Chấn thương dây chằng chéo trước trong bóng đá là một vấn đề khá phổ biến. Trong đó, tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả yếu tố bên trong và ngoài như giày dép không thích hợp, tác động nội tiết tố…Do đó, mọi người nên khởi động thật kỹ bằng các bài tập để tránh chấn thương.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân xảy ra chấn thương dây chằng chéo trước?
Theo các nhà nghiên cứu, chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) có liên quan đến cả yếu tố bên ngoài và bên trong. Các yếu tố bên ngoài bao gồm bất kỳ tình huống vận động nào khiến sự phối hợp động tác của vận động viên bị gián đoạn ngay trước khi tiếp đất hoặc giảm tốc độ. Một số ví dụ bao gồm việc bị xô đẩy bởi cầu thủ khác, tiếp đất ở khu vực không bằng phẳng như hố hoặc chỗ khấp khểnh, trẹo chân.
Những yếu tố bên ngoài khác cũng đã được nghiên cứu bao gồm sử dụng giày dép, các dụng cụ không thích hợp (như không vừa với kích thước chân hoặc không phù hợp với các loại bề mặt sân khác nhau) và tình trạng của chính bề mặt sân không đảm bảo.
Các yếu tố bên trong bao gồm sự khác biệt về giải phẫu giữa nam và nữ, sự gia tăng linh hoạt của gân kheo, mở rộng biên độ quay sấp bàn chân (bàn chân bẹt), tác động của nội tiết tố cùng với những thay đổi trong hệ thống thần kinh và cơ bắp kiểm soát tư thế của đầu gối.
Ngoài ra, sự khác biệt về giải phẫu giữa nam và nữ, chẳng hạn như xương chậu của nữ giới rộng hơn và dáng đi hơi vòng kiềng, khiến phụ nữ dễ bị chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) hơn.
2. Triệu chứng chấn thương dây chằng chéo trước trong bóng đá
Sau chấn thương dây chằng chéo trước trong bóng đá, người bệnh sẽ nghe tiếng “rắc”, tiếp đó là hiện tượng sưng đau ở đầu gối và hạn chế vận động.
- Lỏng gối: Khi di chuyển, chân người bệnh có cảm giác yếu và gặp khó khăn khi phải đứng trụ một chân ở bên bị chấn thương.
- Teo cơ: So với bên không bị chấn thương, cơ vùng đùi và cẳng chân bên bị tổn thương có xu hướng teo nhỏ dần.
Để chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước, bác sĩ sẽ thực hiện một số nghiệm pháp như: ngăn kéo trước, Lachsman và Pivot shift. Kết quả dương tính của các nghiệm pháp này phụ thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng.
Các phương pháp cận lâm sàng hình ảnh như chụp X-quang và MRI khớp gối hỗ trợ chẩn đoán chính xác và đề xuất các phương án điều trị.
3. Điều trị
3.1 Điều trị bảo tồn:
Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp bao gồm:
- Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững.
- Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
- Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.
3.2 Phẫu thuật
Hiện nay, phẫu thuật tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối đã trở nên thông dụng, thường thực hiện tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc.
Việc thực hiện kỹ thuật này không quá phức tạp nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất lại là điều không dễ dàng. Bác sĩ cần có sự hiểu biết thấu đáo và sâu sắc về các cấu trúc giải phẫu liên quan như giải phẫu mặt trong lồi cầu ngoài của xương đùi, mâm chầy và dây chằng chéo trước.
Ngoài ra, hiểu biết về các phương pháp phẫu thuật và vật liệu sử dụng để tạo hình dây chằng cũng rất quan trọng. Trong vài năm gần đây, gân đồng loại đã được áp dụng tại nước ta và ngày càng trở nên phổ biến. Những vấn đề khoa học liên quan đến mảnh ghép đồng loại bao gồm rủi ro là những điều cần cân nhắc khi sử dụng trong phẫu thuật.

4. Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo trước
Bài tập dùng lực đàn hồi cần được thực hiện nhanh chóng với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Ban đầu, các cơ bắp sẽ được kéo giãn ra (giai đoạn cơ giãn nhượng bộ) và sau đó sẽ rút ngắn lại (giai đoạn cơ co khắc phục). Chu kỳ kéo giãn và rút ngắn sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp. Ví dụ của loại bài tập này là vận động viên nhảy xuống từ một bục thấp rồi bật nhảy lên ngay khi vừa tiếp đất.
Để cải thiện khả năng giữ thăng bằng, mọi người thường phải sử dụng các dụng cụ như bập bênh hoặc ván thăng bằng. Trên sân tập, các bài tập thăng bằng có thể các động tác ném bóng với đối tác trong khi giữ thăng bằng trên một chân.
Các vận động viên rèn luyện sức mạnh và độ vững của một chân bằng cách thực hiện những bài tập như nhảy, tiếp đất bằng một chân với tư thế gập gối cũng như duy trì tư thế này trong thời gian phù hợp.
4.1 Các bài tập sử dụng lực đàn hồi
Để giảm thiểu chấn thương ACL, các bài tập dùng lực đàn hồi cường độ cao có vai trò quan trọng. Các bài tập này cần được thực hiện hơn một lần mỗi tuần và kéo dài ít nhất 6 tuần để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Vận động viên sẽ học các kỹ thuật tiếp đất chính xác, nhấn mạnh tiếp đất bằng lòng bàn chân trong tư thế gập gối và đưa ngực ra trước, ở trên điểm rơi của đầu gối. Đồng thời, vận động viên phải cảm nhận lực phản hồi ở tư thế đầu gối thích hợp nhằm tránh nguy cơ bị xoắn vặn vào trong.
Nhiều chương trình mới hiện đang được huấn luyện viên sử dụng như một phần thiết yếu trong bước khởi động của buổi tập như nhảy qua bóng và tiếp đất đúng tư thế.
Nhìn chung, chấn thương dây chằng chéo trước trong bóng đá là loại chấn thương phổ biến trong thể thao, có khả năng gây ra các vấn đề kéo dài nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Phương pháp phẫu thuật và tái tạo dây chằng chéo trước là một giải pháp hiệu quả cho loại chấn thương này. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn từ bác sĩ về tập luyện và dinh dưỡng.

Đối với những trường hợp nhẹ có thể áp dụng các phương pháp không phẫu thuật nhưng cần có sự giám sát của chuyên gia y tế. Để tránh chấn thương ACL, người chơi thể thao cần thực hiện các bài tập giãn cơ, tăng cường cơ và sử dụng đai hỗ trợ trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.