Tuyến tiêu hóa bao gồm nhiều cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa, giúp phân giải và hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm mà cơ thể tiêu thụ. Để bảo vệ sức khỏe tuyến tiêu hóa, chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về tuyến tiêu hóa trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tuyến tiêu hóa là gì
Tuyến tiêu hóa nằm ngay trong thành của đường tiêu hóa, bao gồm các cơ quan có nhiệm vụ tiết ra dịch giúp phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thu.
2. Tuyến tiêu hóa gồm những cơ quan nào?
2.1 Tuyến nước bọt
Nước bọt chứa các thành phần như chất nhầy và enzyme ptyalin có vai trò trong việc tiêu hóa, lysozyme giúp tiêu diệt vi khuẩn và bảo vệ vùng miệng khỏi nhiễm trùng. Ngoài các tuyến nhỏ, cơ thể có ba cặp tuyến nước bọt chính: tuyến dưới hàm, tuyến mang tai và tuyến dưới lưỡi.
- Tuyến nước bọt mang tai là tuyến lớn nhất nằm ở góc hàm và kéo dài lên xương má trước tai. Các lớp vỏ bao quanh tuyến giúp hạn chế sự sưng tấy khi bị viêm.
- Tuyến nước bọt dưới hàm lớn thứ hai sau tuyến mang tai, nằm trong khu vực tam giác dưới hàm, ở phía trong của xương hàm dưới.
- Tuyến dưới lưỡi là một tuyến nước bọt hỗn hợp bao gồm nhiều tuyến nhỏ nằm ngay dưới lưỡi trong khoang miệng và được bao phủ bởi lớp niêm mạc của nền miệng.
Nước bọt không chỉ có tác dụng làm mềm thức ăn mà còn hoạt động như một chất bôi trơn, giúp thức ăn dễ dàng di chuyển qua các bộ phận tiêu hóa tiếp theo.
Thêm vào đó, enzyme ptyalin có trong nước bọt giúp phân hủy tinh bột trong thức ăn thành đường maltose và glucose, từ đó kích thích vị giác và tạo cảm giác ngon miệng. Hơn nữa, dòng nước bọt liên tục chảy còn ức chế sự phát triển của vi khuẩn, giữ cho khoang miệng luôn sạch và duy trì độ ẩm phù hợp.

2.2 Tụy
Tuyến tụy là một tuyến dài và hẹp nằm ngang qua phần bụng trên, phía sau dạ dày và lá lách trong hệ tiêu hóa. Phần giữa của tuyến tụy nằm tựa vào cột sống, tĩnh mạch chủ dưới và động mạch chủ bụng.
Chức năng của tuyến tụy bao gồm cả ngoại tiết và nội tiết. Các enzyme tiêu hóa quan trọng do tuyến ngoại tiết sản xuất được đưa vào ruột non, còn các tuyến nội tiết (nằm trong đảo tụy nhỏ) tiết ra hai hormone chính là insulin và glucagon, giúp điều hòa mức đường huyết trong cơ thể.
2.3 Gan
Nằm ở phía bên phải dưới xương sườn, gan là tuyến tiêu hóa lớn nhất và thực hiện nhiều chức năng nhất trong cơ thể người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gan có thể thực hiện tới 500 chức năng độc lập. Một số chức năng của gan là:
- Đào thải độc tố: Gan chủ yếu đảm nhận chức năng đào thải độc tố, trong đó các độc tố tan trong mỡ sẽ được tế bào gan chuyển hóa thành các chất ít nguy hiểm hơn và dễ hòa tan trong nước.
- Sản xuất mật: Dịch mật được tế bào gan sản sinh và lưu trữ trong các túi mật. Từ đó, dịch mật theo ống mật đi xuống tá tràng, hòa vào thức ăn để nhũ hóa chất béo, cholesterol và một số vitamin giúp ruột non hấp thụ dễ dàng hơn.
- Gan là nơi lưu trữ một lượng lớn vitamin và khoáng chất, bao gồm các vitamin như A, D, E, K và B12 với thời gian dự trữ có thể kéo dài trong vài năm.
- Các chức năng chuyển hoá như chuyển hóa carbohydrate, chuyển hóa protein, chuyển hóa lipid,...
- Các chức năng tổng hợp: tổng hợp các yếu tố đông máu, tổng hợp hormone, albumin,...

2.4 Đường mật
Hệ thống ống dẫn gọi là đường mật có nhiệm vụ đưa mật từ gan đến ruột non để hỗ trợ tiêu hóa. Dịch mật được tạo ra bởi các tế bào gan, sau đó di chuyển vào ống mật chủ và được dẫn xuống tá tràng để tham gia vào quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất trong ruột. Dịch mật có dạng lỏng trong suốt và có thể thay đổi màu từ xanh đến vàng, tùy thuộc vào mức độ cô đặc và thành phần sắc tố có trong mật.
Mật được lưu trữ trong túi mật khi chưa cần để tiêu hóa thức ăn. Khi quá trình tiêu hóa diễn ra, mật từ túi mật sẽ chảy qua đường mật và đi xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn.

3. Biện pháp bảo vệ tuyến tiêu hóa
Để có một tuyến tiêu hóa khỏe mạnh, mọi người nên:
- Uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru và ngăn ngừa táo bón.
- Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
- Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và thịt gia cầm, hạn chế đồ chế biến sẵn, thịt đỏ, đồ uống có ga và thực phẩm có nhiều đường.
- Sử dụng thực phẩm chứa men vi sinh hoặc bổ sung men vi sinh nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt sau khi dùng kháng sinh.
- Ăn chậm, nhai kỹ để cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và giảm tình trạng táo bón.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá để bảo vệ dạ dày và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược axit.

Vậy hệ thống tuyến tiêu hóa bao gồm các cơ quan nào? Tuyến nước bọt, tuyến tụy, gan và mật là các thành phần chính trong tuyến tiêu hóa – tất cả đều giữ vai trò và chức năng thiết yếu đối với sức khỏe của cơ thể. Khi một trong những cơ quan này gặp sự cố, khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, chúng ta cần đến bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị sớm nhất, giúp duy trì sự khỏe mạnh của các tuyến tiêu hóa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.