Việc nắm rõ các cách cải thiện hệ tiêu hóa là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi vì, hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe toàn diện, hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Dưới đây là 12 cách đơn giản và hiệu quả giúp cải thiện hệ tiêu hóa mà chúng ta có thể áp dụng ngay.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Cách cải thiện hệ tiêu hóa bằng việc bổ sung trái cây và rau củ
Bổ sung trái cây và rau củ vào chế độ ăn hàng ngày là một trong những cách cải thiện hệ tiêu hóa phổ biến và hiệu quả nhất. Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể.
Hơn nữa, chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau củ còn có tác dụng chống ung thư. Vì thế, để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa một cách tốt nhất chúng ta nên bổ sung đa dạng các loại trái cây và rau củ vào bữa ăn mỗi ngày.
2. Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt
Trong ngũ cốc nguyên hạt có chứa chất xơ, sắt, chất chống oxy hóa và các dưỡng chất thiết yếu khác giúp giảm nguy cơ táo bón. Ngoài ra, một số loại ngũ cốc nguyên hạt còn có khả năng hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Một số loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho hệ tiêu hóa phải kể đến như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch…
3. Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn thường chứa hàm lượng cao natri, chất béo và nitrat, đây là những chất có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Ngoài ra, việc tiêu thụ thịt đỏ có mối liên quan đến các bệnh ung thư, bệnh tim và các vấn đề về tiêu hóa.
Vì vậy, chúng ta có thể thay thế thịt đỏ bằng các lựa chọn như thịt gà, cá, các loại đậu hoặc giảm lượng thịt đỏ xuống còn 2 đến 3 phần mỗi tuần.
4. Hạn chế tiêu thụ đường
Một trong những cách cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả là hạn chế tiêu thụ đường. Vì nếu lượng đường trong cơ thể bị dư thừa có thể dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn có lợi và gây ra tình trạng viêm. Do đó, chúng ta có thể lựa chọn bổ sung lượng đường cần thiết cho cơ thể thông qua trái cây và các loại thực phẩm nguyên chất chưa qua chế biến.
5. Lựa chọn phương pháp nấu ăn lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, ăn uống lành mạnh không chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn thực phẩm mà còn ở cách chế biến. Dù các món chiên và nướng có hương vị hấp dẫn nhưng những phương pháp chế biến này có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.
Thực phẩm chiên chứa nhiều chất béo không lành mạnh, trong khi việc nướng ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất gây ung thư. Thay vào đó hãy lựa chọn phương pháp hấp, hầm hoặc kho để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa tốt nhất.
6. Bổ sung men vi sinh - cách cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả
Hầu hết mọi người đều quen thuộc với việc bổ sung men vi sinh để hỗ trợ tiêu hóa, vì đây là một phương pháp cải thiện hệ tiêu hóa nhanh chóng và hiệu quả.
Men vi sinh (Probiotics) là các vi khuẩn có lợi giúp kiểm soát vi khuẩn có hại và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các nguồn cung cấp probiotics tốt bao gồm sữa chua, kim chi, giấm táo, tỏi, hành tây và dưa cải.
7. Uống đủ nước
Táo bón là dấu hiệu cho thấy cơ thể không uống đủ nước. Do đó, việc duy trì đủ nước là điều rất quan trọng, giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ chức năng ruột khỏe mạnh. Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước cơ thể, mức độ hoạt động và tình trạng sức khỏe tổng thể. Đối với người lớn nên uống khoảng 4-6 cốc nước mỗi ngày để hệ tiêu hóa được hoạt động hiệu quả.
Ngoài việc nước lọc, chúng ta có thể lựa chọn trà xanh, cà phê hoặc nước ép để đa dạng hóa thức uống hàng ngày cũng như đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
8. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả. Vận động thường xuyên giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ buồn nôn, đầy hơi và táo bón.
Ngoài ra, hoạt động thể chất còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng táo bón và bệnh viêm ruột. Hãy đi bộ sau bữa ăn hoặc tập thể dục với cường độ vừa phải đến cao trong 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
9. Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật, một số loại ung thư tiêu hóa và các bệnh lý khác. Vì thế, hãy áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để giữ cân nặng ở mức hợp lý cũng như giảm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
10. Không hút thuốc
Hút thuốc không chỉ gây hại cho phổi mà còn ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược axit, loét dạ dày, viêm loét đại tràng và ung thư đường tiêu hóa. Vì vậy, để cải thiện sức khỏe tiêu hóa, việc tốt nhất là từ bỏ thói quen hút thuốc ngay từ bây giờ.
11. Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ là yếu tố gây hại cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến viêm ruột và gây ra các vấn đề tiêu hóa. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ từ 7- 9 tiếng mỗi ngày để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa một cách tốt nhất.
12. Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và các vấn đề như tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS), ợ chua và loét dạ dày. Trong trường hợp này, hãy thực hiện các bài tập yoga, thiền, các bài tập thở, tập thể dục và phương pháp trị liệu để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa hiệu quả.
Tóm lại, các cách cải thiện hệ tiêu hóa không hề phức tạp và hoàn toàn có thể thực hiện ngay. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời duy trì sức khỏe tổng thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.