Cách tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của chúng ta bao gồm: miệng, cổ họng, thực quản, túi mật, gan, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Hệ tiêu hóa được coi là một trong những bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đi nuôi khắp cơ thể để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, hệ tiêu hóa còn giúp cơ thể ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại xâm nhập. Vậy cách tăng cường hệ tiêu hóa khỏe mạnh là cách nào?

1. Thế nào là một hệ tiêu hóa khỏe mạnh?

Hệ tiêu hóa của chúng ta bao gồm rất nhiều bộ phận như: ống tiêu hóa ( từ khoang miệng đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn.) cho đến gan, tuyến tụy, túi mật....Mỗi bộ phận có một chức năng, một nhiệm vụ riêng nhưng đều có liên quan chặt chẽ để đảm bảo vai trò tiếp nhận và chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể.

Vậy một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là như thế nào? Là khi thức ăn được đưa vào cơ thể được tiêu hóa tốt, giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng một cách trọn vẹn và thực hiện chức năng bài tiết các chất thải sau quá trình tiêu hóa ra bên ngoài cơ thể một cách dễ dàng. Người bệnh không có các dấu hiệu bất thường trên đường tiêu hóa.

2. Tại sao phải tăng cường hệ tiêu hóa khỏe mạnh?

Hệ tiêu hóa vốn được coi là “ bộ não thứ hai” không chỉ hấp thu dinh dưỡng giúp chúng ta nuôi lớn cơ thể mà còn giúp chúng ta ngăn ngừa những vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong và tàn phá sức khỏe.

Theo các nghiên cứu khoa học thì 95% các virut, vi khuẩn và nhiều tác nhân gây hại khác xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua con đường ăn uống. Chính vì vậy, đường tiêu hóa, đường ruột có cấu tạo một cách rất đặc biệt để vừa hấp thu dinh dưỡng, vừa giúp tạo miễn dịch một cách tự nhiên. Chúng chứa những nhung mao và vi nhung mao kết hợp với hệ vi sinh đường ruột tạo nên hàng rào bảo vệ các tác nhân gây bệnh hiệu quả nhất.

Hơn thế nữa nếu có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh còn giúp cho chúng ta ăn ngon, ngủ tốt và ít bị ốm vặt. Chính vì tầm quan trọng đó mà mỗi chúng ta nên giữ cho hệ tiêu hóa của mình thật khỏe mạnh và an toàn mỗi ngày.

3. Tăng cường hoạt động cho hệ tiêu hóa bằng cách nào?

3.1 Những thói quen tốt cho hệ tiêu hóa

Để cơ thể có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hãy thực hiện lối sống mạnh, rèn luyện các thói quen tốt cho hệ tiêu hóa như sau:

  • Hãy thực hiện một chế độ ăn lành mạnh: Sử dụng đồ ăn không có chất kích thích, ít dầu mỡ, thay thế bằng đồ ăn nhiều thực vật. Chúng giúp cơ thể có nhiều chất xơ, nước và giúp cho cơ thể có nhiều lợi khuẩn, giúp ích cho các hoạt động cơ thể như tiêu hóa và đào thải thức ăn.
  • Ăn nghiêm túc và tập trung: đây là một khuyết điểm rất lớn không chỉ gặp ở trẻ em mà ở cả người lớn. Hãy bảo vệ hệ tiêu hóa ngay bắt đầu từ thói quen ăn tập trung, hạn chế xem tivi hay nghịch điện thoại khi ăn cơm. Vì khi chúng ta xao nhãng với bữa ăn thì miệng không thể nhai kỹ, dạ dày không tập trung để tiết ra dịch vị tiêu hóa thức ăn gây đau dạ dày và không hấp thu được hết chất dinh dưỡng.
  • Hạn chế thói quen vừa ăn vừa uống: Nên tập thói quen uống nước trước hay sau ăn 1 giờ đồng hồ để hỗ trợ cho việc tiêu hóa thức ăn. Điều này giúp các dịch có trong dạ dày và các cơ quan trong hệ tiêu hóa không bị loãng, hấp thụ hoàn toàn để tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, thói quen này còn tốt cho những ai đang muốn giảm cân, vì nước giúp bạn bớt cảm giác đói, từ đó giảm cảm giác thèm ăn và giảm được phần năng lượng hấp thụ vào cơ thể.
  • Không bỏ bữa chính: Không nên bỏ bữa nào trong các bữa trên cho dù công việc của bạn có bận rộn. Bên cạnh đó, hãy tuân thủ thời gian cho các bữa ăn khoa học để giúp cho hệ tiêu hóa tiết ra dịch vị đúng giờ hấp thu thức ăn tốt hơn.
  • Không nên ăn thực phẩm sống vì các loại vi khuẩn chưa được nấu chín sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Ngoài ra, ăn đồ ăn sống sẽ khiến cho dạ dày làm việc mệt mỏi hơn và gây ra những phản ứng khó chịu nếu đồ ăn nhạy cảm.
  • Nên duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày và bổ sung men tiêu hóa giúp nhu động ruột được điều hòa, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu chảy và táo bón. Chúng cân bằng lợi khuẩn làm giảm độc tố trong ruột, kết hợp với việc duy trì tập thể dục giúp cho cơ thể khỏe mạnh, máu lưu thông và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

3.2 Những đồ ăn tốt cho hệ tiêu hóa

Lựa chọn những đồ ăn có lợi cho hệ tiêu hóa cũng là một cách tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa hiệu quả:

  • Chuối là thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, loại quả này chứa một lượng kali tốt cho dạ dày và những bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra, chuối còn rất giàu calo giúp cung cấp năng lượng dồi dào cho cả ngày hoạt động.
  • Lúa gạo hay những thực phẩm giàu tinh bột như khoai, yến mạch: Các thực phẩm này tạo ra một lớp bọc niêm mạc dạ dày, từ đó giúp tiêu hóa dễ dàng và tăng cường chức năng tiêu hóa tốt.
  • Táo cũng giống như chuối, không chỉ giúp tiêu hóa tốt mà còn giảm thiểu khả năng bị tiêu chảy. Ngoài ra, trong táo còn chứa pectin – nguồn chất xơ rất tốt cho những ai bị táo bón và đau dạ dày.
  • Các món canh hay súp: Đây là những món ăn lỏng giúp cho hệ tiêu hóa hấp thu dinh dưỡng tốt mà không dễ dàng bị đào thải ra bên ngoài.
  • Củ gừng: Đây là một vị thuốc Đông y có khả năng xoa dịu bụng, chữa hàn, đau bụng do tiêu chảy.
  • Uống các loại trà thảo dược có lợi cho cơ thể: Một số loại trà thảo dược được lưu truyền trong dân gian tốt cho sức khỏe như: lá vối, lá chè xanh, nấm linh chi, lá xạ đen, mật gấu...Mỗi loại thảo mộc đều có hương vị riêng, rất an toàn và lành tính, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đào thải độc tố hiệu quả.

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa giúp chúng ta hấp thu thức ăn một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, chúng còn giúp cơ thể ngăn ngừa các loại vi khuẩn, virus xâm nhập gây hại cho cơ thể. Vì vậy hãy xây dựng lối sống lành mạnh, lựa chọn thực phẩm tốt để giúp cơ thể luôn làm việc hiệu quả, bảo vệ sức khỏe dẻo dai, vững chắc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe