Viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như thế nào?

Viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động để loại bỏ virus. Khi không thể loại bỏ hoàn toàn virus, bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan C mãn tính và hệ thống miễn dịch được kích hoạt liên tục có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi và suy giảm khả năng phản ứng. 

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hà Phương - Bác sĩ Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Đơn nguyên Hô hấp - Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch

Viêm gan C là một loại bệnh do siêu vi viêm gan C gây ra, khiến các tế bào gan bị viêm và rối loạn chức năng gan. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu của người bị nhiễm viêm gan C - thường là qua việc sử dụng các thiết bị tiêm không được khử trùng hoặc kim tiêm dùng chung. 

Khi virus viêm gan C xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận diện và tấn công virus để loại bỏ. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi virus bị tiêu diệt hoàn toàn.

Viêm gan C cấp tính, tức nhiễm virus trong thời gian ngắn, thường không ảnh hưởng lâu dài đến hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm virus kéo dài hơn 6 tháng (mãn tính), hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng theo hai hướng:  

  • Giảm chức năng: Virus làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm khác.
  • Hoạt động quá mức: Hệ miễn dịch liên tục chiến đấu chống lại virus, dẫn đến tình trạng tấn công nhầm các mô khỏe mạnh, gây ra các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,...

Trong nhiều trường hợp, hệ thống miễn dịch có thể chống lại nhiễm trùng viêm gan C cấp tính và hệ thống miễn dịch không bị ảnh hưởng lâu dài nào.

Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch không thể đối phó với nhiễm trùng viêm gan C cấp tính, bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính. Lúc này, virus tự nhân đôi ilên tục trong cơ thể và thay đổi một chút trong mỗi lần nhân đôi để giúp nó kháng lại hệ thống miễn dịch.  

Để tiệt trừ virus, cơ thể kích hoạt hệ thống miễn dịch trong một thời gian dài, từ đó làm suy yếu khả năng tự điều chỉnh với virus trong cơ thể.  

Viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây ra các vấn đề khác, bao gồm:

  • Đau khớp: Đau và cứng khớp, tuy nhiên, không gây sưng hoặc viêm như viêm khớp.
  • Các bệnh viêm khớp không đặc hiệu: Xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô xung quanh khớp, gây r đau và cứng khớp, mệt mỏi và sốt.
  • Cryoglobulin máu: Protein trong máu (cryoglobulin) dính lại thành khối khi nhiệt độ cơ thể giảm dưới mức bình thường, làm hạn chế quá trình lưu thông máu về lâu dài.
  • Lichen phẳng: Tình trạng da phát ban gây ngứa với các tổn thương sáng hoặc sẫm màu khắp cơ thể, kể cả bên trong miệng.
  • Bệnh tuyến giáp tự miễn: Do viêm tuyến giáp hoặc sản xuất hormone không đúng cách.
  • Thiếu máu tán huyết miễn dịch: Cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu để theo kịp tế bào chết tự nhiên.

Điều trị sớm viêm gan C mãn tính có thể giúp:

  • Ngăn ngừa tổn thương gan.
  • Giảm tình trạng kích hoạt hệ thống miễn dịch.
  • Giảm nguy cơ xảy ra vấn đề ở các bộ phận khác trong cơ thể.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan C mãn tính có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn và khó kiểm soát hơn. Đôi khi, bệnh nhân cần được điều trị và áp dụng các liệu pháp bổ sung để giảm các triệu chứng của viêm gan C mãn tính.

2. Viêm gan C và các tình trạng sức khỏe khác

Viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch thường liên quan đến các bệnh về gan khác:

  • Xơ gan: Xơ gan xảy ra khi mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Theo thời gian, các mô sẹo làm cản trở lưu thông máu và khiến gan hoạt động kém hiệu quả.
  • Ung thư gan: Đây là tình trạng mà ung thư phát triển trong gan. Viêm gan C làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
  • Suy gan: Suy gan hay còn gọi là bệnh gan giai đoạn cuối, xảy ra khi gan bị tổn thương quá mức. Cách điều trị duy nhất và để kéo dài sự sống thường là ghép gan.

3. Triệu chứng viêm gan C

Viêm gan C không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Khoảng 80% người nhiễm viêm gan C cấp tính không xuất hiện triệu chứng. Triệu chứng của viêm gan C cấp tính thường xuất hiện sau khoảng 8 đến 12 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus, bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Đau khớp.
  • Sốt.
  • Da vàng.
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc thay đổi màu.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Đau bụng.
  • Ăn không thấy ngon.
  • Phân màu nhạt hoặc màu xám 
Triệu chứng viêm gan C cấp tính bao gồm sốt.
Triệu chứng viêm gan C cấp tính bao gồm sốt.

Triệu chứng của viêm gan C mãn tính có thể không rõ ràng, bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Không hứng thú ăn.
  • Đau khớp.
  • Sụt cân không rõ nguyên do.
  • Yếu người.
  • Cảm thấy áp lực.
  • Cảm thấy lo lắng.

Nếu viêm gan C mãn tính gây tổn thương gan, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Ngứa da.
  • Da vàng.
  • Khó ngủ.
  • Chướng bụng
  • Lú lẫn.
  • Sưng tay và chân. 
Triệu chứng viêm gan C mãn tính gây tổn thương gan bao gồm sưng tay.
Triệu chứng viêm gan C mãn tính gây tổn thương gan bao gồm sưng tay.

4. Cách điều trị viêm gan C

Từ năm 2013, việc điều trị viêm gan C ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch đã được thực hiện bằng thuốc kháng virus. Những loại thuốc này có thể chữa khỏi viêm gan C cho hầu hết mọi người trong khoảng 8 đến 12 tuần. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong suốt thời gian điều trị để ghi nhận thời điểm loại bỏ nhiễm trùng hoàn toàn.

Thuốc điều trị viêm gan C có hiệu quả đối với cả viêm gan C cấp tính và mãn tính. Tuy nhiên, lưu ý rằng các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus chỉ phù hợp với trường hợp nhiễm trùng mãn tính mà không phải nhiễm trùng cấp tính. Các phương pháp điều trị khác cũng có thể được áp dụng để điều trị các tác dụng phụ hay biến chứng của viêm gan C, tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

5. Cách phòng ngừa viêm gan C

Mặc dù đã có vắc xin cho một số loại viêm gan khác nhưng hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa viêm gan C. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan C, bao gồm:

  • Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu hoặc bấm móng tay vì có thể tiếp xúc với máu của người khác.
  • Không sử dụng chung hoặc tái sử dụng kim tiêm.
  • Luôn đảm bảo sử dụng kim vô trùng khi đi xăm hoặc xỏ lỗ tai.
  • Luôn đeo găng tay khi tiếp xúc với máu của người khác.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp phòng tránh khác, thường xuyên kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).
  • Xét nghiệm viêm gan C nếu bệnh nhân biết hoặc nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với virus này.

Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại virus viêm gan C, tuy nhiên, virus này có khả năng né tránh và làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp. Điều trị viêm gan C bằng thuốc kháng virus có thể loại bỏ virus khỏi cơ thể, cải thiện chức năng gan và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị thành công, hệ miễn dịch của người bệnh vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe