Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tắc mật là tình trạng đường bài xuất mật bị tắc ở trong hay ngoài gan làm mật ngấm vào máu gây ra hiện tượng vàng da. Nếu nguyên nhân gốc gây vàng da tắc mật là do một khối u ác tính, kết quả tốt nhất và lâu dài cho bệnh nhân là phẫu thuật loại bỏ khối u.
1. Thế nào là vàng da tắc mật?
Vàng da là tình trạng nhuốm màu vàng ở da niêm và kết mạc mắt do bilirubin tăng vượt quá giới hạn bình thường trong máu.
Bình thường bilirubin toàn phần trong máu là 0.8- 1.2mg/dl, trong đó bilirubin gián tiếp là 0.6- 0.8 mg/dl và bilirubin trực tiếp là 0.2- 0.4 mg/dl
Vàng da xuất hiện rõ khi bilirubin TP > 2.5mg/dl
Vàng da dưới lâm sàng khi bilirubin TP: 2- 2.5 mg/dl
Vàng da tắc mật là tình trạng vàng da tăng bilirubin trực tiếp do bế tắc đường mật, đường mật bị bế tắc có thể trong gan hay ngoài gan.
2 .Chẩn đoán vàng da tắc mật
2.1 Chẩn đoán phân biệt
Trước hết cần phân biệt giữa hai loại ứ mật trong gan và ngoài gan.
- Về lâm sàng: có túi mật to, phân bạc màu kéo dài, chắc chắn là ứ mật ngoài gan. Ứ mật trong gan không bao giờ có triệu chứng đó.
- Siêu âm: Là phương pháp quan trọng nhất hiện nay để phân biệt hai loại vàng da ứ mật. 95% mang lại kết quả chính xác, ứ mật trong gan thì đường mật không giãn. Ứ mật ngoài gan thì đường mật giãn to, túi mật to.
- Chụp cắt lớp vi tính gan có thuốc để xác định nguyên nhân
Chụp đường mật bơm thuốc cản quang trực tiếp vào đường mật
- Ứ mật trong gan : đường mật vẫn thông suốt
- Ứ mật ngoài gan: đường mật lớn bị tắc nghẽn và giãn
- Phân biệt vàng da do các nguyên nhân khác nhau :
- Vàng da tán huyết: bilirubin gián tiếp trong máu tăng, vàng da đi với thiếu máu không bao giờ có ngứa hay phân bạc màu
- Và các xét nghiệm huyết học chứng tỏ có tan máu: sức bền hồng cầu giảm, nghiệm pháp coombs, hồng cầu lưới tăng, sắt huyết thanh tăng...
- Vàng da do bệnh bẩm sinh ( bệnh Gilbert và Dubin Johnson), chỉ thấy Bilirubin gián tiếp hay TT trong máu tăng cao, ngoài ra không có thay đổi gì khác về lâm sàng và xét nghiệm. Người bệnh vẫn có thể sống lâu. Bệnh này hiếm gặp.
2.2 Chẩn đoán nguyên nhân
Muốn chẩn đoán nguyên nhân ứ mật cần dựa trên:
- Triệu chứng lâm sàng: Mỗi nguyên nhân có bệnh cảnh lâm sàng của riêng nó.
- Chụp đường mật: với nhiều phương pháp: uống thuốc cản quang, tiêm thuốc cản quang, chụp ngược dòng qua nội soi, chọc kim trực tiếp vào đường mật. Các phương pháp này có thể chẩn đoán nguyên nhân ứ mật ngoài gan rất tốt.
- Siêu âm: cũng có thể chẩn đoán nguyên nhân. Ví dụ: tìm sỏi đường mật, sỏi túi mật, đường mật dày và hẹp trong ung thư đường mật, khối tăng giảm âm trong K gan.
- Sinh thiết gan: rất có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân ứ mật trong gan nhưng đối với ứ mật ngoài gan là chống chỉ định.
- Các xét nghiệm đặc biệt khác tùy nguyên nhân. Ví dụ: A.F.P đối với K gan, chụp động mạch đối với u đầu tụy hoặc u gan, xét nghiệm miễn dịch đối với xơ gan mật tiên phát.
3. Điều trị vàng da tắc mật
Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể kê toa các thuốc giảm đau và các thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nếu nguyên nhân có liên quan đến bệnh sỏi mật.
Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên làm thủ thuật ERCP, thủ thuật chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) với dẫn lưu mật qua da. Về cơ bản, cách này cho phép dẫn lưu mật bị ứ đọng trong gan ra ngoài.
Điều trị dứt điểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vàng da. Nếu được chẩn đoán sỏi mật, nội soi lấy sỏi gây cản trở ống mật được khuyến khích. Nội soi đặt stent đôi khi cần thiết, đây là một biện pháp tạm thời để giải tỏa tắc nghẽn ống mật chủ và giải quyết nhiễm khuẩn trước khi phẫu thuật dứt điểm.
Sau đó, phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật được chỉ định để cắt bỏ túi mật, nơi chứa nhiều sỏi mật.
Nếu nguyên nhân gốc gây vàng da tắc mật là do một khối u ác tính, kết quả tốt nhất và lâu dài cho bệnh nhân là phẫu thuật loại bỏ khối u.
Đa số bệnh nhân bị khối u ác tính và phẫu thuật thường không phù hợp, do đó, hóa trị hoặc xạ trị sẽ là lựa chọn tốt tiếp theo.
Đối với những bệnh nhân này, vàng da tắc nghẽn có thể thuyên giảm thông qua việc đặt stent với hướng dẫn nội soi hoặc hướng dẫn X-quang, một khi việc chẩn đoán ung thư được xác định.
Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.