Tiên lượng điều trị ung thư gan theo từng giai đoạn

Quá trình điều trị ung thư gan được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố như vị trí của khối u, kích thước, giai đoạn của bệnh, kết quả xét nghiệm và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Khả năng chữa khỏi và thời gian sống của bệnh nhân phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị ung thư gan thành công có thể đạt tới 80%.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.

1. Triệu chứng của ung thư gan

Dựa vào nguồn gốc gây bệnh, ung thư gan được phân loại thành hai loại chính: ung thư gan nguyên phát (bắt nguồn trực tiếp từ các tế bào gan) và ung thư gan di căn (xuất phát từ các cơ quan khác rồi lan đến gan).

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của ung thư gan thường rất ít hoặc không rõ rệt, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể gặp các vấn đề như chán ăn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, thỉnh thoảng cảm thấy nặng tức ở hạ sườn phải hoặc thượng vị, nhưng các triệu chứng này thường không được chú ý, chỉ thoáng qua mà không gây ảnh hưởng đáng kể.

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, các triệu chứng lâm sàng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn:

  • Vàng da: Khoảng một phần ba số bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn cuối gặp phải triệu chứng này. Vàng da xuất hiện do tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng và khối u gây chèn ép lên đường mật.
  • Đau bụng: Người bệnh thường cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng bên phải, vị trí của gan, đây cũng là dấu hiệu điển hình của ung thư gan nguyên phát.
  • Sốt: Một số bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc đôi khi sốt cao đột ngột lên đến trên 39°C.
  • Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân có thể chán ăn, tiêu hóa kém, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, dẫn đến suy nhược cơ thể.
  • Khối u ở gan: Gan có thể to lên, trở nên cứng và bề mặt có nhiều nốt hoặc những khối u có kích thước không đều, thường gây cảm giác đau tức. 
Bệnh nhân ung thư gan thường có cảm giác đau dữ dội ở vùng bụng bên phải.
Bệnh nhân ung thư gan thường có cảm giác đau dữ dội ở vùng bụng bên phải.

Các triệu chứng này càng trở nên nghiêm trọng khi ung thư gan chuyển sang giai đoạn cuối, gây đau đớn cho bệnh nhân.

2. Ung thư gan có chữa được không?

Ung thư gan có chữa được không phụ thuộc rất lớn vào thời điểm phát hiện và tiến hành điều trị bệnh. Nếu ung thư gan được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị ung thư gan có thể lên đến 80%. Đặc biệt, khối u nhỏ có khả năng được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn.  

Vậy ung thư gan sống được bao lâu? Thông thường, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thời điểm điều trị ung thư gan:

  • Nếu phẫu thuật được tiến hành sớm khi khối u dưới 3cm (gan mới chỉ bị xơ), tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt từ 80% đến 90%.
  • Khi khối u phát triển lớn hơn, từ 3 đến 6cm, tỷ lệ sống giảm còn khoảng 60%.
  • Với khối u trên 6cm, tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn khoảng 10% đến 15%.
  • Nếu khối u vượt quá 10cm và xuất hiện các dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, khả năng chữa khỏi gần như không còn, mục tiêu điều trị chủ yếu tập trung vào kéo dài thời gian sống và giảm đau.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đối với ung thư gan.

3. Cách điều trị ung thư gan

Nếu ung thư gan được phát hiện sớm trong giai đoạn thứ phát, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị ung thư gan sau:

3.1 Phẫu thuật cắt bỏ

Phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp ung thư gan giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư mới chỉ tập trung ở một phần của gan và phần gan còn lại vẫn khỏe mạnh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u và một phần mô lành xung quanh khối u, giúp ngăn ngừa khả năng tái phát và lan rộng của bệnh.

3.2 Cấy ghép gan

Trong trường hợp ung thư đã ảnh hưởng đến cả hai lá gan hoặc chỉ ảnh hưởng đến một bên nhưng phần gan còn lại cũng đã suy yếu, phẫu thuật cắt bỏ sẽ không khả thi. Khi đó, phương pháp cấy ghép gan sẽ được bác sĩ xem xét và chỉ định để điều trị ung thư gan. Cấy ghép gan là quá trình thay thế gan bị bệnh bằng một phần gan khỏe mạnh từ người hiến. Đây là phương pháp điều trị tối ưu cho những trường hợp ung thư chưa lan ra ngoài gan và giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục tốt. 

