Các tác nhân gây dị ứng da phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể bao gồm: lông động vật, phấn hoa, thực phẩm... Việc nhận biết các tác nhân và cách hạn chế tình trạng dị ứng có thể giúp chúng ta có chất lượng cuộc sống tốt hơn, và phòng ngừa được những phản ứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Phản ứng của cơ thể khi hệ thống miễn dịch bị kích thích
Có rất nhiều thứ khiến cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể bị kích thích và gây ra phản ứng dị ứng, như phấn hoa, lông động vật hay một loại thực phẩm nào đó. Các phản ứng này thường sẽ khiến chúng ta cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, có thể tự biến mất hoặc sau khi áp dụng một số biện pháp xử lý. Nhưng cũng có một vài trường hợp đe dọa đến tính mạng, thường được gọi là sốc phản vệ.
2. Các tác nhân gây dị ứng da phổ biến trong đời sống hàng ngày
2.1 Phấn hoa
Đây là một trong những tác nhân chính gây dị ứng da, thường gây ra bệnh “dị ứng theo mùa” và “sốt cỏ khô". Dị ứng phấn hoa thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, thời điểm bắt đầu mùa hoa nở. Bệnh sẽ khiến người dị ứng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa và chảy nước mắt. Cách điều trị chính là dùng các loại thuốc kê đơn, thuốc theo toa hoặc tiêm ngừa dị ứng. Hạn chế ra ngoài trong những ngày nhiều gió khi lượng phấn hoa cao, hoặc ăn mặc đủ kín để tránh tiếp xúc phấn hoa có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng.
2.2 Lông động vật
Với những người yêu thú cưng, đây chắc hẳn là tác nhân gây dị ứng da khó chịu nhất. Phổ biến là tình trạng dị ứng với protein trong nước bọt khi bị chó mèo liếm hoặc dụi vào người. Dị ứng do lông chó mèo thường phải mất khoảng 2 năm mới bắt đầu bộc phát. Cách để sống chung với thú cưng mà vẫn phòng tránh được dị ứng là đảm bảo không cho chúng vào phòng ngủ, sử dụng những loại thảm có thể giặt được. Ngoài ra, thường xuyên tắm cho chó mèo, kết hợp với sử dụng máy lọc không khí cũng sẽ khá hữu dụng trong việc phòng ngừa dị ứng lông động vật.
2.3 Mạt bụi (Bọ ve)
Mạt bụi sống trong ga trải giường, nệm, vải bọc, thảm và rèm cửa. Những con bọ nhỏ này gặm nhấm những tế bào da chết của người và vật nuôi, cũng như phấn hoa, vi khuẩn và nấm. Chúng phát triển mạnh ở những nơi có độ ẩm cao. Để hạn chế mạt bụi sống trong môi trường xung quanh và giảm bớt tình trạng dị ứng, hãy sử dụng gối không gây dị ứng, dùng bọc nệm và giặt ga trải giường hàng tuần bằng nước nóng. Ngoài ra, người dị ứng mạt bụi cần giữ cho ngôi nhà không xuất hiện những vật dụng bám bụi như thú nhồi bông, rèm cửa và thảm (Nếu có, hãy đảm bảo vệ sinh thường xuyên để giữ môi trường luôn sạch sẽ, thoáng mát).
2.4 Vết đốt côn trùng
Những vết đốt của côn trùng có thể gây sưng tấy, kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn. Ngoài ra, người bị đốt có khả năng khó chịu ở bụng, mệt mỏi và sốt nhẹ. Trong một số ít trường hợp, vết côn trùng cắn có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng. Nếu bị dị ứng nặng, bệnh nhân nên sử dụng Epinephrine ngay lập tức. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định tiêm phòng dị ứng để ngăn ngừa những phản ứng nguy hiểm của cơ thể người bệnh.
2.5 Nấm mốc
Nấm mốc thường tồn tại và phát triển ở những nơi ẩm ướt như tầng hầm hoặc phòng tắm, là một tác nhân gây dị ứng da khá phổ biến. Chúng sẽ sản sinh các bào tử nấm gây ra phản ứng dị ứng ở người bệnh. Luôn giữ cho nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ là cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng nấm mốc.
2.6 Một số loại thực phẩm
Sữa, động vật có vỏ, trứng và các loại hạt là những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất. Một số thức ăn khác cũng có khả năng gây dị ứng, bao gồm lúa mì, đậu nành và cá. Nếu cơ thể người bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, trong vòng vài phút sau khi ăn họ sẽ cảm thấy khó thở, nổi mề đay, nôn mửa hoặc cảm giác sưng quanh miệng. Trong trường hợp cơ thể phản ứng nghiêm trọng, bệnh nhân và người nhà cần liên hệ y tế để được hỗ trợ kịp thời.
2.7 Dị ứng latex
Latex được tìm thấy trong một số găng tay, bao cao su và thiết bị y tế dùng một lần, dị ứng latex có thể gây ra phản ứng từ nhẹ (như: ngứa, đỏ da) đến nghiêm trọng (như: sốc phản vệ kèm theo khó thở). Các triệu chứng khác có thể bao gồm: phát ban hoặc nổi mề đay, kích ứng mắt, sổ mũi hoặc ngứa, hắt hơi và thở khò khè. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân bị dị ứng cần luôn mang bên người các loại thuốc thuốc đã được bác sĩ điều trị kê đơn.
2.8 Các loại thuốc cũng có thể là tác nhân gây dị ứng da
Penicillin, Aspirin và một số loại thuốc khác có thể gây phát ban, ngứa mắt, nghẹt mũi, sưng mặt, miệng và cổ họng. Nếu bị dị ứng với thuốc thì tốt nhất không nên dùng, thay vào đó bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ để lựa chọn các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác.
2.9 Phân gián - Tác nhân gây dị ứng da đầy bất ngờ
Trong phân gián có một loại protein có khả năng gây ra dị ứng nếu vô tình chạm vào. Gián rất khó loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống, đặc biệt là những nơi có khí hậu ấm áp và các tòa nhà chung cư. Chúng ta có thể xử lý gián bằng thuốc diệt côn trùng và giữ cho nhà bếp sạch sẽ để loại bỏ môi trường sống của gián. Ngoài ra, hãy chú ý đến các vết nứt và lỗ trên sàn, tường hoặc cửa sổ để ngăn chặn khả năng thâm nhập vào nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.