh não gan, xuất huyết tiêu hóa; hội chứng gan phổi; albumin máu < 30g/l; bilirubin > 100μmol/l.
- Ung thư gan tế bào gan nguyên phát với kích thước khối u theo tiêu chuẩn cụ thể (tiêu chuẩn Millan, tiêu chuẩn UCSF,...).
- Suy gan cấp (ngộ độc thuốc Paracetamon, đợt cấp viêm gan do virus,...) dẫn đến tình trạng hôn mê gan xuất hiện trong thời gian 8 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng ở bệnh nhân không có bệnh lý gan trước đó, không có khả năng hồi phục hoàn toàn.
- Ung thư đường mật (trong gan, ngoài gan), ung thư di căn gan.
- Rối loạn chuyển hóa ở gan (bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt α1 antitrypsin, nhiễm sắt di truyền), bệnh lý mạch máu ở gan (hội chứng Budd – Chiari, huyết khối tĩnh mạch gan,...).
3. Chống chỉ định của ghép gan
Các trường hợp sau đây không có chỉ định ghép gan:
- Hôn mê gan (bệnh não gan) không hồi phục, suy gan cấp.
- Ung thư gan khối u quá lớn, vượt quá tiêu chuẩn trên.
- Ung thư biểu mô tế bào gan đã di căn xa ở xương, phổi,....
- Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ lớn hơn 40 mmHg hoặc áp lực tưới máu não thấp nhỏ hơn 60 mmHg.
- Bệnh nhân bị hoại tử gan.
- Tăng áp lực động mạch phổi nặng lớn hơn 50 mmHg.
- Bệnh nhân nhiễm trùng máu.
4. Điều kiện để ghép gan và quy trình ghép gan
Người hiến gan:
- Bệnh nhân chết não, tim còn đập phù hợp nhóm máu ABO và kích thước gan với người nhận. Các trường hợp không tương đồng về nhóm máu có thể tăng nguy cơ đào thải và các biến chứng khác.
- Người sống hiến tặng thùy gan phải (trong ghép gan người lớn cho người lớn) hoặc phần bên của thùy gan trái (trong ghép gan người lớn cho trẻ em). Tình trạng sức khoẻ tốt, phù hợp về nhóm máu, không mắc các bệnh lý về gan như viêm gan virus, không dùng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trước quá trình hiến tạng.
- Các trường hợp ghép gan từ người sống sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, thời gian thiếu máu lạnh ngắn đối với phần gan được ghép.
- Các yếu tố nguy cơ có thể gây thất bại cho phẫu thuật ghép gan của người hiến gan bao gồm: Trên 50 tuổi, gan thoái hóa mỡ, tăng men gan, tăng bilirubin, bệnh nhân điều trị dài ngày ở phòng hồi sức cấp cứu, hạ huyết áp cần sử dụng thuốc vận mạch, tăng natri máu, ghép gan cho bệnh nhân nam từ gan nữ giới.
Người nhận gan
- Người nhận gan phải đúng chỉ định ghép gan, không mắc các bệnh tim hoặc phổi nghiêm trọng.
- Không mắc các ung thư nào khác ngoài ung thư gan.
- Không sử dụng chất kích thích, rượu bia trước thời gian phẫu thuật.
- Sẵn sàng việc uống thuốc suốt đời sau khi phẫu thuật.
Quy trình ghép gan
- Đối với người cho đã chết, mổ nội soi thăm dò khẳng định việc không có bệnh lý về gan, bệnh lý trong ổ bụng ngăn cản việc ghép, sau đó mổ lấy gan ra.
- Đối với người hiến tạng còn sống thực hiện phẫu thuật cắt thùy hay đoạn gan.
- Gan lấy ra được bảo quản trong dung dịch bảo quản lạnh đến 18 giờ trước ghép; thời gian lưu trữ càng lâu thì tỷ lệ mô ghép mất chức năng và tổn thương đường mật do thiếu máu càng tăng.
- Phẫu thuật lấy gan đã mất chức năng của người nhận và tiến hành ghép gan.