Phẫu thuật cấy ghép gan là một trong những phương pháp điều trị ung thư gan.
Phẫu thuật cấy ghép gan là một trong những phương pháp điều trị ung thư gan.

3.3 Xạ trị

Phương pháp xạ trị ung thư gan là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và làm nhỏ khối u. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp khối u khu trú, không thể phẫu thuật hoặc thực hiện sau khi phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, xạ trị điều biến cường độ (IMRT) và xạ trị định vị thân (SBRT) là hai kỹ thuật tiên tiến được sử dụng. Các phương pháp này có độ chính xác cao, sử dụng nhiều chùm tia để cung cấp liều cao tại mô đích, cung cấp liều giảm nhanh ở ngoài mô đích, đồng thời giảm tác động lên các mô lành xung quanh.  

Nghiên cứu đã cho thấy phương pháp này có hiệu quả cao, với tỷ lệ sống sau 1 năm dao động từ 50-100% và tỷ lệ kiểm soát khối u tại chỗ đạt từ 64-100%. Đây là kết quả khả quan, đặc biệt ở những bệnh nhân giai đoạn tiến xa, bệnh nhân xơ gan tiềm ẩn hoặc trường hợp đã thất bại với các liệu pháp trước đó.

3.4 Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư gan bằng cách sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Đối với ung thư gan, hóa trị có thể được chỉ định trong các trường hợp bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc khi các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả. Ngoài tiêu diệt tế bào ung thư, hoá trị có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào lành và gây ra nhiều tác dụng phụ. Chính vì thế, ngày nay, phương pháp này ít được sử dụng và thường được thay thế bằng các phương pháp toàn thân khác.

Nếu bệnh nhân duy trì được sức khỏe trong 5 năm sau điều trị và không có dấu hiệu tái phát, bệnh nhân có thể được coi là đã khỏi bệnh, vì ung thư ít khi tái phát sau thời gian này.

Ung thư gan là một bệnh lý nguy hiểm, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó, cần chú trọng việc bảo vệ gan thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh. Ngoài ra, việc tầm soát ung thư gan định kỳ cũng rất quan trọng để phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị thành công. 

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan cần dựa trên nhiều yếu tố như vị trí của khối u, kích thước, giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân,...
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan cần dựa trên nhiều yếu tố như vị trí của khối u, kích thước, giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân,...

4. Biến chứng và tác dụng phụ của điều trị ung thư gan

Trong quá trình điều trị ung thư gan, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ, tương tự như các phương pháp điều trị y khoa khác. Các tác dụng phụ này thường xuất phát từ việc hóa trị và xạ trị, khi các phương pháp này không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn, ăn không ngon, cảm giác no nhanh.
  • Thay đổi vị giác.
  • Tiêu chảy, khó hấp thụ dinh dưỡng.
  • Sụt cân.
  • Đau rát miệng hoặc họng.
  • Giảm khả năng tập trung.
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát.

Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ dần biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử lý kịp thời. Việc theo dõi chặt chẽ và trao đổi thường xuyên với bác sĩ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Ung thư gan là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm nhưng thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào ở giai đoạn đầu. Vì vậy, chúng ta cần chủ động chăm sóc và bảo vệ lá gan hàng ngày thông qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh. Ngoài ra, việc tầm soát ung thư gan định kỳ cũng rất quan trọng để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư gan, giúp sàng lọc và phát hiện kịp thời bệnh ung thư gan để đưa ra phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả và phù hợp nhất cho bệnh nhân. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan như người có tiền sử gia đình bị ung thư gan, xơ gan do virus hoặc rượu, viêm gan B hoặc viêm gan C mãn tính, người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên... nên tầm soát ung thư gan định kỳ để đảm bảo sức khỏe.

Khi đăng ký gói tầm soát này, bệnh nhân sẽ được khám và tư vấn trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, kiểm tra viêm gan B, viêm gan C, các chẩn đoán hình ảnh nhằm phát hiện sớm khối u ác tính cũng sẽ được thực hiện. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, Vinmec cam kết mang đến sự chăm sóc toàn diện và bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe