Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh viêm cột sống dính khớp là một căn bệnh viêm mãn tính gây đau, tổn thương ở các khớp, chủ yếu tập trung tại cột sống, khớp cùng chậu và chi dưới. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, tàn phế. Việc hiểu rõ các triệu chứng của bệnh là cần thiết để người bệnh có thể nhanh chóng được điều trị.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan bệnh viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp khiến một số đốt sống dính lại với nhau, dẫn đến tình trạng sưng tấy, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh.

Hậu quả của bệnh lý này là người bệnh bị gù, vẹo, thậm chí tàn phế. Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng đến các khớp khác trong cơ thể như háng, gối, bàn chân, dây chằng hoặc các bộ phận khác như tim, gan, phổi trong một số trường hợp.

2. Nguyên nhân gây bệnh

2.1 Viêm cột sống dính khớp có di truyền không?

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố di truyền có liên quan đến bệnh. Nếu gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc viêm cột sống dính khớp cũng sẽ cao hơn.

Ngoài yếu tố di truyền, gen HLA-B27 quy định kháng nguyên bạch cầu người cũng có liên quan chặt chẽ với bệnh.  

3. Một số triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp

Khi bị bệnh viêm cột sống dính khớp, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Đau cột sống thắt lưng hoặc vùng thắt lưng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Cơn đau thường xuất hiện vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối đi kèm tình trạng cứng khớp, khiến người bệnh thức giấc do khó chịu.
  • Viêm khớp cùng chậu là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng. Cơn đau có thể khu trú hoặc lan rộng ra toàn bộ cột sống, kèm theo đau tại một hoặc hai bên mông. Người bệnh thường có xu hướng giảm đau bằng cách nằm nghiêng co lưng tôm hoặc nằm ngửa kê gối cao đầu do cơn đau làm phần dưới xương sống kém linh hoạt. Tuy nhiên, tư thế này lại vô tình khiến tình trạng gù lưng trở nên tồi tệ hơn.
  • Ngoài các khớp xương sườn và xương ức, cơn đau nhức còn lan rộng đến các bộ phận khác trên cơ thể như vai và đầu gối.

Khi xuất hiện các dấu hiệu như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, người bệnh cần chủ động đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm và khó phục hồi.

Sự khác biệt giữa cột sống khỏe mạnh và viêm cột sống dính khớp.
Sự khác biệt giữa cột sống khỏe mạnh và viêm cột sống dính khớp.

4. Đối tượng nguy cơ

Đây là một căn bệnh di truyền, phổ biến ở nam giới trong độ tuổi dưới 35. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh cũng có khả năng xuất hiện sau 45 tuổi.  

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm cột sống dính khớp sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, tàn phế thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình và xã hội.

5. Cách phòng ngừa bệnh viêm cột sống dính khớp

Để ngăn ngừa bệnh, mọi người cần duy trì lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.  

Bên cạnh đó, khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, mọi người cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp để hạn chế bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn trong điều trị và phục hồi.

6. Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kết hợp hai phương pháp bao gồm đánh giá biểu hiện lâm sàng và hỏi bệnh chi tiết. Cụ thể, bác sĩ sẽ tìm hiểu về thời gian xuất hiện cơn đau, tình trạng, vị trí đau và tiền sử bệnh lý gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như: 

  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang, MRI: Bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị cao như X-quang hoặc MRI nhằm quan sát chi tiết hình ảnh tổn thương xương và mô mềm, từ đó đánh giá tổn thương xuất hiện theo từng năm để có liệu trình điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
  • Xét nghiệm máu kiểm tra gen HLA-B27: Gen HLA-B27 có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm cột sống dính khớp.  
  • Xét nghiệm đánh giá mức độ tổn thương xương khớp có ý nghĩa và giá trị cao trong hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh.  

7. Một số biện pháp điều trị  

Người bệnh cần thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ trong quá trình phát hiện và điều trị viêm cột sống dính khớp, tuyệt đối không trì hoãn điều trị vì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng do bệnh diễn biến xấu đi.

Vật lý trị liệu điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp.
Vật lý trị liệu điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp.

Hiện nay, một số biện pháp điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp thường được sử dụng bao gồm:  

  • Điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chuyên khoa để điều trị bệnh. Nhóm thuốc này có khả năng chống viêm, giảm đau và cải thiện tình trạng cứng khớp. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc để hạn chế tối đa biến chứng.
  • Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu đóng giúp việc cải thiện tư thế đi lại, từ đó góp phần ngăn ngừa thoái hóa và dính khớp hiệu quả.
  • Phẫu thuật sẽ được áp dụng khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị hoặc có các tổn thương nghiêm trọng không thể áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa hay phục hồi chức năng.
Phẫu thuật sẽ được áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật sẽ được áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Xem thêm:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe