Áp dụng các phương pháp điều trị và cách chữa trật khớp vai tại nhà phù hợp hỗ trợ bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Khi bị trật khớp vai, người bệnh không chỉ thấy đau nhức mà còn có thể gặp phải tình trạng tê, ngứa và khó khăn khi di chuyển cánh tay ở vùng vai bị tổn thương.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Trật khớp vai là bệnh gì?
Khớp vai được coi là một trong những khớp linh hoạt nhất và có nhiều hướng di chuyển nhất trong cơ thể.
Khớp vai gồm ba xương cấu thành:
- Xương đòn.
- Xương bả vai.
- Xương cánh tay.
Các xương này liên kết với nhau tạo thành khớp cùng - đòn và khớp ổ chảo - cánh tay.
Trật khớp vai xảy ra khi chỏm của xương cánh tay bị lệch ra khỏi khớp ổ chảo của xương bả vai. Người bị trật khớp vai có thể bị một phần hoặc bị trật toàn bộ vai.
Có nhiều trường hợp trật khớp vai tái phát nhiều lần. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra trật khớp vai bao gồm:
- Bệnh nhân gặp chấn thương khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc vận động.
- Tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trật khớp vai.
- Bệnh nhân bị ngã từ cầu thang hoặc trượt ngã.
- Nâng vật nặng đột ngột hoặc sai tư thế làm tăng nguy cơ trật khớp vai ở người bệnh.
Mặc dù trật khớp vai không đe dọa tính mạng của người bệnh, nhưng bệnh gây đau đớn và không thoải mái trong hoạt động hằng ngày của người bệnh
Triệu chứng của người bệnh khi bị trật khớp vai bao gồm:
- Vai bị biến dạng đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường; khi bệnh nhân sờ vào vai sẽ thấy rỗng do chỏm xương cánh tay bị lệch khỏi ổ chảo của xương bả vai.
- Cảm giác đau dữ dội ở khớp vai.
- Sưng hoặc bầm tím xung quanh vùng vai và cánh tay.
- Mất khả năng di chuyển ở khớp vai.
- Trật khớp vai cũng có thể gây ra cảm giác tê, ngứa gần vùng bị tổn thương.
- Cơ bắp xung quanh vai có thể co thắt mạnh gây đau.
Biến chứng trật khớp vai thường xảy ra khi người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Tắc nghẽn động mạch nách do tổn thương các mô xung quanh.
- Gây thương tổn mạch máu.
- Gãy xương.
- Vỡ bờ ổ chảo.
- Tổn thương đai xoay vai.
- Cơn đau khi trật khớp vai làm hạn chế khả năng vận động của vai, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày như giữ thăng bằng, ném, nắm,...
- Trật khớp vai có thể gây tổn thương dây thần kinh, đặc biệt là liệt dây thần kinh mũ. Khi xảy ra biến chứng này, người bệnh sẽ mất cảm giác ở vùng cơ delta, và sau khi nắn khớp, cánh tay vẫn không thể di chuyển được.
- Trường hợp nặng hơn, trật khớp vai có thể dẫn đến liệt đám rối thần kinh cánh tay.
Người bệnh nếu biết và điều trị kịp thời cũng như áp dụng cách chữa trật khớp vai tại nhà đúng cách thường sẽ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu người bệnh tiếp tục hoạt động sai tư thế hoặc tiếp tục bị tổn thương ở vùng khớp vai thì nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
2. Bị trật khớp vai phải làm sao?
Trước khi đến cơ sở y tế, bệnh nhân cần hiểu rõ những điều cần tránh làm để tránh phải các vấn đề về sau. Các bước xử lý bao gồm:
- Hạn chế di chuyển và cử động: Khi bị trật khớp vai, việc đầu tiên mà bệnh nhân cần làm là ngừng cử động khớp vai để tránh tăng thêm áp lực lên vùng bị tổn thương. Những động tác như lắc tay, xoay khớp hoặc nắn khớp có thể chèn ép cơ, dây chằng, dây thần kinh và mạch máu xung quanh khớp vai.
- Cố định khớp vai: Tiếp theo, bệnh nhân sử dụng băng vải hoặc các vật liệu tương tự để cố định khớp vai, giúp cố định và nâng đỡ vùng bị tổn thương.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên vùng khớp vai bị tổn thương để giảm đau và giảm sưng nhanh chóng.
Sau khi thực hiện, bệnh nhân cần được kiểm tra và điều trị trật khớp vai tại cơ sở y tế. Sau khi được thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị phù hợp và đưa ra lời khuyên áp dụng các cách chữa trật khớp vai tại nhà nếu tình trạng nhẹ.
3. Điều trị trật khớp vai
Phương pháp điều trị có thể bao gồm kéo nắn và băng bất động trong khoảng 2-4 tuần đối với trật khớp vai mới. Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng đối với bệnh nhân trật khớp vai cũ hoặc tái phát. Cụ thể:
- Nắn lại vai: Phương pháp này thường được sử dụng cho các trường hợp trật khớp vai mới và nhẹ. Bác sĩ có thể tiến hành nắn lại vai bằng cách áp dụng các thao tác nhẹ nhàng để đưa xương vai trở lại vị trí ban đầu. Đồng thời, thuốc giảm đau có thể được kê đơn để giảm đau và sưng, giúp cải thiện triệu chứng ngay lập tức.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể cần thiết nếu khớp vai hoặc các cấu trúc xung quanh vẫn yếu sau quá trình nắn và cần tăng cường chức năng. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết nếu có tổn thương đến dây thần kinh hoặc mạch máu.
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và giảm sưng để giảm đau và làm giảm triệu chứng.
- Phục hồi chức năng: Sau khi gỡ bỏ băng bất động hoặc đai cố định, quá trình phục hồi chức năng sẽ bắt đầu.
Nếu trường hợp nhẹ và không có tổn thương đến các cấu trúc quan trọng như dây thần kinh hay các mạch máu lớn trong khớp, thì khớp vai có thể được cải thiện trong vài tuần. Tuy nhiên, việc hoạt động quá sớm sau khi bị trật khớp có thể gây thêm tổn thương hoặc tái phát trật khớp.
4. Cách chữa trật khớp vai tại nhà
Bệnh nhân cần lưu ý về cách xử lí cũng như cách chữa trật khớp vai tại nhà ngay khi bị chấn thương để tình trạng không trở nên tệ hơn.
- Hạn chế tối đa cử động: Bệnh nhân cần tránh cử động khớp vai như lắc tay, xoay khớp hoặc nắn khớp để giảm bớt áp lực lên khớp, dây chằng, dây thần kinh, cơ, và mạch máu xung quanh đang bị tổn thương, từ đó không gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
- Cố định khớp vai: Dùng băng vải quấn cố định khớp vai. Điều này giúp nâng đỡ các khớp đang bị tổn thương.
- Chườm đá: Chườm đá lạnh lên vùng khớp vai bị trật có thể giúp giảm sưng và giảm đau. Dùng túi chườm lạnh hoặc khăn đá chườm lên vết thương trong 15-20 phút, lặp lại mỗi giờ một lần trong 1-2 ngày đầu sau chấn thương. Sau hai đến ba ngày, bệnh nhân có thể dùng miếng đệm hoặc khăn ấm để chườm giúp thư giãn cơ bắp và giảm đau khi cơn đau đã giảm. Tuy nhiên, không chườm quá 20 phút để tránh bị bỏng.
5. Chăm sóc tại nhà sau khi thăm khám
Để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng trật khớp vai, người bệnh cần thực hiện những phương pháp sau:
- Giảm các hoạt động ở vùng vai: Sau khi gặp phải trật khớp vai, quan trọng là tránh lặp lại những động tác có thể làm tăng nguy cơ tái phát trật khớp, và hạn chế những cử động gây đau. Tránh nâng vật nặng và không đưa tay lên quá cao đến khi khớp vai hoàn toàn phục hồi.
- Duy trì sự linh hoạt của khớp: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu để duy trì phạm vi di chuyển ở vùng vai.
- Với những người chưa từng trật khớp vai thì nên vận động thường xuyên căng cường sức khỏe, tăng cường sự linh hoạt cho khớp.
Bên cạnh đó, sau khi thăm khám, bệnh nhân có thể áp dụng cách chữa trật khớp vai tại nhà bằng chườm mát để hồi phục nhanh hơn.
6. Thời gian hồi phục sau trật khớp vai
Thời gian phục hồi từ trật khớp vai có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng và loại trật, và có thể ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Mức độ nặng nhẹ và tình trạng của khớp khi bị trật.
- Phương pháp chữa trị trật khớp vai được chỉ định bởi bác sĩ.
- Mức độ tuân thủ và thực hiện phương pháp điều trị của người bệnh.
Kết hợp tất cả các yếu tố trên, có thể ước lượng được thời gian phục hồi tương đối như sau:
- Cần khoảng từ mười hai đến mười sáu tuần sau khi khớp vai được đưa trở lại vị trí ban đầu để khớp có thể hồi phục hoàn toàn.
- Sau đó, từ tuần thứ mười hai trở đi, người bệnh có thể bắt đầu cử động nhẹ nhàng ở khớp vai.
- Đến tuần thứ mười sáu, hầu hết các hoạt động cơ bản của khớp vai đã có thể trở lại bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.