Gãy xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương gây ra các tổn thương và làm gián đoạn về truyền lực qua xương. Nói cách khác, xương mất tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây nên. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.

1. Tổng quan bệnh Gãy xương

Có nhiều cách phân loại gãy xương như phân loại theo tính chất thương tổn phần mềm thành gãy xương kín, gãy xương hở hoặc phân loại theo đặc điểm ổ gãy. Các phân loại bao gồm:

  • Gãy xương không hoàn toàn: Xương chỉ bị tổn thương một phần, không mất hoàn toàn tính liên tục..
  • Gãy xương hoàn toàn: Xương gãy mất hoàn toàn tính liên tục.
  • Gãy đầu xương: Gãy ở vị trí vùng đầu xương. Nếu đường gãy thông vào khớp thì gọi là gãy xương phạm khớp. Nếu đường gãy không thông vào khớp thì gọi là gãy xương không phạm khớp.
  • Gãy ở chỗ tiếp giáp giữa đầu xương và thân xương.
  • Gãy thân xương.
  • Gãy xương có di lệch và gãy xương không di lệch.
  • Gãy xương kín và gãy xương hở.
  • Phân loại theo đặc điểm đường gãy gồm có: Gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn, gãy cắm gân...

2. Nguyên nhân gãy xương

Một số nguyên nhân gãy xương bao gồm:

  • Gãy xương do chấn thương: Gãy xương xảy ra sau tác động của một lực chấn thương như ngã, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc chơi thể thao.
  • Gãy xương do bệnh lý: Một số bệnh lý như u xương, viêm tủy xương, lao xương, loãng xương gây phá hủy xương, giảm mật độ xương làm xương yếu và dễ gãy.

3. Triệu chứng gãy xương

Các triệu chứng thường gặp của gãy xương bao gồm:

  • Sau khi bị chấn thương, xương bị biến dạng tại vị trí tổn thương.
  • Xuất hiện vết bầm tím ở khu vực chấn thương.
  • Sưng và đau xung quanh vùng chấn thương. Đau trong gãy xương tăng lên khi cố gắng vận động hoặc do bị tác động vào vị trí chấn thương.
  • Mất chức năng ở vùng bị thương.
  • Trong gãy xương hở, xương đâm xuyên qua và nhô ra khỏi da.

Gãy xương cánh tay
Gãy xương cánh tay

4. Đối tượng nguy cơ gãy xương

Gãy xương gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Nguy cơ gãy xương phụ thuộc một phần vào lứa tuổi. Ở trẻ em, gãy xương thường xảy ra tuy nhiên ít phức tạp hơn so với người lớn. Ở người già, xương bị lão hóa trở nên giòn, dễ gãy nhất là khi ngã.

5. Các biện pháp chẩn đoán gãy xương

Chẩn đoán gãy xương kết hợp giữa việc thăm khám các dấu hiệu trên lâm sàng kết hợp với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.

  • Thăm khám trên lâm sàng phát hiện triệu chứng điển hình của gãy xương. Bác sĩ lâm sàng sẽ khám, phân loại gãy xương đồng thời dựa vào tuổi tác và các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra tổn thương xương và các cơ quan lân cận đồng thời phân loại gãy xương để có phương pháp điều trị phù hợp. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán và xác định mức độ tổn thương của gãy xương như Xquang, CT, MRI mang lại hiệu quả và độ chính xác cao giúp xác định chính xác tổn thương của xương và ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
  • Xét nghiệm huyết học giúp đánh giá nguy cơ mất máu trong gãy xương. Xét nghiệm sinh hóa giúp xác định mức độ tổn thương, tình trạng nhiễm trùng giúp cho bác sĩ tiên lượng để có biện pháp điều trị phù hợp.

Gãy xương gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi
Gãy xương gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi

6. Các biện pháp điều trị gãy xương

Nguyên tắc điều trị gãy xương: Đưa các mảnh xương vỡ về đúng vị trí và ngăn di lệch ra khỏi chỗ cho đến khi lành. Việc điều trị gãy xương cần được điều trị hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi tình trạng bệnh giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt.

Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Bó bột cố định, nẹp cố định: Giúp cho xương gãy ở vị trí thích hợp trong khi vết thương tự lành.
  • Phẫu thuật: Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị gãy xương.

Phục hồi sau điều trị

Để việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh cần tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, không được tự ý vận động mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Ngoài ra cần thực hiện nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đi khám để có biện pháp điều trị tốt nhất.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe