Vì sao có người bị dị ứng hải sản?

Hải sản là thực phẩm quý, giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng phổ biến nhất ở người lớn và nằm trong số sáu loại dị ứng phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng, có thể chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí sau vài phút. Trường hợp dị ứng nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu và sẽ giảm dần; nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn bị phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng,... thậm chí là dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

1. Dị ứng hải sản là gì?

Dị ứng hải sản là phản ứng miễn dịch bất thường của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với protein của một số hải sản. Hải sản bao gồm các thực phẩm như các loại cá: cá hồi, cá ngừ, cá tuyết..., hay các loại động vật giáp xác: như tôm, cua, hàu, tôm hùm, bạch tuộc, động vật thân mềm: mực, sò điệp, ngao, vẹm ...

Một số người bị dị ứng hải sản sẽ có phản ứng với tất cả các hải sản, nhưng có những người chỉ phản ứng với một số loại nhất định. Các phản ứng có thể từ các triệu chứng nhẹ như phát ban hoặc nghẹt mũi đến triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?

Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.

2. Nguyên nhân khiến cơ thể bị dị ứng hải sản

Nguyên nhân gây ra dị ứng hải sản là bởi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá. Hệ thống miễn dịch xem protein của hải sản là có hại, dẫn đến việc sản xuất các kháng thể với protein đó - chất gây dị ứng. Khi những người bị dị ứng hải sản tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng ra histamin và các hóa chất khác gây ra các triệu chứng dị ứng như sau:

  • Phát ban, ngứa hoặc chàm; ngứa ran trong miệng;
  • Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể;
  • Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở;
  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.

Khi cơ thể bị dị ứng hải sản sẽ gây ra một phản ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Phản ứng phản vệ với hải sản hoặc bất cứ nguyên nhân nào cũng cần được cấp cứu khẩn cấp và điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

  • Cổ họng bị sưng hoặc nghẹn trong cổ họng gây cho việc hít thở khó khăn;


Cổ họng bị sưng do bị dị ứng hải sản
Cổ họng bị sưng do bị dị ứng hải sản

  • Sốc với huyết áp sụt giảm nghiêm trọng;
  • Mạch đập nhanh, chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh.

Bạn có nguy cơ bị dị ứng hải sản nếu gia đình bạn cũng có người dị ứng với hải sản. Việc dị ứng hải sản có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ. Ở trẻ em, dị ứng hải sản phổ biến hơn ở các bé trai.

3. Làm gì khi bị dị ứng hải sản?

Dị ứng hải sản chỉ xảy ra trên một số ít người có cơ địa không tiếp nhận những loại thực phẩm này. Người đã bị dị ứng hải sản cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Nếu bị dị ứng hải sản với loại nào thì nên tránh dùng lại. Ví dụ như bạn dị ứng tôm hay cua, hàu, bạch tuộc thì là không ăn những loại hải sản này;
  • Khi phát hiện bản thân hoặc người thân bị dị ứng hải sản, việc đầu tiên nên làm là kích thích gây nôn để đẩy phần thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể;
  • Đối với trường hợp bị dị ứng nhẹ như mề đay cấp, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi...), có thể dùng các thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin... để giảm triệu chứng. Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm, người bệnh nên tránh cào gãi vì có thể làm trầy xước da và tăng phản ứng nổi ban mề đay, ngứa.
  • Trường hợp nặng phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và thích hợp . Đặc biệt, không được sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ;

4. Phòng ngừa dị ứng hải sản


Ăn hải sản chín phòng ngừa dị ứng
Ăn hải sản chín phòng ngừa dị ứng

  • Biện pháp phòng ngừa dị ứng hải sản là ăn chín uống sôi;
  • Tuyệt đối tránh ăn cá mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu... Không ăn hải sản hư hỏng trong quá trình bảo quản vì có thể tạo ra các hóa chất giống với Histamine gây nên những triệu chứng tương tự với dị ứng.
  • Không ăn hải sản cùng với thực phẩm giàu vitamin C vì hải sản chứa hàm lượng lớn asen pentavenlent. Bình thường những chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nếu ăn kèm với lượng lớn thực phẩm giàu vitamin C thì asen pentavenlent sẽ chuyển hóa thành asen trioxide gây ngộ độc thạch tín cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng;
  • Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có thủy triều đỏ, có thể mang tảo độc và gây ngộ độc, đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ như trai, sò, ngao,...;
  • Khi ăn những món hải sản lạ thì nên thử từng ít một;
  • Đối với trẻ em, cần cẩn trọng khi giới thiệu thực phẩm mới cho trẻ, nên bắt đầu bằng một lượng nhỏ, sau đó ăn tăng dần.
  • Tránh ăn tại nhà hàng hải sản hoặc mua bán ở chợ cá. Một số người phản ứng ngay cả khi họ hít phải hơi nước hoặc hơi nấu từ hải sản có vỏ. Lây nhiễm chéo cũng có thể xuất hiện trong các cơ sở phục vụ đồ hải sản;
  • Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận vì một số loại thực phẩm có chứa thành phần mơ hồ như “hương vị hải sản”, “nguồn từ cá”;
  • Hãy cho mọi người biết về việc bạn bị dị ứng với các loại hải sản.

Dị ứng hải sản là tình trạng thường thấy ở nhiều người. Dị ứng có thể chỉ có một số biểu hiện nhẹ như nổi mẩn ngứa, sưng nề, nhưng cũng có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy người có cơ địa dị ứng hải sản nên cẩn trọng trong chọn lựa thực phẩm và biết cách xử trí nhanh khi chẳng may phản ứng dị ứng xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe