Làm thế nào khi bị dị ứng thức ăn?

Cần làm gì khi bị dị ứng thức ăn là những thông tin quan trọng cần người nhà và bệnh nhân nắm rõ vì khi dị ứng sẽ gây ra nhiều triệu chứng, có thể từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng. Cùng tìm hiểu về các biện pháp chăm sóc sức khỏe và ăn uống phù hợp để đối phó hiệu quả với vấn đề này. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ  chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Dị ứng thức ăn là gì?

Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng và nhận diện một loại thực phẩm là có hại. Bệnh này có hai dạng chính là cấp tính và mãn tính.

Dị ứng cấp tính thường xảy ra đột ngột, trong khi dị ứng mãn tính sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn. Các triệu chứng của dị ứng thức ăn cấp tính có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.  

Bệnh dị ứng thức ăn cũng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ lớn hơn cũng như người lớn. Vì thế, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cũng như nắm rõ cần làm gì khi bị dị ứng thức ăn để xử lý kịp thời.

2. Cơ chế dị ứng thức ăn

Về cơ chế của dị ứng thức ăn, nguyên nhân gây ra phản ứng này trong cơ thể con người thường liên quan đến thức ăn chứa histamin hoặc trong quá trình chuyển hóa thức ăn, histamin cùng các chất hóa học trung gian khác được sản sinh gây giãn mao mạch, thoát huyết tương và kích thích các tế bào khác.  

Kết quả của sự thoát ra này làm đọng lại các chất trong cơ thể, dẫn đến tình trạng rphù nề tại chỗ hoặc trên toàn bộ cơ thể. Các chất hóa học trung gian này thường là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bệnh như sưng huyết, tiết dịch, phản ứng da nổi mẩn ngứa, phản ứng da nổi mề đay, co thắt cơ trơn dẫn đến đau bụng, buồn nôn và khó thở...

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chất gây ra dị ứng thức ăn thường là protein có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật. Đặc điểm của loại protein này là bền với nhiệt, vì vậy ngay cả khi thức ăn được nấu chín ở nhiệt độ cao, protein vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu, gây ra dị ứng thức ăn. Một điểm đặc biệt khác của loại protein này là không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và axit trong dạ dày.

3. Biểu hiện của dị ứng thức ăn 

Nổi mề đay, ngứa ngáy hay có thể là ngứa ran và ngứa trong miệng là triệu chứng dị ứng thức ăn.
Nổi mề đay, ngứa ngáy hay có thể là ngứa ran và ngứa trong miệng là triệu chứng dị ứng thức ăn.

Các dấu hiệu thường gặp của dị ứng thức ăn bao gồm:

  • Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm nổi mề đay, cảm giác ngứa ngáy, có thể là ngứa ran và ngứa trong miệng.
  • Chóng mặt, cảm giác choáng, ngất xỉu.
  • Thở khò khè, khó thở, nghẹt mũi.
  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa.
  • Sưng vùng môi, mặt, lưỡi, cổ họng và các phần khác của cơ thể.
  • Sốc phản vệ, dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng với các triệu chứng như co thắt đường hô hấp, sưng cổ họng, khó thở, tụt huyết áp và bất tỉnh. 
Người thân và bệnh nhân cần tìm hiểu nên làm gì khi bị dị ứng thức ăn để xử lý các triệu chứng do dị ứng gây ra.
Người thân và bệnh nhân cần tìm hiểu nên làm gì khi bị dị ứng thức ăn để xử lý các triệu chứng do dị ứng gây ra.

Một số bệnh nhân có thể phát triển triệu chứng muộn sau vài ngày tiêu thụ thức ăn gây dị ứng, bao gồm:

  • Viêm da
  • Hen phế quản
  • Viêm mũi dị ứng
  • Viêm xoang
  • Ho dai dẳng, chảy nước mũi
  • Táo bón
  • Ra mồ hôi
  • Biếng ăn
  • Giảm tập trung, ngủ kém

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng thức ăn thường phụ thuộc vào thời gian cơ thể phản ứng với thức ăn, yếu tố di truyền và lượng thức ăn tiêu thụ.

