Viêm gan do siêu vi B và siêu vi C là những bệnh lý lây truyền qua đường máu khá thường gặp. Theo đó, xét nghiệm loại trừ hai bệnh lý này, cùng với HIV hay các bệnh lý khác, là yêu cầu bắt buộc đối với việc tiếp nhận các đơn vị máu hiến. Nếu như trước đây, thời gian “cửa sổ” là nỗi ám ảnh rất lớn thì ngày nay, với xét nghiệm NAT, điều này không còn là quá khó khăn.
1. Xét nghiệm NAT là gì?
Xét nghiệm axit nucleic (Nucleic Acid Test - NAT) là một kỹ thuật được sử dụng để phát hiện một chuỗi axit nucleic cụ thể nào đó trong mẫu bệnh phẩm. Nhờ vào kỹ thuật này, việc phát hiện và xác định một loài hoặc phân loài cụ thể của sinh vật, thường là vi rút hoặc vi khuẩn hoạt động như một mầm bệnh trong máu, mô, nước tiểu... trở nên dễ dàng hơn trước đây.
Cơ chế của xét nghiệm NAT khác với các xét nghiệm khác trước đây là chúng giúp phát hiện vật liệu di truyền (RNA hoặc DNA) hơn là kháng nguyên hoặc kháng thể. Chính vì việc phát hiện các vật liệu di truyền sẽ cho phép các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán bệnh lý nghi ngờ mắc phải trong thời gian sớm hơn rất nhiều thay vì chờ đợi thời gian để phát hiện các kháng nguyên và/hoặc kháng thể khi chúng bắt đầu xuất hiện trong máu.
Vì số lượng của vật liệu di truyền của một loài nhất định thường rất nhỏ, quá trình thực hiện NAT bao gồm nhiều quy trình. Đầu tiên là cần phải khuếch đại vật liệu di truyền, kế tiếp là tạo ra nhiều bản sao của chúng. Chính vì thế, xét nghiệm NAT như vậy còn được gọi là xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (Nucleic Acid Amplification Test - NAAT). Có một số cách khuếch đại được sử dụng trong kỹ thuật này, bao gồm phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase Chain Reaction - PCR), xét nghiệm chuyển vị sợi (Strand Displacement Assay - SDA) hoặc xét nghiệm qua trung gian phiên mã (Transcription Mediated Assay - TMA).
Ứng dụng của phương pháp xét nghiệm NAT trong Y khoa hiện nay là để chẩn đoán nhiễm khuẩn cầu khuẩn và nhiễm trùng Neisserial khác như trong bệnh lậu; chẩn đoán nhiễm trùng niệu sinh dục do C. trachomatis; phát hiện Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao tại các cơ quan và phát hiện vật liệu di truyền của HIV, viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C trong máu hiến.
2. Cách tiến hành xét nghiệm NAT như thế nào?
Một xét nghiệm NAT bắt đầu với một mẫu bệnh phẩm, thường là máu, được “gộp” (hay cộng dồn) cùng với nhiều mẫu máu khác nhau trong phòng thí nghiệm. Nếu kết quả của một nhóm các mẫu này là âm tính thì sẽ đồng nghĩa là tất cả các mẫu trong nhóm này đều âm tính.
Ngược lại, nếu kết quả của một nhóm này là dương tính, các mẫu sẽ được kiểm tra theo các nhóm nhỏ hơn và sau đó riêng lẻ cho đến khi mẫu dương tính thực sự được xác định. Lúc này, khi một mẫu máu đã được xác định là dương tính, kết quả sẽ được thông báo cho người bệnh hay bác sĩ điều trị để lên kế hoạch can thiệp phù hợp.
Ngoài ra, đối với các mẫu bệnh phẩm là máu hiến, túi máu do sẽ được tiêu hủy và kết quả cũng sẽ được thông báo bí mật cho người hiến. Từ đó, bản thân họ sẽ chủ động tiếp cận những thăm khám và điều trị thích hợp cũng như tích cực phòng ngừa lây nhiễm cho những người thân trong gia đình và cộng đồng.
3. Ứng dụng xét nghiệm NAT trong phát hiện sớm viêm gan B và C như thế nào?
Trong vài thập kỷ qua, những tiến bộ lớn trong Y học đã đạt được nhiều thành tựu trong xét nghiệm máu sàng lọc các tác nhân gây bệnh lây truyền. Trong đó, đặc biệt là cần chú ý đến kỹ thuật xét nghiệm NAT trong việc phát hiện sớm virus gây viêm gan B và viêm gan C trong máu hiến.
Thực tế là NAT hoàn toàn có thể thay thế các xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể như trước kia, NAT vẫn được sử dụng cùng với các xét nghiệm này nhằm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu để phát hiện các túi máu hiến đã bị nhiễm bệnh.
Không chỉ vậy, nhờ vào xét nghiệm NAT, nguy cơ lây truyền trong thời gian “cửa sổ” của các bệnh này sẽ có thể bị loại trừ dù với số lượng vật liệu di truyền còn rất ít, chưa đủ để hình thành phản ứng kháng nguyên – kháng thể. Từ đó, xét nghiệm NAT giúp phát hiện sớm viêm gan B và C trong các túi máu hiến, tăng cường được số lượng túi máu đến với người cần máu cũng như kéo dài được thời hạn sử dụng của các túi máu này.
Tuy nhiên, một số cá nhân bị nhiễm viêm gan C hoặc HIV từ trước vẫn có thể âm tính với xét nghiệm NAT nếu lượng virus có mặt trong máu đã giảm xuống dưới mức phát hiện được. Điều này vẫn có thể xảy ra đối với những bệnh nhân đã tích cực điều trị và đáp ứng với liệu trình tốt (mặc dù những người này đã được khuyến cáo là không được tham gia hiến máu tại bất kỳ thời điểm nào). Trong những trường hợp như vậy, xét nghiệm nhận biết kháng thể với virus vẫn sẽ được thực hiện nhằm phát hiện bệnh lý viêm gan C hoặc HIV.
Tóm lại, nhờ vào những tiến bộ trong Y học, xét nghiệm NAT là một trong những thành tựu nổi bật và có tính ứng dụng khá cao. Từ đó, thời gian “cửa sổ” đối với việc phát hiện viêm gan siêu vi B và C được rút ngắn hơn, đảm bảo an toàn hơn, đề phòng các bệnh lý lây nhiễm ở những bệnh nhân cần truyền máu.
Video đề xuất:
Vinmec điều trị xơ gan thành công bằng phương pháp ghép tế bào gốc
XEM THÊM: