Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, chấn thương.
Mặc dù viêm quanh khớp vai không gây tử vong, nhưng ảnh hưởng xấu đến khả năng lao động và chất lượng sống. Trong đó, hội chứng vai - tay (hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ hay hội chứng Sudeck) làm mất chức năng cánh tay có nguy cơ gây liệt và tàn phế.
1. Viêm quanh khớp vai
Khớp vai là một trong những khớp lớn, có tầm vận động rộng nhất trong các khớp của cơ thể. Khớp vai có liên quan nhiều đến các gốc thần kinh vùng cổ, hạch giao cảm cổ và phần trên của lưng. Viêm quanh khớp vai chỉ tất cả những trường hợp khớp vai bị đau và hạn chế vận động do phần mềm quanh khớp như gân cơ, dây chằng hay bao hoạt dịch, bao khớp bị tổn thương.
2. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai
Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm quanh khớp vai, tuy nhiên chấn thương và vi chấn thương đóng vai trò chủ yếu. Cụ thể:
- Nghề nghiệp gắn với máy móc gây rung xóc khớp vai kéo dài, người lao động thường phải giơ tay cao hơn 90 độ, học sinh hoặc dân văn phòng có thói quen chống tì khuỷu tay lên bàn, ...;
- Viêm gân, thoái hóa gân do tuổi tác;
- Tiền sử ngã gãy xương;
- Kéo giãn khớp vai quá mức;
- Vận động khớp vai nhanh mạnh đột ngột, ví dụ như vận động viên thể thao;
- Dùng thuốc kháng lao, thuốc nhóm barbiturat hoặc lạm dụng thuốc ngủ.
3. Triệu chứng các thể viêm quanh khớp vai
Dựa theo mức độ tổn thương mà viêm quanh khớp vai biểu hiện bởi ba thể:
3.1. Viêm quanh khớp vai đơn thuần
Còn gọi là viêm gân mạn tính, là thể phổ biến nhất của hội chứng viêm khớp vai, chiếm khoảng 90% tổng số bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai đơn thuần với những dấu hiệu như:
- Đau ở mỏm cùng vai, gân cơ đầu cánh tay, mặt trước xương cánh tay và mặt ngoài vai;
- Đau cả khi nghỉ, thường tăng vào ban đêm do khớp vai không hoạt động làm tăng phù nề tổ chức viêm, kết hợp trương lực cơ và tư thế khi ngủ kích thích cơn đau;
- Đau tăng khi ấn vào và khi vận động hết tầm, đặc biệt là động tác giang tay, giơ tay lên trên và ra phía sau;
- Không có dấu hiệu sưng nóng đỏ vùng khớp vai;
- Chụp X-quang khớp vai không phát hiện bất thường;
- Siêu âm có thể thấy viêm khớp vai có dịch quanh các bao gân;
- Các động tác vận động khớp vai không hoặc ít bị hạn chế.
Thể viêm quanh khớp vai đơn thuần tiến triển nhẹ, cơn đau tự động giảm dần rồi biến mất hẳn trong vài tuần, tuy nhiên bệnh cũng thường dễ tái phát.
3.2. Viêm khớp vai thể đông cứng
Co cứng bao khớp gây ra triệu chứng đau và hạn chế vận động khớp vai, thể bệnh này diễn biến qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân có biểu hiện đau khớp vai đơn thuần và kéo dài trong vài tuần;
- Giai đoạn đông cứng: Kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, bệnh nhân ít bị đau nhưng lại tăng hạn chế vận động nhiều động tác. Bệnh lâu ngày có thể làm teo cơ do giảm vận động;
- Giai đoạn hồi phục: Hạn chế vận động giảm dần, tất cả cử động của khớp vai trở lại bình thường.
3.3. Hội chứng vai - tay
Ở giai đoạn đông cứng, nếu khớp vai bị tổn thương mà có kèm theo rối loạn thần kinh vận mạch ở bàn tay thì được gọi là hội chứng vai - tay (hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ hay hội chứng Sudeck). Ngoài biểu hiện đau và hạn chế vận động khớp vai kiểu nghẽn tắc, bàn tay bị rối loạn thần kinh vận mạch còn có triệu chứng:
- Phù cứng bàn tay, lan lên một phần cẳng tay;
- Màu da đỏ tía hoặc tím, sờ vào thấy lạnh;
- Đau nhức cả bàn tay kiểu bỏng buốt suốt ngày đêm;
- Móng tay mỏng, giòn và dễ gãy;
- Ngón tay luôn ở tư thế gấp;
- Teo các cơ của bàn tay rõ ràng;
- Cử động bàn và ngón tay bị hạn chế.
Hội chứng vai - tay cũng tiến triển qua 3 giai đoạn (cấp tính - loạn dưỡng - teo) và kéo dài từ 6 tháng - 2 năm, các triệu chứng sẽ giảm dần trước khi khỏi hẳn. Tuy nhiên thể bệnh này sẽ để lại di chứng teo vai - cánh tay và giảm trương lực cơ, cũng như hạn chế vận động bàn tay. Loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ tuy khá ít gặp (chỉ dưới 1%), nhưng lại nặng nề và khó điều trị nhất, có thể dẫn đến liệt hoặc tàn phế một bên tay. Một số trường hợp cử động vai hoặc bàn tay mạnh cũng khiến bệnh tái phát.
4. Các phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai
Đối với viêm khớp vai cách điều trị có thể kết hợp hoặc dùng một trong những phương pháp như sau:
4.1. Phương pháp nội khoa
Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc điều trị bao gồm:
- Uống hay tiêm bắp thuốc giảm đau chống viêm có / không steroid, ví dụ như depomedrol hoặc diprospan;
- Thuốc tê phong bế tại chỗ, ở hạch giao cảm cổ, hạch sao, hoặc ở thần kinh trên gai để cắt phản xạ thần kinh.
Ngoài ra, điều trị tích cực những nguyên nhân gây bệnh gián tiếp từ xa cũng là cách giúp chữa khỏi viêm quanh khớp vai.
4.2. Phương pháp vật lý
Cách điều trị vật lý bao gồm:
- Giảm đau bằng nhiệt tại chỗ;
- Sử dụng sóng ngắn kháng viêm;
- Chiếu sóng siêu âm ngăn ngừa dính cứng tắc nghẽn;
- Giảm đau kháng viêm với điện di novocain hay salicylate;
- Giảm đau bằng điện xung.
4.3. Kéo nắn
Kỹ thuật kéo nắn là phương pháp mang lại hiệu quả cao, đặc biệt đối với viêm khớp vai thể đông cứng. Trình tự các bước như sau:
- Thăm khám xác định vùng bao khớp co cứng nhiều;
- Kéo giãn khớp vai kết hợp đẩy chỏm xương cánh tay về cùng phía bao khớp co cứng;
- Lực kéo khoảng 7 - 10kg vừa đủ làm giãn phần bao khớp co cứng, giải phóng tình trạng kẹt khớp.
Lưu ý trong quá trình kéo nắn đúng kỹ thuật bệnh nhân sẽ không bị đau. Do đó nếu người bệnh thấy đau thì kỹ thuật viên cần điều chỉnh hướng kéo nắn chuẩn xác hơn.
4.4. Tập vận động khớp vai
Đây là biện pháp quan trọng hỗ trợ tình trạng viêm khớp vai mau hồi phục. Có thể áp dụng một hay nhiều cách tập sau đây:
- Tập thụ động: Người bệnh nằm ngửa hoặc sấp, tập động tác gấp, dạng khép, xoay, nâng và duỗi khớp vai với sự giúp đỡ của bác sĩ;
- Tập chủ động: Bệnh nhân tự vận động khớp vai theo các động tác đưa vai ra trước, lên trên, duỗi ra sau, dạng ngang và khép vào trong;
- Tập với dụng cụ: Tập với gậy, sợi dây, bức tường hay ròng rọc...
Ngoài ra, một số biện pháp điều trị khác còn bao gồm: y học cổ truyền như châm cứu, thủy châm thuốc, hoặc phẫu thuật khâu đính lại các gân bị đứt ở những trường hợp nặng.
Viêm khớp vai thể đơn thuần và đông cứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng đau dai dẳng, hạn chế vận động ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Do đó cần tránh các chấn thương vùng khớp vai, cũng như phát hiện và chữa trị tích cực các trường hợp đau vai.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.