Mục tiêu chính của điều trị viêm khớp là giảm đau, giúp khôi phục khả năng vận động của khớp và tránh khớp bị tổn thương thêm. Các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa kết hợp cùng duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân đối sẽ giúp kiểm soát và giảm triệu chứng bệnh tốt hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh Viêm khớp
Có khoảng 100 loại bệnh viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp đơn thuần và viêm khớp ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Hai loại viêm khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA).
Viêm xương khớp (OA) là loại viêm khớp phổ biến nhất, tác động chủ yếu đến sụn khớp - mô bao phủ các đầu xương giúp giảm ma sát và đảm bảo đầu xương di chuyển dễ dàng trong khớp.
Viêm xương khớp gây ra sự hạn chế trong việc di chuyển và có thể làm biến dạng khớp, thậm chí là lệch xương khỏi vị trí bình thường. Các khớp thường bị ảnh hưởng là các khớp ở tay, cột sống, đầu gối và hông. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên, nhất là với người sau tuổi 40. Tuy nhiên, viêm xương khớp cũng có thể xuất hiện ở người trẻ, đặc biệt là sau các chấn thương khớp.
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, tấn công các màng hoạt dịch và gây rối loạn trong khớp. Phụ nữ trên 40 tuổi thường là đối tượng chủ yếu mắc bệnh và cần điều trị viêm khớp.
2. Các loại bệnh cần điều trị viêm khớp
Trong hơn 100 loại bệnh viêm khớp, những loại phổ biến thường gặp nhất bao gồm:
2.1 Viêm khớp dạng thấp
Đây là một trong những bệnh tự miễn phổ biến và gây phiền toái cho nhiều người nhất. Căn bệnh này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô trong cơ thể, đặc biệt là mô liên kết. Kết quả là khớp bị tổn thương, dẫn đến viêm và gây ra tình trạng đau, thoái hóa mô khớp, cần phải điều trị viêm khớp.
So với tổn thương do thoái hóa khớp gây ra, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, và cuối cùng dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp.
Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn kéo theo một loạt các cơ quan khác bị tổn thương, như mắt, da, phổi, và mạch máu. Có một số yếu tố được xem là góp phần vào sự phát triển của căn bệnh này:
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Bệnh có thể tấn công ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều ở tuổi trung niên.
- Tiền sử gia đình có thành viên bị viêm khớp dạng thấp cũng tăng nguy cơ mắc bệnh và cần phải điều trị viêm khớp kịp thời.
- Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mà còn làm cho các triệu chứng trở nên nặng nề hơn.
- Tiếp xúc với môi trường chứa hóa chất như amiăng, silica cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh phát triển.
- Thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở phụ nữ trên 55 tuổi, có chỉ số BMI > 23.
2.2 Thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp là một tình trạng cần điều trị viêm khớp phổ biến, ảnh hưởng đến sụn, niêm mạc khớp, dây chằng và xương dưới khớp. Căn bệnh này xuất hiện khi lớp sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn theo thời gian, cuối cùng dẫn đến cảm giác đau và cứng khớp.
Những khớp phải hoạt động nhiều như hông, đầu gối, cột sống, bàn tay, khớp ngón cái và ngón chân cái là những khớp dễ bị thoái hoá.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh thoái hóa khớp bao gồm:
- Tuổi tác: Người càng lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Giới tính: Nam giới ít có khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp hơn so với phụ nữ.
- Thừa cân – béo phì: Chỉ số BMI cao sẽ tăng thêm nguy cơ phải điều trị viêm khớp về lâu dài.
- Tổn thương khớp: Chấn thương từ hoạt động thể chất hoặc tai nạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và cần điều trị viêm khớp từ sớm.
- Yếu tố di truyền: Một số người có tiền sử gia đình về bệnh thoái hóa khớp.
- Dị dạng xương: Những người bị sụn khiếm khuyết hoặc khớp bị dị dạng có nguy cơ cao hơn bị thoái hóa khớp.
2.3 Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng khi các khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Các khớp thường chịu ảnh hưởng nhất là khớp đầu gối và hông.
Bệnh có thể phát triển khi vi khuẩn hoặc vi sinh vật gây bệnh lan qua máu đến khớp. Cũng có trường hợp khớp bị nhiễm trực tiếp bởi vi sinh vật sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
Các loại vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, Neisseria gonorrhoeae... thường gây viêm ở khớp do nhiễm khuẩn cấp tính. Trong khi đó, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, Candida albicans gây nên viêm khớp nhiễm khuẩn mạn tính.
Các yếu tố tăng nguy cơ cần điều trị viêm khớp do viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm:
- Các bệnh lý hoặc tổn thương khác ở khớp.
- Người từng cấy ghép khớp nhân tạo.
- Nhiễm vi khuẩn ở các bộ phận khác trong cơ thể.
- Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu.
- Các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, bệnh hồng cầu hình liềm, viêm khớp dạng thấp, bệnh hồng cầu hình liềm...).
- Tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm chích ma túy.
- Sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
- Các tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch như HIV.
2.4 Viêm khớp phản ứng
Đây là một bệnh lý không đe dọa tính mạng, nhưng gây sưng và đau ở các khớp do nhiễm trùng từ một bộ phận khác của cơ thể, thường là các bộ phận như ruột, bộ phận sinh dục, đường tiết niệu.
Khi mắc phải viêm khớp phản ứng, các vùng như đầu gối, khớp cổ chân và bàn chân thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, tình trạng viêm còn có thể ảnh hưởng đến mắt, da và niệu đạo.
Tiên lượng của căn bệnh này rất khả quan khi so với các loại viêm khớp khác. Nếu bệnh nhân được điều trị viêm khớp phản ứng theo đúng phác đồ, các triệu chứng sẽ biến mất trong khoảng 12 tháng.
Nếu có một trong những yếu tố rủi ro dưới đây, bệnh nhân có nguy cơ cao cần điều trị viêm khớp phản ứng:
- Tuổi tác: Bệnh phổ biến nhất ở nhóm tuổi từ 20 đến 40.
- Giới tính: Phụ nữ và nam giới có nguy cơ bị viêm khớp phản ứng như nhau nếu nhiễm trùng xuất phát từ thức ăn. Tuy nhiên, nam giới có khả năng mắc bệnh từ vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục nhiều hơn so với phụ nữ.
- Di truyền.
2.5 Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là một tình trạng viêm, khiến cho một số xương nhỏ trong cột sống liên kết với nhau. Quá trình này làm cho cột sống mất đi sự linh hoạt, dẫn đến tư thế gập người về phía trước. Ngoài ra, các cơ quan khác như mắt cũng có thể bị viêm theo.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp cao hơn so với nữ giới.
- Tuổi tác: Các triệu chứng khởi phát thường xuất hiện ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
- Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp viêm cột sống dính khớp đều mang gen HLA-B27. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp mang gen này đều phát triển bệnh viêm cột sống dính khớp.
Hiện chưa có phương pháp điều trị viêm khớp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm cột sống dính khớp, tuy nhiên, các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp hiện nay có thể giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
2.6 Gout
Gout là một bệnh liên quan đến khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric, hoặc urat monosodium, tạo thành trong các mô và chất lỏng của cơ thể. Nguyên nhân của bệnh là do cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc không loại bỏ được lượng axit uric dư thừa.
Bệnh Gout gây ra những cơn đau khủng khiếp ở các khớp, xung quanh khớp bị đỏ, nóng và sưng lên.
Những người sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh gout và cần điều trị viêm khớp:
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Tăng huyết áp.
- Thường xuyên sử dụng rượu và bia.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Ăn nhiều thịt đỏ và hải sản.
- Chức năng thận suy giảm.
2.7 Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ (SLE), là một bệnh tự miễn. Hệ thống miễn dịch của người bị SLE không hoạt động như bình thường mà tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể, dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương mô. Bệnh này thường có các giai đoạn bùng phát và thuyên giảm sau đó.
Lupus ban đỏ có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 đến 45. Số lượng phụ nữ mắc bệnh này thường cao hơn nam giới, với mỗi nam giới mắc bệnh lupus, có từ 4 đến 12 phụ nữ cũng bị lupus.
Bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như khớp, da, não, phổi, thận, mạch máu và các mô khác. Các triệu chứng thường bao gồm mệt mỏi, đau, sưng khớp, phát ban trên da và sốt.
Nguyên nhân gây ra lupus vẫn chưa được kết luận chính xác, nhưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố.
2.8 Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là một vấn đề phổ biến mà thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc bệnh vảy nến (khoảng từ 6 đến 42% số người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến) và bệnh nhân cần điều trị viêm khớp từ sớm.
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm khớp vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có khả năng liên quan đến những phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, khi hệ thống này tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh. Sự phản ứng miễn dịch không bình thường này dẫn đến viêm ở khớp và sản xuất tế bào da quá mức.
Các yếu tố tăng nguy cơ phải điều trị viêm khớp vảy nến bao gồm:
- Mắc bệnh vảy nến mãn tính.
- Yếu tố di truyền.
- Tuổi tác: Người ở độ tuổi từ 30 đến 50 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2.9 Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một căn bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi trung niên, tuy nhiên, có thể xuất hiện ở trẻ em. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm cảm giác đau lan rộng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, tâm trạng không ổn định, suy giảm sự tập trung và trí nhớ.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như ngứa hoặc tê ở bàn tay, bàn chân, đau ở hàm và các vấn đề tiêu hóa. Các yếu tố dưới đây có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của căn bệnh này:
- Căng thẳng thường xuyên.
- Mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
- Chấn thương do các hoạt động lặp đi lặp lại.
- Mắc bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính.
- Yếu tố di truyền.
- Thừa cân và béo phì.
- Giới tính: Bệnh thường phát triển phổ biến hơn ở phụ nữ.
Ngoài ra, một số tình trạng viêm khớp khác có thể bao gồm viêm đa khớp (tình trạng viêm ở nhiều khớp), viêm màng hoạt dịch, viêm khớp liên quan đến viêm ruột,...
3. Nguyên nhân gây bệnh
Mỗi loại bệnh viêm khớp bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể phân chia thành hai nhóm nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân tại khớp: Bao gồm viêm sụn, thoái hóa, bào mòn sụn khớp, chấn thương khớp, nhiễm khuẩn tại khớp…
- Nguyên nhân ngoài khớp: Thường gây ra do các rối loạn chuyển hóa (như tăng acid uric trong bệnh gút) hoặc bất thường trong hệ thống miễn dịch gây tổn thương cho các thành phần trong khớp (như bệnh viêm khớp dạng thấp). Những tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động và cấu trúc của khớp, nên cần phải điều trị viêm khớp.
4. Triệu chứng bệnh
Dấu hiệu của viêm khớp thay đổi tùy thuộc vào vị trí và loại viêm khớp, nhưng những triệu chứng cảnh báo về viêm khớp bao gồm:
- Đau ở khớp, có thể đau khi di chuyển hoặc ngay cả khi không di chuyển.
- Hạn chế khả năng hoạt động của khớp, thường đi kèm với đau.
- Các trường hợp viêm khớp cấp tính thường xuất hiện tình trạng sưng, cứng khớp.
- Viêm tại chỗ hoặc xung quanh khớp.
- Da xung quanh khớp bị đỏ.
- Tiếng động lạ khi di chuyển khớp, thường xảy ra vào buổi sáng.
- Các triệu chứng ngoài khớp có thể bao gồm sốt, phát ban hoặc ngứa, khó thở, giảm cân... Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác.
5. Đối tượng nguy cơ phải điều trị viêm khớp
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và cần phải điều trị viêm khớp, bao gồm:
- Tuổi: Mặc dù viêm khớp có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em, nhưng người cao tuổi thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của các rối loạn chuyển hóa và các chấn thương đã tích tụ trong thời gian dài.
- Giới tính: Phụ nữ thường bị viêm khớp nhiều hơn nam giới.
- Nghề nghiệp: Các công việc lao động nặng, làm việc trong thời gian dài ở cùng một tư thế, hoặc vận động không đúng tư thế có thể tăng nguy cơ mắc bệnh và cần điều trị viêm khớp.
- Chấn thương: Các chấn thương tại khớp có thể gây ra viêm khớp cấp tính ngay lập tức hoặc tăng nguy cơ viêm khớp trong tương lai.
- Thừa cân: Thừa cân tạo áp lực lớn lên các khớp, gây ra các bệnh viêm khớp hoặc tăng tốc độ của quá trình viêm đang diễn ra tại khớp.
- Các rối loạn trao đổi chất: Các rối loạn này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dưỡng chất cho các thành phần của khớp và gây ra sự xuất hiện của các thành phần bất thường trong khớp.
- Các bệnh hệ thống miễn dịch và một số rối loạn di truyền cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh và cần điều trị viêm khớp.
6. Cách chẩn đoán viêm khớp
Mỗi loại bệnh viêm khớp đều có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng về mặt lâm sàng và xét nghiệm. Đối với việc chẩn đoán viêm khớp, trong trường hợp có triệu chứng đau tại khớp, các phương pháp sau thường được áp dụng:
- Khám bệnh: Đầu tiên là tiến hành một cuộc khám bệnh kỹ lưỡng, bao gồm thăm hỏi về các triệu chứng cơ bản và khám xác định tầm vận động, sự biến dạng của khớp và một số phương pháp để xác định có dịch trong khớp hay không.
- Xét nghiệm cơ bản: Bao gồm các xét nghiệm máu như tế bào máu ngoại vi, tốc độ trầm tính, protein phản ứng C (CRP), cũng như xét nghiệm chức năng gan và thận. Ngoài ra, chụp X-quang tim phổi và điện tâm đồ cũng được thực hiện để kiểm tra tình trạng của hệ tim mạch.
- Chụp X-quang khớp: Phương pháp này giúp phát hiện các biến đổi cấu trúc của khớp.
- Chụp Xạ hình xương: Là phương pháp hiện đại để phát hiện các thay đổi về hình dạng của xương khớp và cũng có thể phát hiện các rối loạn về chuyển hóa. Đặc biệt, nó có khả năng phát hiện sớm các vấn đề như ung thư và u xương khớp. Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn, đặc biệt là bệnh viện Vinmec với kết quả cao.
- Xét nghiệm miễn dịch khác: Trong trường hợp của viêm khớp dạng thấp, các xét nghiệm như định lượng yếu tố dạng thấp (RH) và anti CCP thường được thực hiện để đánh giá sự tổn thương của khớp.
7. Các biến chứng thường gặp
Mỗi loại bệnh mang lại những biến chứng riêng mà người bệnh cần chú ý:
- Thoái hóa khớp: Gây ra rối loạn giấc ngủ, nguy cơ về vôi hóa sụn khớp, biến dạng khớp, và gout. Nếu không được điều trị viêm khớp, có thể dẫn đến tình trạng liệt.
- Viêm khớp dạng thấp: Có thể phá hủy các khớp, biến dạng ngón tay và cổ tay, cũng như gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nốt thấp, hội chứng Sjogren, viêm màng ngoài tim, viêm mạch máu, viêm màng phổi, COPD, và viêm xơ cứng.
- Lupus: Có thể gây tổn thương cho da, tim, phổi, thận, máu, và não. Các biến chứng của lupus có thể gây sảy thai, cao huyết áp trong thai kỳ và sinh non.
- Gout: Nồng độ axit uric cao có thể dẫn đến sỏi thận và gout. Nếu chức năng thận kém, có nguy cơ mắc bệnh thận cấp tính do axit uric, làm suy giảm chức năng thận.
- Viêm cột sống dính khớp: Khi các đốt sống hợp nhất, có thể gây ra cảm giác cứng và không linh hoạt. Cũng ảnh hưởng đến các khớp khác và có thể gây ra vấn đề về mắt, tim, phổi, và hệ tiêu hóa.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Gây trật khớp và mất chức năng vận động. Có thể ảnh hưởng đến cột sống và lan sang các bộ phận khác như gan, phổi, và thận.
- Viêm khớp phản ứng: Gây ra biến chứng như hóa sừng, viêm kết mạc, viêm tiền liệt, và tiểu mủ vô khuẩn.
- Đau cơ xơ hóa: Gây cảm giác mệt mỏi, trầm cảm, và mất ngủ. Có thể gây ra các biến chứng như đau đầu, đau bụng dưới, và chứng ngưng thở khi ngủ, cần điều trị viêm khớp để cải thiện chất lượng cuộc sống.
8. Cách điều trị viêm khớp
Hầu hết các bệnh viêm khớp đều được xem là bệnh mạn tính, ngoại trừ viêm khớp do nhiễm khuẩn. Chính vì thế, viêm khớp rất khó để điều trị dứt điểm. Mục tiêu chính của điều trị viêm khớp là giảm đau, giúp khớp hoạt động trở lại hoạt động bình thường, ngăn ngừa tổn thương thêm cho khớp.
Một số phương pháp như chườm đá và sử dụng miếng dán có thể giúp làm dịu cơn đau hiệu quả. Một số bệnh nhân khác có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển như gậy hoặc khung tập đi để giảm gây áp lực lên các khớp đau.
Bên cạnh việc giảm cơn đau, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số phương pháp khác để điều trị viêm khớp, bao gồm:
8.1 Điều trị nội khoa:
Phương pháp điều trị viêm khớp này có thể áp dụng đối với hầu hết trường hợp. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chỉ điều trị bằng thuốc hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại viêm khớp mà bệnh nhân mắc phải, trong đó có thuốc giảm đau chống viêm, thuốc đặc hiệu cho từng loại bệnh và nguyên nhân. Bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình sử dụng thuốc:
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau như hydrocodone (Vicodin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có tác dụng kiểm soát cơn đau, nhưng không hỗ trợ giảm viêm.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Như ibuprofen (Advil) và salicylat, giúp điều trị viêm khớp.
- Menthol hoặc kem capsaicin: Có thể ngăn chặn truyền tín hiệu đau từ các khớp đến não.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Như prednisone hoặc cortisone có thể giúp giảm viêm.
8.2 Điều trị nội khoa
Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- Khớp không hoạt động được.
- Tình trạng đau kéo dài do không đáp ứng điều trị nội khoa.
- Ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống hằng ngày hoặc gây mất thẩm mỹ của bệnh nhân
Các phương pháp phẫu thuật được thực hiện để điều trị viêm khớp bao gồm:
- Phẫu thuật tạo hình, thay thế khớp.
- Phẫu thuật làm cứng khớp: Khóa các đầu xương lại với nhau cho đến khi được chữa khỏi hoàn toàn.
- Tạo hình xương: Phương pháp phẫu thuật tái tạo xương được thực hiện để đảm bảo khả năng thực hiện chức năng của khớp.
8.3 Điều trị tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị, chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khoẻ của bệnh nhân viêm khớp. Bệnh nhân cần quan tâm đến chế độ tập luyện thể dục và ăn uống hằng ngày:
- Những bài tập thể dục nhẹ nhàng và thường giúp khớp linh hoạt và hoạt động dẻo dai hơn. Bơi lội là môn thể thao phù hợp đối với người bệnh do giảm áp lực lên các khớp. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên tập luyện vừa sức.
- Người bệnh thừa cân nên chú ý giảm hàm lượng tinh bột trong chế độ ăn. Bên cạnh đó, việc tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều chất oxy hoá sẽ có tác dụng giảm viêm. Duy trì chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ hạn chế viêm khớp tiến triển nặng hơn.
9. Cách phòng ngừa
Viêm khớp là một căn bệnh rất khó phòng ngừa, tuy nhiên chúng ta cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và kiểm soát bệnh tốt hơn nhờ vào các biện pháp sau:
- Tập thể dục: Lựa chọn các môn thể thao phù hợp dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhiều điều kiện khác.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tránh thừa cân, béo phì.
- Đảm bảo thực hiện an toàn lao động, tránh các chấn thương gây ảnh hưởng đến khớp.
- Làm việc đúng tư thế.
- Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các rối loạn chuyển hoá trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Xem thêm:
- Cách phát hiện sớm và chính xác bệnh viêm khớp
- Thực phẩm giúp giảm đau do viêm khớp
- Bệnh nhân viêm khớp tại VN bị trẻ hóa nhanh
- “Triệt” tận gốc viêm khớp vai bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)