- Sau khi ghép gan cần dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa tình trạng đào thải mảnh ghép. Các thuốc thường dùng là các kháng thể đơn dòng kháng thụ thể IL-2 được sử dụng vào ngày ghép, các thuốc ức chế calcineurin (cyclosporin hoặc tacrolimus), mycophenolate mofetil và corticosteroid.
5. Một số biến chứng có thể xuất hiện sau khi ghép gan
- Thải ghép sau phẫu thuật: Hầu hết các đợt thải ghép cấp là nhẹ và tự giới hạn, xảy ra trong 3 đến 6 tháng đầu và không ảnh hưởng đến sự sống còn của tạng ghép.
- Yếu tố tăng nguy cơ thải ghép nếu người nhận trẻ tuổi, người cho lớn tuổi, không trùng hợp kháng nguyên HLA, thời gian thiếu máu lạnh (thời gian gan được lấy ra khỏi cơ thể người nhận) kéo dài, rối loạn miễn dịch.
- Viêm gan tái phát sau ghép: Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch góp phần gây ra sự tái phát viêm gan virus. Viêm gan C tái phát ở hầu hết các bệnh nhân, thông thường các nhiễm virus không có triệu chứng lâm sàng nhưng có thể gây ra viêm gan cấp và xơ gan.
- Yếu tố nguy cơ tái nhiễm có thể liên quan đến người nhận tuổi cao, kháng nguyên HLA, ung thư biểu mô tế bào gan; người cho tuổi cao, bệnh lý thoái hóa mỡ, thời gian gan lấy ra khỏi cơ thể người cho kéo dài và người cho gan còn sống.
- Gan không hoạt động (xuất hiện 1 - 5% ở bệnh nhân ghép gan).
- Rối loạn chức năng đường mật như: Hẹp ống dẫn mật, rò mật, hẹp miệng nối do thiếu máu, tắc nghẽn đường mật, rò rỉ mật (15 - 20%).
- Huyết khối tĩnh mạch cửa (tỷ lệ dưới 5% bệnh nhân được ghép gan).
- Huyết khối động mạch gan (3 đến 5%) hay gặp ở trẻ em hoặc người nhận các tạng tách ghép.
- Phình động mạch, giả phình và vỡ động mạch gan.
- Sốt, hạ huyết áp, chức năng gan bất thường.
- Chảy máu do vết mổ hoặc các tổn thương mạch máu trong ổ bụng.
- Nhiễm trùng, apxe dưới cơ hoành, rối loạn nhu động ruột,...
- Tác dụng phụ của thuốc chống đào thải: tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nguy cơ mắc phải một số bệnh lý ung thư.
6. Ghép gan có thể sống được bao lâu?
- Tỷ lệ ghép gan thành công sống sau khi ghép gan 1 năm: Nếu ghép gan từ người cho sống: 90% và 82% (đối với mô ghép); Nếu ghép gan từ người cho chết não: 90.5% và 85% (đối với mô ghép).
- Tỷ lệ sống sau 3 năm: 79% và 72% (đối với mô ghép).
- Tỷ lệ sống sau 5 năm: 73% và 65% (đối với mô ghép).
- Bệnh nhân ghép gan do suy gan mạn tỷ lệ sống cao hơn so với suy gan cấp.
- Tử vong sau 1 năm thường do nguyên nhân bệnh tái phát (như ung thư, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu) hơn là các biến chứng sau ghép.
Như vậy, ghép gan là một phẫu thuật thay thế gan đã mất chức năng bằng gan khỏe mạnh ở người chết não hoặc người sống hiến tặng. Đây là phương pháp duy trì sự sống cho những bệnh nhân có gan không còn khả năng làm việc. Tỷ lệ sống sau ghép gan 5 năm trên 60%. Tuy nhiên tỷ lệ này phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa, khả năng đáp ứng miễn dịch và sự tuân thủ điều trị sau phẫu thuật của bệnh nhân.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ghép gan
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.