Tất cả thông tin cần biết về ung thư di căn xương

Ung thư di căn xương xảy ra khi tế bào ung thư từ một vị trí khác trong cơ thể di chuyển qua đường máu hoặc hệ bạch huyết đến xương và hình thành các tế bào ung thư di căn. Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc nắm bắt thông tin về ung thư di căn xương rất quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư di căn xương là gì?

Ung thư di căn xương khác với ung thư xương nguyên phát (khối u ban đầu hình thành trực tiếp trong xương). Ví dụ, ung thư phổi bắt đầu từ các tế bào phổi và có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả xương. Quá trình lan rộng này của khối u được gọi là "di căn".

Ung thư di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư từ khối u ở một vị trí khác trong cơ thể di chuyển qua đường máu hoặc hệ bạch huyết đến xương và hình thành các tế bào ung thư di căn. Khi đến xương, các tế bào này tiết ra những chất gây kích thích các tế bào hủy xương hoặc nguyên bào xương.  

Tế bào hủy xương làm phân hủy xương mà không có sự hình thành xương mới, dẫn đến xương yếu dần. Ngược lại, nguyên bào xương có thể thúc đẩy việc tạo ra xương mới mà không phá hủy xương cũ, dẫn đến tình trạng xương cứng bất thường.

Di căn xương có thể xuất hiện ở bất kỳ xương nào trong cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở các xương gần trung tâm. Vị trí phổ biến nhất của di căn xương là cột sống, sau đó là xương chậu, xương đùi, xương cánh tay trên, xương sườn và hộp sọ. Các tổn thương này được gọi là tiêu xương hoặc nguyên bào nuôi, tùy vào cách tế bào ung thư tác động lên xương. 

Ung thư di căn xương thường xuất hiện ở vùng chậu.
Ung thư di căn xương thường xuất hiện ở vùng chậu.

Các loại ung thư có khả năng di căn đến xương cao nhất bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, tuyến giáp và thận. Hơn 2/3 các trường hợp ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt nguyên phát sẽ di căn đến xương. Khoảng 1/3 các ca ung thư phổi, tuyến giáp và thận nguyên phát cũng sẽ lan đến xương.

2. Triệu chứng ung thư di căn xương

Các dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư di căn xương là:

  • Đau xương: Đây thường là triệu chứng đầu tiên của ung thư di căn đến xương. Cơn đau thường xuất hiện gián đoạn, trầm trọng hơn vào ban đêm và thường giảm bớt khi di chuyển. Tuy nhiên, theo thời gian, cơn đau có thể trở nên nặng hơn và liên tục. Có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để kiểm soát và điều trị cơn đau này.
  • Gãy xương: Di căn xương có thể làm xương suy yếu, thậm chí dẫn đến gãy. Gãy xương do di căn được gọi là gãy xương "bệnh lý". Gãy xương có thể xảy ra sau chấn thương nhưng nếu xương quá yếu, bệnh nhân có thể bị gãy xương khi thực hiện những hoạt động hàng ngày.
  • Chèn ép tủy sống: Khi ung thư di căn đến cột sống có thể gây áp lực lên tủy sống, được gọi là chèn ép tủy sống. Dấu hiệu nhận biết bao gồm cơn đau mới xuất hiện hoặc ngày càng nặng hơn ở lưng hoặc cổ, tê liệt, yếu ở các phần cơ thể dưới khối u và khó khăn trong việc đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, chèn ép tủy sống có thể gây tổn thương dây thần kinh và thậm chí dẫn đến tê liệt.
  • Nồng độ canxi cao: Một số trường hợp di căn xương có thể khiến canxi rò rỉ từ xương vào máu, dẫn đến tình trạng tăng canxi huyết. Nồng độ canxi cao có thể gây ra các triệu chứng như táo bón, buồn nôn, chán ăn, khát nước, đi tiểu nhiều, mất nước, mệt mỏi và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến lú lẫn hoặc thậm chí hôn mê.

