Dị ứng hải sản và động vật có vỏ là tình trạng phổ biến ở nhiều người, khiến cơ thể ngứa ngáy khó chịu, phát ban, sưng mặt. Và nếu không được xử trí kịp thời, tình trạng dị ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
1. Dị ứng hải sản và động vật có vỏ là bệnh gì?
Dị ứng động vật có vỏ, hải sản có vỏ là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch trong cơ thể đối với protein có trong một số loài hải sản nhất định. Các loại hải sản và động vật có vỏ đóng vai trò là tác nhân gây dị ứng có thể kể đến, bao gồm dị ứng tôm, cua, hàu, tôm hùm, mực, bạch tuộc và sò điệp.
Một số trường hợp bị dị ứng hải sản có vỏ phản ứng với tất cả các loại hải sản có vỏ, trong khi có những người chỉ phản ứng với một số loại nhất định, ví dụ như dị ứng tôm. Các triệu chứng có thể từ nhẹ (như phát ban hay nghẹt mũi) cho đến những triệu chứng nặng (như khó thở, tụt huyết áp...) và thậm chí có nguy cơ đe dọa tính mạng với trường hợp sốc phản vệ.
Nếu bạn nghi ngờ mình có dấu hiệu dị ứng với hải sản, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám chính xác bằng các xét nghiệm chuyên biệt. Khi đã xác định mình bị dị ứng động vật có vỏ, bạn có thể chủ động đề phòng trong tương lai.
Hải sản có vỏ là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán xác định và chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp thích hợp.
2. Triệu chứng dị ứng hải sản và động vật có vỏ
Những triệu chứng phổ biến của dị ứng động vật có vỏ và hải sản có vỏ là:
- Phát ban da, ngứa ngáy và chàm (viêm da cơ địa)
- Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng
- Thở khò khè, nghẹt mũi và khó thở
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Chóng mặt, hoa mắt hoặc ngất xỉu
Ngoài ra, dị ứng hải sản và các loại dị ứng thực phẩm nói chung có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa tính mạng, được gọi là sốc phản vệ. Đây là tình huống nguy cấp, cần được cấp cứu bằng tiêm epinephrine (adrenaline) và chuyển đến phòng cấp cứu bệnh viện ngay.
Những dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Sưng hay nghẹn trong cổ họng (co thắt đường thở), khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn;
- Sốc, huyết áp tụt nghiêm trọng;
- Mạch đập nhanh;
- Chóng mặt, hoa mắt hoặc mất nhận thức.
3. Nguyên nhân gây ra dị ứng hải sản
Tất cả các loại dị ứng thức ăn nói chung và dị ứng hải sản có vỏ nói riêng đều gây ra bởi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với tác nhân gây dị ứng. Cụ thể trong lần đầu tiên tiếp xúc, hệ miễn dịch đã nhận diện một loại protein của hải sản có vỏ là “có hại”, dẫn đến việc hệ miễn dịch phát tín hiệu, làm sản sinh ra các kháng thể chống lại protein đó (đóng vai trò là kháng nguyên gây dị ứng).
Như vậy, trong những lần tiếp xúc sau này với protein từ hải sản và động vật có vỏ, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng ra histamin và các chất trung gian hóa học, gây ra triệu chứng dị ứng.
Trên thực tế, mỗi loại hải sản có vỏ sẽ chứa những loại protein khác nhau:
- Các loại hải sản giáp xác bao gồm cua, tôm hùm, tôm càng, tôm hồng và các loại tôm nhỏ;
- Các loại hải sản thân mềm bao gồm mực, bạch tuộc, nghêu, sò điệp, ốc và hàu.
Vì vậy, một số người bị dị ứng với loại hải sản này có thể ăn những loại hải sản khác và ngược lại. Tuy nhiên, có những người không thể ăn được tất cả các loại hải sản có vỏ.
4. Ai là đối tượng dễ bị dị ứng hải sản và động vật có vỏ?
Nguy cơ dị ứng hải sản và động vật có vỏ tăng cao nếu trong gia đình cũng có người dị ứng với hải sản có vỏ.
Mặc dù dị ứng hải sản có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng thường phổ biến hơn ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ. Trong khi đó, ở trẻ em, dị ứng động vật có vỏ xuất hiện nhiều hơn ở các bé trai.
5. Chẩn đoán dị ứng động vật có vỏ
Để xác định bệnh nhân có thật sự bị dị ứng hải sản hay không, bác sĩ sẽ dựa vào việc hỏi bệnh và khai khác kĩ tiền sử của bệnh nhân, có thể tiến hành một xét nghiệm như test lẩy da và xét nghiệm IgE đặc hiệu.
6. Cách xử lý dị ứng hải sản
Khi bạn bị dị ứng với hải sản và động vật có vỏ, điều quan trọng nhất là không ăn các loại thực phẩm gây dị ứng, như tôm, tôm hùm, cua và các động vật giáp xác khác. Bệnh nhân cần phải tránh xa hải sản hoàn toàn nếu có nguy cơ dị ứng nghiêm trọng, gây ra sốc phản vệ.
Trong trường hợp, người bệnh vô tình ăn phải bất kỳ loại hải sản nào và có dấu hiệu dị ứng, epinephrine (adrenaline) là phương pháp điều trị đầu tiên cho sốc phản vệ. Đối với các phản ứng nhẹ hơn, như phát ban da hoặc ngứa, hãy sử dụng các thuốc kháng histamin. Hiện nay đã có nhiều thuốc kháng histamin không kê toa trên thị trường, bệnh nhân có thể chuẩn bị sẵn phòng trường hợp xuất hiện triệu chứng dị ứng sau khi ăn phải hải sản và động vật có vỏ.
7. Cách phòng ngừa dị ứng động vật có vỏ, hải sản có vỏ
- Tìm hiểu kỹ các món ăn, đặc biệt các món lần đầu tiên trước khi ăn;
- Tránh ăn uống tại nhà hàng hải sản hoặc mua bán ở chợ cá. Một số người xuất hiện phản ứng dị ứng ngay cả khi họ hít phải hơi nước hoặc mùi trong lúc chế biến hải sản;
- Đọc nhãn thực phẩm và đồ ăn đóng hộp. Các sản phẩm thực phẩm và đồ đóng hộp có thể chứa hải sản có vỏ. Tuy nhiên, thành phần này không được công bố trên nhãn nếu là hải sản thân mềm, như sò điệp và hàu. Vì vậy, hãy thận trọng với các loại thực phẩm có chứa những thành phần không rõ ràng có khả năng khiến bạn bị dị ứng, như “hương vị hải sản”, “nguồn gốc từ cá”;
- Thông báo cho người khác về tình trạng dị ứng hải sản của bạn. Trong những chuyến bay có phục vụ bữa ăn, bạn nên chủ động hỏi tiếp viên xem trong khẩu phần ăn có cá hoặc các loại hải sản có vỏ hay không. Khi nhận lời mời đến dự một bữa tiệc, hãy cho người đãi tiệc biết về tình trạng dị ứng của bạn. Nếu trẻ bị dị ứng hải sản, hãy thông báo trước cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc người giữ nhiệm vụ chăm sóc trẻ.
Hải sản thường là thực phẩm chính trong các bữa ăn và là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, nếu là người bị dị ứng hải sản và động vật có vỏ thì bạn nên thận trọng, sẵn sàng xử trí và dùng thuốc trong tình huống khẩn cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org