Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Khoa Bình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hiện nay nhiều người đã lựa chọn giảm tinh bột, thậm chí là hoàn toàn không ăn cơm, kể cả bánh mì, bún, miến, phở... để giảm cân. Vậy việc không ăn hạt cơm nào có đem lại một vòng eo thon gọn cùng cơ thể khỏe mạnh thực sự không?
1. Cắt hoàn toàn tinh bột có thật sự tốt?
Kiểm soát cân nặng tốt sẽ phụ thuộc khá nhiều vào lượng tinh bột được đưa vào cơ thể. Nhưng “hạn chế”, chứ không phải là cắt hoàn toàn tinh bột, tránh làm mệt mỏi và khiến cơ thể gặp một số vấn đề về sức khỏe.
Nhịn ăn tinh bột quá 1 tháng có thể khiến cho bạn cảm thấy đói liên tục, có cảm giác cồn cào thèm cơm nên khó kiềm chế được cơn đói và dễ lâm vào tình trạng lại tăng cân sau khi giảm béo.
Gần 95% năng lượng của não bộ là từ glucose, nên khi cơ thể không nạp tinh bột nhiều ngày, não bộ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu để hoạt động hiệu quả. Ban đầu, ở mức độ nhẹ, bạn có thể thấy người mệt mỏi, làm việc kém sáng tạo và năng suất. Nặng hơn là khó thở, đau đầu và choáng váng.
Chế độ ăn kiêng không tinh bột sẽ dẫn đến việc thiếu hụt một số loại vitamin quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin nhóm B. Hầu hết các loại vitamin này đều có trong các loại thực phẩm chứa tinh bột, do đó khi cắt giảm hoặc loại bỏ tinh bột trong chế độ ăn uống hàng ngày mà bạn lại không tìm cách bổ sung vitamin B từ nguồn thực phẩm khác sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa.
Thay vì bỏ hẳn tinh bột, bạn có thể chọn các loại thực phẩm ít năng lượng như: thỉnh thoảng ăn xen kẽ một vài bữa gạo lứt, yến mạch, khoai tây, kết hợp cùng rau của quả và các loại hạt giảm cân như hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt óc chó, đậu phộng, hạt dẻ cười. Các loại hạt này chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, protein và chất xơ, tạo cảm giác no lâu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.