3. Làm thế nào để chẩn đoán ung thư di căn xương?

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT scan, PET hoặc MRI thường được sử dụng để phát hiện ung thư đã di căn vào xương. Bệnh nhân cũng có thể cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi hoặc các dấu hiệu khối u. Nồng độ canxi cao hoặc sự gia tăng nồng độ các chất chỉ điểm khối u có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan tới xương.

Nếu phát hiện tổn thương xương mà chưa rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể đề xuất sinh thiết. Đây là thủ thuật lấy một phần hoặc toàn bộ khối u hay vùng xương bị ảnh hưởng để kiểm tra. Mẫu sinh thiết sẽ được quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác định loại tế bào gây ra khối u. Loại sinh thiết được thực hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u.

4. Các biện pháp điều trị ung thư di căn xương

Nhiều bệnh nhân băn khoăn liệu ung thư di căn xương có thể chữa khỏi và thời gian sống sau chẩn đoán là bao lâu. Tuy nhiên, khi nhận được chẩn đoán, bệnh nhân không nên quá bi quan. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư di căn xương và lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí di căn, cùng với tình trạng sức khỏe tổng thể.

Điều trị ung thư di căn xương có thể giúp giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phần lớn các bác sĩ cho rằng cách điều trị quan trọng nhất là nhắm trực tiếp vào ung thư nguyên phát (loại ung thư ban đầu gây ra di căn xương).  

Có hai hướng điều trị chính cho di căn xương: điều trị toàn thân (tác động đến toàn bộ cơ thể) và điều trị cục bộ (tập trung vào một khu vực cụ thể). Liệu pháp điều trị toàn thân thường sử dụng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch để tiếp cận các tế bào ung thư đã lan khắp cơ thể. Ngược lại, điều trị cục bộ chỉ tập trung vào các tế bào di căn và có thể bao gồm phẫu thuật hoặc xạ trị. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các liệu pháp có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau. Dưới đây là chi tiết về từng phương pháp điều trị.

4.1. Liệu pháp điều trị toàn thân

Các liệu pháp toàn thân được áp dụng trong điều trị ung thư di căn xương bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch vì những phương pháp này có khả năng lan tỏa khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.

4.1.1. Thuốc bisphosphonates

Bisphosphonates là loại thuốc có thể giúp xương bị tổn thương trở nên chắc khỏe hơn và ngăn ngừa gãy xương, thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư di căn xương khác.  

Bisphosphonates cũng được kê đơn để điều trị loãng xương không do ung thư. Những loại thuốc này hỗ trợ xương giữ lại canxi, giúp tăng cường độ chắc khỏe và làm chậm quá trình phá hủy xương do ung thư, đồng thời giảm nồng độ canxi trong máu và nguy cơ gãy xương. Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Các bisphosphonate phổ biến nhất là Zoledronate (Zometa) và Pamidronate (Aredia).

Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn, hạ canxi máu và một tác dụng phụ hiếm gặp là hoại tử xương hàm.

4.1.2. Thuốc Denosumab

Denosumab là một loại thuốc có thể được sử dụng để ngăn chặn tổn thương xương do các tế bào ung thư gây ra. Đây là một liệu pháp nhắm mục tiêu (kháng thể đơn dòng), hoạt động bằng cách tấn công một loại protein cần thiết cho quá trình phân hủy xương. Bằng cách nhắm vào protein này, được gọi là RANKL, Denosumab ức chế quá trình phá hủy xương và giảm nguy cơ gãy xương ở các vùng bị ảnh hưởng.

Tác dụng phụ của Denosumab tương tự với Bisphosphonates nhưng thuốc có nguy cơ gây hạ canxi máu cao hơn, do đó bệnh nhân có thể cần bổ sung canxi và vitamin D trong suốt quá trình điều trị.

4.1.3. Liệu pháp hạt nhân phóng xạ

Liệu pháp hạt nhân phóng xạ là một phương pháp điều trị toàn thân khác. Hạt nhân phóng xạ, một nguyên tố có tính phóng xạ, được tiêm vào tĩnh mạch và tự động tập trung tại các vùng xương bị ung thư. Bức xạ phát ra từ các hạt này giúp tiêu diệt tế bào ung thư và giảm đau. Phương pháp này thường chỉ cần thực hiện một lần nhưng hiệu quả có thể kéo dài trong vài tháng.

Samarium và stronti là những hạt nhân phóng xạ thường được sử dụng trong điều trị di căn xương, nhưng radium cũng có thể được áp dụng. Các hạt nhân phóng xạ này hiệu quả hơn đối với các di căn "blastic", tức những di căn kích thích sự phát triển của xương. Ngược lại, loại di căn "lytic" (nghĩa là phá hủy xương) không được điều trị bằng hạt nhân phóng xạ. Phương pháp này có thể làm cơn đau tăng lên ban đầu nhưng sau đó triệu chứng sẽ dần thuyên giảm.

Tác dụng phụ chính của liệu pháp này là gây thiếu máu, do đó cần thận trọng khi sử dụng cho những người có số lượng hồng cầu thấp.

4.2. Liệu pháp điều trị cục bộ

4.2.1. Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để điều trị ung thư di căn xương. Những tia X này tương tự như tia X dùng trong chẩn đoán, nhưng với mức năng lượng cao hơn nhiều. Năng lượng cao từ các tia X trong xạ trị gây tổn thương DNA của tế bào. Do tế bào ung thư phân chia nhanh hơn so với tế bào khỏe mạnh, DNA của tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn. Tế bào ung thư cũng gặp khó khăn trong việc sửa chữa DNA bị hư hỏng so với các tế bào bình thường, khiến tế bào ung thư dễ bị tiêu diệt hơn khi tiếp xúc với bức xạ.

Xạ trị tận dụng sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời hạn chế tác động lên các tế bào bình thường. Phương pháp này thường được áp dụng khi bệnh nhân bị đau xương do di căn mà thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả. Mục tiêu của xạ trị là giảm đau và hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cần một vài tuần sau điều trị để đạt được hiệu quả giảm đau tối đa.

4.2.2. Đốt khối u

Đốt khối u là kỹ thuật sử dụng kim đặt trực tiếp vào khối u để truyền nhiệt, lạnh hoặc hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hai phương pháp phổ biến nhất là đốt bằng tần số vô tuyến và áp lạnh. Đốt bằng tần số vô tuyến sử dụng dòng điện để tạo nhiệt, phá hủy khối u, thường thực hiện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Trong khi đó, áp lạnh đông lạnh khối u, tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách làm đóng băng.

4.2.3. Xi măng xương

Trong một số trường hợp, xương cần được cố định bằng cách sử dụng xi măng hoặc keo đông kết. Phương pháp này có thể được áp dụng riêng lẻ để giúp ổn định xương và kiểm soát cơn đau hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như xạ trị hoặc đốt bằng tần số vô tuyến.

4.2.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được sử dụng để giảm đau và ổn định xương. Các dụng cụ như que phẫu thuật, đinh vít, ghim, đĩa và lồng có thể được sử dụng để củng cố xương, ngăn ngừa hoặc điều trị gãy xương.

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư di căn xương phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí di căn và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Phương pháp điều trị quan trọng nhất vẫn là tập trung vào ung thư nguyên phát. Bệnh nhân cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.

5. Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư di căn xương là bao lâu?

Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư xương di căn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể bệnh của từng người. Thời gian sống trung bình thường dao động từ 16 đến 24 tháng khi được điều trị tích cực và đúng hướng. Nếu bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sẽ được cải thiện đáng kể.

Ung thư di căn xương là một tình trạng nghiêm trọng. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư đóng vai trò quan trọng, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe