Dị ứng phấn hoa: Các loại thuốc điều trị phổ biến

Dị ứng phấn hoa là một trong những tình trạng dị ứng phổ biến nhất hiện nay. Hiện nay, tình trạng này có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau (như: thuốc xịt mũi chứa steroid, thuốc kháng histamin...) và phương pháp tiêm ngừa miễn dịch.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Các triệu chứng của dị ứng phấn hoa

Dị ứng phấn hoa là một trong những tình trạng dị ứng phổ biến nhất, thường xuất hiện vào giai đoạn mùa xuân hoặc mùa hè, khi đến mùa hoa nở. Phấn hoa được thổi bay trong không khí nên hầu như rất dễ tiếp xúc với da hoặc xâm nhập vào đường hô hấp của chúng ta. Những triệu chứng thường thấy khi bị dị ứng với phấn hoa có thể kể đến: sổ mũi, ngứa mắt, hắt hơi liên tục, da ngứa và bị đỏ, ho nhiều, và nghiêm trọng hơn là khó thở.


Dị ứng phấn hoa gây nghẹt mũi, sổ mũi, cảm.
Dị ứng phấn hoa gây nghẹt mũi, sổ mũi, cảm.

2. Một số loại thuốc điều trị dị ứng phấn hoa thường dùng

2.1 Thuốc xịt mũi chứa steroid

Đây là sự lựa chọn đầu tiên khi điều trị viêm mũi dị ứng do phấn hoa gây ra. Thuốc có tác dụng làm giảm nghẹt mũi, sổ mũi hoặc ngứa, hắt hơi và những triệu chứng khác.

Một số loại thuốc xịt cần có đơn thuốc của bác sĩ, nhưng các loại như Budesonide, Fluticasone và Triamcinolone thì không cần kê đơn. Bệnh nhân nên sử dụng trước khi mùa phấn hoa bắt đầu và tiếp tục dùng cho đến khi mùa hoa kết thúc. Thông thường, người bệnh có thể mất đến một tuần để các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm.

2.2 Thuốc kháng Histamin

Cơ thể thường sản sinh ra Histamin khi xuất hiện phản ứng dị ứng. Do đó, những loại thuốc kháng Histamin là một lựa chọn khá phổ biến đối với dị ứng phấn hoa. Thuốc có sẵn dưới dạng thuốc viên hoặc xịt mũi, có tác dụng điều trị ngứa, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.


Thuốc kháng Histamin được sử dụng khá nhiều trong điều trị dị ứng
Thuốc kháng Histamin được sử dụng khá nhiều trong điều trị dị ứng

Các thuốc không kê đơn thường là Zyrtec, Allegra, Xyza, Alavert, Dimetapp, Tavist,... có thể gây buồn ngủ cho người sử dụng nên hãy dùng thật cẩn thận. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng ba loại thuốc kê đơn là Astelin, Dymista và Patanase.

2.3 Thuốc thông mũi (Decongestants)

Các loại thuốc thông mũi có tác dụng làm giảm triệu chứng nghẹt mũi. Một số loại thường được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc uống như: Phenylephrine và Pseudoephedrine. Những loại khác có dạng xịt mũi, như: Oxymetazoline và Phenylephrine. Tuy nhiên, bệnh nhân không sử dụng thuốc dạng xịt 3 ngày liên tiếp.

Thuốc thông mũi cũng có thể gây ra các vấn đề như làm tăng nhịp tim và huyết áp. Người bệnh tim hoặc cao huyết áp không nên sử dụng. Người có vấn đề về tuyến tiền liệt nên trao đổi trước với bác sĩ để tránh bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

2.4 Một số loại thuốc điều trị dị ứng khác

Thuốc xịt mũi NasalCrom giúp giữ cho một số tế bào trong cơ thể (dưỡng bào) không giải phóng các chất gây ra triệu chứng dị ứng. NasalCrom là dạng thuốc không kê đơn, giúp trị sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi và nghẹt mũi. Ngoài ra còn có thuốc xịt mũi Ipratropium, một số sản phẩm khác có nhiều hơn một loại thuốc như Allegra-D, Claritin-D và Zyrtec-D cũng có tác dụng điều trị dị ứng.

3. Tiêm ngừa miễn dịch đối với dị ứng phấn hoa

Đây là một biện pháp “huấn luyện” hệ thống miễn dịch để cơ thể không xuất hiện các phản ứng dị ứng. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ phấn hoa, tăng dần theo thời gian để cơ thể bắt đầu hình thành đề kháng. Các mũi tiêm ngừa này kéo dài khá lâu, từ 3 đến 5 năm. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh nhân có cần thiết phải tiếp tục tiêm ngừa hay không.


Tiêm ngừa miễn dịch dị ứng phấn hoa thường phải mất nhiều năm
Tiêm ngừa miễn dịch dị ứng phấn hoa thường phải mất nhiều năm

Bên cạnh tiêm, người bị dị ứng phấn hoa có thể uống thuốc ngừa tại nhà. Một số thuốc phòng ngừa đã được FDA phê duyệt, bao gồm: Grastek, Oralair và Ragwitek. Thuốc có tác dụng tương tự như tiêm ngừa, giúp cơ thể tăng sức đề khác trước các tác nhân gây dị ứng.

Thuốc viên có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người, do đó nên liên hệ bác sĩ trước khi để đảm bảo an toàn. Mặc dù có thể không có phản ứng, người bệnh vẫn có thể cảm thấy ngứa, rát ở miệng hoặc gặp các vấn đề dạ dày. Những vấn đề này thường biến mất sau một vài ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe