Ăn no quá mức tình trạng dễ dàng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Những triệu chứng khó chịu mà tình trạng gây ra ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể được người bệnh áp dụng để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn sau khi ăn quá no. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những phương pháp này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Mạnh Hải - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Thư giãn
Đừng quá lo lắng khi đã ăn quá nhiều trong một bữa ăn vì điều này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hơn nữa, việc cảm thấy tội lỗi quá mức về thói quen ăn uống có thể dẫn đến việc chối bỏ bản thân. Điều này dẫn đến tình trạng cảm thấy thiếu thốn và ăn uống quá độ trở lại, tạo thành một vòng luẩn quẩn không tốt cho sức khỏe. Thay vì vậy, hãy tập trung vào việc đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong những ngày tiếp theo.
2. Đi dạo sau khi ăn no quá mức
Đi bộ nhẹ nhàng giúp kích thích tiêu hóa và cân bằng lượng đường trong máu. Ngoài ra, có thể thay thế đi bộ bằng đạp xe thư giãn. Tuy nhiên, sau khi ăn no tránh vận động quá sức. Tập luyện cường độ cao có thể khiến máu dồn xuống chân thay vì dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa.
3. Uống nước
Không nên uống nước quá nhiều sau khi ăn no mà chỉ cần nhấp một ly nước (khoảng 240ml). Nước giúp cơ thể loại bỏ lượng muối dư thừa mà cơ thể hấp thụ từ trong thức ăn và ngăn ngừa táo bón. Hãy luôn duy trì uống nước đều đặn cả ngày để đảm bảo đủ nước cho cơ thể.
4.Tránh đồ uống có gas sau khi ăn no quá mức
Sau khi ăn no quá mức nên tránh đồ uống có gas. Bởi vì, khi uống đồ có gas sẽ khiến hệ tiêu hóa bị đầy hơi bởi các bọt khí. Điều này sẽ khiến tình trạng khó chịu và chướng bụng trở nên nghiêm trọng hơn. Khí sẽ thoát ra ngoài dưới dạng ợ hoặc di chuyển qua đường tiêu hóa cho đến khi thoát ra hoàn toàn.
5. Xử lý thức ăn thừa hợp lý
Sau khi ăn quá no, việc nhìn thấy thức ăn thừa có thể gây lầm tưởng mình đã ăn một lượng vừa phải. Điều này có thể dẫn đến việc ăn nhiều hơn và tập thể dục ít hơn trong những bữa ăn tiếp theo. Nếu vẫn còn thức ăn thừa, hãy chia thành các phần nhỏ hơn để tránh ăn quá nhiều lần sau. Đồng thời, loại bỏ những món ăn khó cưỡng lại như bánh ngọt ra khỏi tầm mắt, vì có thể không thể kiềm chế được bản thân và ăn các món này.
6. Lên kế hoạch cho bữa ăn tiếp theo
Lên kế hoạch cho những bữa ăn tiếp theo là điều rất quan trọng để tránh ăn quá nhiều như lựa chọn các công thức nấu ăn ít calo và lên thực đơn cho cả tuần. Dành thời gian để chuẩn bị trước càng nhiều bữa ăn càng tốt. Các ứng dụng điện thoại và máy tính có thể hỗ trợ lên kế hoạch chi tiết đến từng lượng calo để tránh việc ăn no quá mức.
7. Đừng nằm xuống sau khi ăn no quá mức
Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn no quá mức, bao gồm cả việc ngủ trưa (trừ trường hợp có thể ngủ đứng). Thứ nhất, nằm sau khi ăn sẽ bỏ lỡ cơ hội đốt cháy một phần calo vừa nạp vào bằng cách vận động nhẹ nhàng như rửa bát đĩa hoặc đi bộ. Thứ hai, nằm xuống với dạ dày quá đầy có thể khiến thức ăn di chuyển ngược lên thực quản, gây chậm tiêu hóa và trầm trọng thêm chứng trào ngược axit (GERD). Vì vậy, hãy đợi đến khi dạ dày tiêu hóa bớt thức ăn rồi hãy nằm thư giãn.
8. Tập thể dục
Sau một khoảng thời gian nhất định, hãy tập thể dục, hoạt động thể chất mạnh như chạy bộ, nâng tạ, chơi bóng rổ để cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Thời gian tốt nhất là tối thiểu 3-4 giờ sau khi ăn no quá mức. Các bài tập hoạt động mạnh sẽ giúp đốt cháy một phần calo dư thừa, đồng thời kích thích quá trình trao đổi chất và ngăn ngừa táo bón. Tập thể dục thường xuyên cũng có tác dụng điều hòa tâm trạng và kiểm soát cơn đói, giúp hạn chế ăn quá nhiều trong tương lai.
9. Ăn uống chánh niệm
Ăn uống chánh niệm như một cách giúp ăn uống tỉnh táo, kiểm soát được thói quen ăn của bản thân. Hãy coi việc ăn uống như một dạng thiền định. Chú ý đến hương vị, cảm giác và màu sắc của thức ăn. Hãy suy nghĩ về bữa ăn bao gồm nguồn gốc của các nguyên liệu, cách chế biến, cố gắng ăn chậm và nhai kỹ. Thỉnh thoảng dừng lại và tự hỏi xem đã cảm thấy no chưa sẽ giúp ăn ít hơn và cảm thấy hài lòng hơn.
10. Ăn chậm rãi
Phải mất khoảng 20 phút để dạ dày báo cho não biết đã no. Nếu bạn đã ăn quá nhiều trong 10 phút đầu tiên, não chưa kịp nhận tín hiệu no từ dạ dày dẫn đến cảm giác khó chịu do ăn quá no sau nửa tiếng. Hãy ăn chậm để có thể nhận thấy không chỉ ăn ít calo hơn mà còn cảm thấy thỏa mãn hơn, tránh tình trạng ăn no quá mức.
11. Thay thế đồ ăn nhiều calo
Có thể ăn nhiều thức ăn hơn nhưng vẫn hạn chế lượng calo bằng cách thay thế các lựa chọn không lành mạnh bằng thực phẩm giàu protein và chất xơ. Ví dụ, hãy chọn rau xanh như bông cải xanh, bí vàng, măng tây và rau xà lách thay vì thịt nhiều mỡ, bánh mì trắng và khoai tây chiên. Ngũ cốc nguyên hạt cũng là lựa chọn tốt hơn gạo trắng hoặc mì ống tinh luyện vì chứa nhiều protein và chất xơ hơn. Các thực phẩm này giúp no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn.
12. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Bên cạnh những cách giải quyết tình trạng ăn no quá mức, những dấu hiệu của rối loạn ăn uống cũng nên lưu ý để có thể kịp thời tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.
Nếu tình trạng ăn đến mức quá no thường xuyên diễn ra hoặc thậm chí cảm thấy khó chịu, buồn nôn, có thể đó là chứng rối loạn ăn uống (binge eating disorder). Người mắc chứng này thường có xu hướng che giấu việc ăn uống quá độ với người khác, cảm thấy xấu hổ hoặc tự trách bản thân sau mỗi lần ăn.
Mặc dù, những người mắc dạng rối loạn này có mong muốn dừng lại nhưng không thể kiểm soát được hành vi ăn uống của mình. Về lâu dài, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.