Thuốc ức chế miễn dịch có rất nhiều loại khác nhau với đa dạng công dụng, nhưng đều nhằm mục đích ngăn chặn các bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch vô tình tấn công vào những tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Thuốc ức chế miễn dịch là gì?
Trong điều kiện bình thường, hệ thống miễn dịch của chúng ta có tác dụng ngăn cản không cho những chất độc hại như virus, vi khuẩn và tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể. Nhưng đôi khi hệ thống miễn dịch lại tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh. Những trường hợp đó gây ra tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch, dẫn tới các bệnh tự miễn.
Để giải quyết vấn đề, bác sĩ sẽ khuyên sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc có khả năng làm chậm hoặc ngừng phản ứng, khiến cho hệ thống miễn dịch suy yếu. Mặc dù thuốc giúp chúng ta ngăn ngừa được tình trạng các tế bào và mô khoẻ mạnh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch, nhưng thuốc cũng vô tình làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ virus, vi khuẩn và nấm.
2. Khi nào cần sử dụng các loại thuốc ức chế này?
2.1. Mắc bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là một tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch, khởi đầu bằng việc hệ thống miễn dịch tấn công các mô và tế bào khỏe mạnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu uống thuốc để ngăn ngừa tình trạng đó, hạn chế nguy cơ tổn thương tế bào và giảm triệu chứng viêm.
Các bệnh tự miễn thường được khuyên sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch có thể kể đến như là:
- Rụng tóc từng vùng.
- Bệnh đa xơ cứng.
- Bệnh vảy nến.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Viêm ruột, bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Lupus.
2.2. Cấy ghép nội tạng
Khi ghép tạng, cơ thể của bệnh nhân sẽ xem cơ quan tạng mới được cấy ghép là kẻ xâm nhập cần phải tiêu diệt. Lúc đó, hệ thống miễn dịch sẽ khiến cơ thể đào thải cơ quan được cấy ghép. Thuốc ức chế miễn dịch sẽ giúp bảo vệ cơ quan mới thông qua kiểm soát phản ứng của hệ thống miễn dịch.
2.3. Cấy ghép tế bào gốc
Trong một số trường hợp, các bệnh nhân ung thư máu, rối loạn máu hoặc gặp vấn đề về tủy xương cần được cấy ghép tế bào gốc đồng loại.
Những ca cấy ghép sử dụng tế bào gốc được hiến tặng cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân để thay thế các tế bào không khỏe mạnh và tạo nên hệ thống miễn dịch mới.
Lúc này, hệ thống miễn dịch từ tế bào mới sẽ tấn công các mô và cơ quan khỏe mạnh trong cơ thể người bệnh. Đây được gọi là bệnh mảnh ghép chống ký chủ cấp tính (GvHD).
Thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm nguy cơ mắc GvHD, đồng thời ngăn ngừa và điều trị GvHD. Thuốc sẽ được sử dụng dưới dạng tiêm vào tĩnh mạch hoặc thông qua đường uống. Thời gian sử dụng kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng trong và sau khi cấy ghép tế bào gốc. Người bệnh thường phải dùng thuốc này trong nhiều năm cho đến khi hệ thống miễn dịch mới trở nên ổn định.
3. Các loại thuốc ức chế phổ biến
3.1. Thuốc ức chế Calcineurin
Phổ biến là Tacrolimus hoặc Cyclosporine, thuốc ức chế Calcineurin có tác dụng ngăn chặn một loại enzyme kích thích tế bào T - tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.
3.2. Thuốc ức chế Janus Kinase
Loại thuốc này giúp giảm viêm bằng cách hạn chế hoạt động của một số enzyme, đóng vai trò là một loại chất điều hòa miễn dịch,. Một loại thuốc ức chế Janus Kinase thường dùng là Xeljanz.
3.3. Thuốc ức chế mTOR
Thuốc ức chế mTOR phổ biến là Sirolimus (Rapamune), có tác dụng ngăn tế bào phát triển và nhân lên.
3.4. Thuốc sinh học
Thuốc ức chế sinh học được điều chế từ phòng thí nghiệm, nhằm mục đích giảm thiểu phản ứng của hệ thống miễn dịch với các chất xâm nhập vào cơ thể. Hai loại thường dùng là Adalimumab và Inflixiamb.
4. Những lợi ích và rủi ro đi kèm
4.1. Lợi ích của việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
Tác dụng rõ rệt nhất chính là kiểm soát hệ thống miễn dịch, góp phần điều trị một số bệnh rối loạn tự miễn thường gặp. Trong trường hợp bệnh nhân vừa được hiến tặng một cơ quan hoặc tế bào gốc, thuốc ức chế sẽ giúp ngăn không cho cơ thể từ chối cơ quan hoặc tế bào gốc mới.
4.2. Rủi ro, tác dụng phụ và biến chứng
Thuốc ức chế miễn dịch là một loại thuốc mạnh, có thể gây ra một số tác dụng phụ như nổi mụn, mệt mỏi, rụng tóc, nhức đầu, tăng huyết áp, loét miệng, loãng xương, tăng cân, đau dạ dày, buồn nôn, ...
Ngoài ra, nếu bị rối loạn tự miễn, bệnh nhân cần đảm bảo sử dụng đủ liều theo đúng quy định. Việc bỏ liều có thể khiến tình trạng bệnh bùng phát hoặc đột ngột trở nặng. Trong trường hợp được ghép tạng hoặc tế bào gốc, uống thuốc thiếu liều có thể khiến cơ thể từ chối và đào thải chúng.
Trong quá trình sử dụng thuốc, hệ thống miễn dịch sẽ không hoạt động như bình thường. Tình trạng đó được gọi là suy giảm miễn dịch, và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Một số bệnh hay gặp lúc đang dùng thuốc ức chế có thể kể đến như nhiễm trùng máu, nhiễm nấm, nhiễm trùng da và nhiễm trùng đường hô hấp.
Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cần phải trao đổi với bác sĩ nếu có ý định mang thai. Một số loại thuốc có thể có hại khi dùng trong thời kì mang thai, gây ra dị tật bẩm sinh cho bào thai.
Tóm lại, thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng đối với những người mắc bệnh tự miễn. Đồng thời thuốc cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, mọi người cần thảo luận chuyên sâu với bác sĩ để đảm bảo tình trạng cơ thể phù hợp với những loại thuốc cần sử dụng, cũng như liều lượng uống hàng ngày để phát huy tối đa hiệu quả, ít gây ra tác dụng phụ và biến chứng nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.