4. Làm gì khi bị dị ứng thức ăn?

Có một số câu hỏi mà các bậc phụ huynh thường đặt ra, bao gồm cần làm gì khi bị dị ứng thức ăn hoặc thuốc nào phù hợp cho trẻ khi gặp phải dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đưa ra phương pháp điều trị dị ứng thức ăn hoặc thuốc để ngăn ngừa cơ thể phản ứng với thức ăn.

Nếu gặp phải dị ứng nhẹ, cần ngừng ngay việc tiếp tục ăn thức ăn gây dị ứng và có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa và phù nề.

Trong trường hợp gặp phải dị ứng nghiêm trọng, cần ngừng tiếp tục tiêu thụ thức ăn gây dị ứng và cấp cứu ngay lập tức. Epinephrine tiêm tĩnh mạch có thể được bác sĩ sử dụng. Sau đó, bệnh nhân có thể được áp dụng một trong hai phương pháp sau: liệu pháp miễn dịch qua đường uống hoặc sử dụng Anti-IgE.

5. Các biện pháp phòng tránh khi bị dị ứng thức ăn

Ngoài việc biết rõ về nguyên nhân, triệu chứng và làm gì khi bị dị ứng thức ăn thì người thân cùng bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau để phòng tránh dị ứng thức ăn:

  • Kiểm tra kỹ thành phần trên bao bì thực phẩm để đảm bảo không chứa các loại thực phẩm gây dị ứng như sữa bò, trứng, cá, đậu phộng, đậu nành, động vật có vỏ, hạt cây và lúa mì. Khi đi ăn ngoài hoặc đến nhà hàng, cần hỏi kỹ về thành phần của món ăn để tránh tiếp xúc với protein gây dị ứng thức ăn.
  • Tránh ăn thực phẩm hỏng hoặc hết hạn sử dụng.
  • Nắm rõ về cách sử dụng thuốc tiêm chống dị ứng và luôn mang theo thuốc để đề phòng bất kỳ phản ứng dị ứng thức ăn nào, ví dụ như thuốc epinephrine auto injectable.
  • Vệ sinh các dụng cụ nhà bếp trước khi nấu và chuẩn bị thực phẩm cho trẻ.
  • Thông báo cho giáo viên, người trông trẻ về tình trạng dị ứng thức ăn của bé.

Phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng vì nếu trẻ bị dị ứng thức ăn từ nhỏ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, chàm hay hen phế quản. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh cần áp dụng:

  • Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng thức ăn từ thành phần sữa mẹ.
  • Khi không thể bú mẹ, sử dụng sữa công thức giảm dị ứng có đạm thủy phân và tránh sữa bò.
  • Không nên cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi và chỉ nên cho trẻ ăn dặm từ từ thực phẩm mới một lần mỗi tuần để giảm nguy cơ dị ứng. Tránh sử dụng các thực phẩm gây dị ứng như lòng trắng trứng, hải sản và đậu phộng cho đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
  • Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên chọn các loại thực phẩm ít gây dị ứng như gạo, các loại củ, đồng thời tránh các thực phẩm chế biến công nghiệp và gia vị nhân tạo.
  • Nếu phát hiện triệu chứng bất thường gợi ý đến dị ứng thức ăn, cần ngừng cho trẻ ăn loại thực phẩm đó và theo dõi tình trạng sức khỏe để cần thiết đưa đến cơ sở y tế.
  • Cần tránh các loại thực phẩm có mẫn cảm chéo với các loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ, ví dụ như sữa dê và sữa bò, thịt bò và thịt cừu hoặc các loại cá.
  • Việc bổ sung vitamin và khoáng chất khi loại bỏ một số thực phẩm ra khỏi khẩu phần ăn cũng cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. 
Khi mẹ không có sữa để cho con bú thì nên tránh việc sử dụng sữa bò
Khi mẹ không có sữa để cho con bú thì nên tránh việc sử dụng sữa bò

Dị ứng thức ăn là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, cần phải cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm và khi có bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng thức ăn, cần biết làm gì khi bị dị ứng thức ăn để khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị khi phát hiện ra triệu chứng ban đầu. Ngoài ra, việc phòng tránh bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, không nhất thiết phải chờ đến khi các triệu chứng của dị ứng thức ăn xuất hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe