Đã có nhiều trường hợp dị ứng ba ba khi tiêu thụ baba, thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc phản vệ, trụy tim khi không được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nếu được cấp cứu y tế nhanh chóng và hiệu quả, người bị dị ứng baba hoàn toàn có thể được cứu chữa an toàn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân gây dị ứng ba ba
Theo chuyên gia dinh dưỡng, bab a là một nguồn dinh dưỡng phong phú vì ba ba chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, trong mỗi 100g ba ba chứa hơn 13 loại dưỡng chất như vitamin A, vitamin B, vitamin C, carbohydrate, iodine, sắt,... Ngoài ra, các món ăn chế biến từ ba ba cũng hỗ trợ điều trị bệnh lao, viêm gan mãn tính,...
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tiêu thụ ba ba an toàn. Nhiều người không biết rằng, ba ba trong tự nhiên thường ăn các loài động vật đã chết khác loài, do đó cơ thể chúng cũng chứa nhiều chất độc hại.
Ba ba thuộc vào nhóm thực phẩm dễ gây phản ứng dị ứng và không phù hợp với những người có cơ địa dễ dị ứng hoặc nhạy cảm với các loại thực phẩm như hải sản, nhộng, thịt bò, trứng, đậu phộng.
Có một số lý do phổ biến khiến một người bị dị ứng ba ba, bao gồm:
- Do cơ địa dễ bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một số thành phần có trong ba ba.
- Do cơ địa hấp thụ protein kém, trong khi baba lại chứa nhiều protein.
- Dị ứng ba ba đã chết vì axit amin trong thịt chết có thể chuyển hóa thành axit amin gây độc hại hoặc gây dị ứng.
- Do quá trình chế biến baba không đúng cách, khiến cho thịt chứa độc tố hoặc gây ra phản ứng dị ứng.
Khi bị dị ứng ba ba, nhiều người lo lắng không biết tình trạng này có nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng hay không. Theo các bác sĩ, những người có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc nhạy cảm với baba có thể gặp phản ứng cực kỳ nặng nề như sốc phản vệ và trụy tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị ngộ độc do tiêu thụ ba ba chết là rất cao. Ba ba là loại động vật có thể ăn được nhiều loại động vật khác vì vậy trong đường ruột của chúng cũng chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Những vi khuẩn này sẽ tăng sinh mạnh mẽ khi ba ba chết, đồng thời các acid amin trong thịt của ba ba sẽ được phân giải thành các axit amin dẫn đến ngộ độc.
2. Triệu chứng
Các dấu hiệu dị ứng ba ba nặng hoặc nhẹ sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người cũng như số lượng ba ba đã tiêu thụ.
2.1 Phản ứng dị ứng nhẹ
Một số người có thể phản ứng ngay lập tức trong khi đang ăn hoặc sau khi ăn ba ba trong vài giờ. Các triệu chứng nhẹ của phản ứng dị ứng ba ba bao gồm:
- Phát ban, mề đay, da xuất hiện các vùng màu hồng/trắng không đều kèm theo cảm giác ngứa.
- Cảm giác khó chịu, buồn nôn, ói mửa.
- Đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mũi, hắt hơi,...
2.2 Phản ứng dị ứng nặng
Ngoài cảm giác không thoải mái, ngứa ngáy da, những người bị dị ứng ba ba ở mức độ trầm trọng bao gồm:
- Đau đầu, chóng mặt, mắt mờ, thậm chí có thể gây mất ý thức.
- Khó thở, cảm giác ngột ngạt, co thắt ở đường hô hấp.
- Một số người có thể bị sưng phù niêm mạc mắt, mũi, miệng hoặc sưng môi/mắt.
- Tình trạng nghiêm trọng nhất của phản ứng dị ứng ba ba là sốc phản vệ.
3. Cách chữa dị ứng ba ba
Bệnh nhân chỉ nên ăn thịt ba ba với số lượng ít nếu lần đầu tiên ăn để kiểm tra phản ứng của cơ thể có bị dị ứng với thịt ba ba hay không. Nếu bệnh nhân bị dị ứng ngay sau khi ăn lần đầu, bệnh nhân nên xem xét loại bỏ baba khỏi danh sách thực phẩm nên ăn.
Dưới đây là một số phương pháp chữa trị dị ứng ba ba tại nhà mà mọi người có thể tham khảo để phòng tránh và xử lý tình huống:
3.1 Cách chữa tại nhà
Phản ứng nhẹ
Nếu xuất hiện các triệu chứng nhẹ và người bệnh vẫn tỉnh táo, không có dấu hiệu khó thở, lạnh chân tay hoặc chóng mặt, bệnh nhân có thể nôn để loại bỏ thịt ba ba ra khỏi cơ thể. Sau đó, người bệnh nên uống nhiều nước và pha mật ong với nước ấm, dùng nước chanh pha loãng hoặc trà gừng để giảm độc tính.
Trong trường hợp buồn nôn hoặc tiêu chảy, tránh sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để loại bỏ độc tố. Thay vào đó, nên sử dụng dung dịch Oresol để bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể.
Phản ứng nặng
Những trường hợp nặng thường gây ra sốc phản vệ, biểu hiện bởi các triệu chứng khác nhau như chóng mặt, nổi mề đay, nhịp tim tăng và khó thở,... Gia đình hoặc người thân cận cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá tình trạng và mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
3.2 Dùng thuốc Tây y
Tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng ba ba, Tây y có các phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ, khi có triệu chứng như phát ban, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc buồn nôn, bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc giảm phát ban và giảm đau dạ dày.
Đối với các trường hợp phản ứng dị ứng ba ba nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc tiêm như corticotropin, Epinephrine hoặc các loại thuốc chống co thắt phế quản. Tuy nhiên, lưu ý rằng bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc được kê đơn từ bác sĩ để tránh nguy cơ tác dụng phụ tiềm ẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.