Gãy xương sên bàn chân là chấn thương ở vùng cổ bàn chân. Phương pháp thay xương sên nhân tạo đã mang đến một giải pháp hiệu quả, giúp loại bỏ triệu chứng đau nhức kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân thoái hóa khớp cổ chân hay chấn thương gãy xương sên.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương sên
Ở vùng cổ bàn chân, một xương nhỏ có tên là xương sên đóng vai trò kết hợp với các xương xung quanh để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Gãy xương sên là một chấn thương ở vùng cổ bàn chân được chia thành ba loại như sau:
- Gãy cổ xương sên không bị di lệch.
- Gãy xương sên có di lệch với tình trạng trật một phần hoặc hoàn toàn nhưng các khớp chày sên và sên gót vẫn ở vị trí bình thường.
- Gãy xương sên khiến phần thân xương bị trật khỏi các khớp chày sên và sên gót.
- Xương sên bị gãy thường xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Vùng cổ chân bị trực tiếp tác động mạnh bởi ngoại lực.
- Tai nạn lao động hoặc giao thông.
- Có tư thế chân chống thẳng khi bị té từ trên cao.
- Khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn đối kháng và va chạm mạnh bị chấn thương.
Mặc dù ai cũng có thể bị gãy xương sên nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao hơn, đó là:
- Người cao tuổi: Do quá trình thoái hóa, lão hóa và giòn nên xương dễ gãy khi bị tác động.
- Những người mắc ung thư xương hoặc loãng xương.
- Sử dụng thuốc corticoid kéo dài, thường xuyên.
- Phụ nữ đã mãn kinh.
2. Biểu hiện gãy xương sên
Các triệu chứng của gãy xương sên gần giống với những chấn thương xương khớp khác trên cơ thể, vì về cơ bản, gãy xương sên cũng là một dạng gãy xương.
- Cổ chân sưng phù, bầm tím
- Vị trí gãy xương sên bị đau chói, đặc biệt đau dữ dội hơn khi di chuyển.
- Chân có xương sên gãy bị mất hoặc suy giảm chức năng vận động như hạn chế cử động, đi lại khó khăn…
- Khi cử động chân, một số trường hợp có thể nghe thấy tiếng xương kêu lạo xạo.
- Bàn chân bị biến dạng.
- Chân gãy xuất hiện các cử động bất thường.
- Trường hợp nặng nhất là gãy xương sên hở, xương đâm xuyên qua da và tạo vết thương hở ngoài da.
Hầu hết các trường hợp gãy xương sên đều đi kèm với tổn thương mạch máu nuôi dưỡng, dẫn đến xương không thể lành hoàn toàn hoặc bị chậm hồi phục. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp còn xảy ra tình trạng tiêu xương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Ngoài ra, một số biến chứng nguy hiểm khác do gãy xương sên để lại bao gồm:
- Chèn ép làm rách da hoặc gây căng, tạo vết thương hở.
- Bó mạch - thần kinh chày sau bị chèn ép.
- Hoại tử tổ chức da hoặc nhiễm trùng.
- Can lệch.
- Thoái hóa khớp cổ chân thứ phát.
- Viêm các khớp cổ chân và sên gót.
Khi gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ xương sên bị gãy, mọi người cần đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Vì sao phải chỉ định thay xương sên nhân tạo?
Do hệ thống mạch máu nuôi dưỡng xương sên quá nghèo nàn, tình trạng lại thường kèm tổn thương mạch máu khi xương sên bị gãy nên khả năng hồi phục trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, người bị gãy xương sên có nguy cơ cao gặp phải tình trạng hoại tử, tiêu xương dẫn đến mất đi khả năng chống đỡ, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống và khả năng lao động nghiêm trọng.
Để loại bỏ triệu chứng đau nhức kéo dài và nâng cao hiệu quả điều trị, các bác sĩ thường phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ xương sên bị gãy và hàn các khớp còn lại của cổ chân thành một khối duy nhất. Tuy nhiên, hậu quả của phương pháp này là người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng cử động cổ chân, không thể đi lại linh hoạt như trước.
Vì thế, biện pháp thay xương sên nhân tạo ra đời để giải quyết những lý do trên. Tuy nhiên, xương sên có hình dạng phức tạp và khi thay, xương sên nhân tạo phải được đảm bảo đặt đúng vị trí, phù hợp hoàn toàn với các xương khác ở cổ chân. Vì vậy, thay xương sên có độ khó cao hơn so với các biện pháp khác như thay khớp háng, khớp gối được nhiều người biết đến. Bất kỳ sai lệch nhỏ về vị trí đặt xương sên nhân tạo cũng sẽ làm lệch mặt khớp, từ đó khiến người bệnh không thể đi lại bình thường.
Tuy có kích thước nhỏ nhưng xương sên lại đảm nhận vai trò quan trọng trong nâng đỡ và chịu lực cơ thể. Với cấu trúc 3 chiều và các bề mặt lồi lõm phức tạp, quá trình thay xương sên nhân tạo đòi hỏi sự tương thích cao với từng người bệnh để đảm bảo chính xác nhất về mặt giải phẫu.
4. Cách chăm sóc bệnh nhân thay xương sên nhân tạo
Để quá trình phục hồi vận động diễn ra thuận lợi hơn, người bệnh thay xương sên nhân tạo cần lưu ý những điều sau:
- Tất cả hướng dẫn của bác sĩ cần được tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là về thời gian tái khám và sử dụng các loại thuốc.
- Cần hạn chế hoạt động, đi lại nhiều, đặc biệt là các vận động mạnh ở chân bị gãy xương sên.
- Kê cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi lâu;
- Quá trình phục hồi đòi hỏi chế độ ăn uống đa dạng, đủ chất. Do đó, các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, các loại thịt, đậu, rau xanh... cần được ưu tiên bổ sung.
- Để mau chóng phục hồi, người bệnh nên bổ sung canxi thông qua các thực phẩm chức năng hoặc thuốc.
5. Phương pháp điều trị gãy xương sên khác
Bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hoặc chụp MRI để xác định chẩn đoán sau khi khám bệnh nhân kỹ lưỡng. Sau đó, phác đồ điều trị thích hợp, có hiệu quả cao nhất sẽ được bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đưa ra tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương sên.
5.1. Điều trị bảo tồn gãy xương sên
Trong các trường hợp gãy xương sên nhẹ, ít hoặc không di lệch, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn như:
- Chỉnh hình, nắn xương.
- Cố định xương bằng cách bó bột.
- Để điều trị triệu chứng kèm thêm, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau.
5.2. Phẫu thuật gãy xương sên
Phẫu thuật được chỉ định để điều trị gãy xương sên trong các trường hợp sau:
- Khi điều trị bảo tồn xương sên không hiệu quả;
- Gãy thân xương sên di lệch nhiều;
- Gãy cổ xương sên di lệch;
- Gãy kèm theo trật xương sên hoàn toàn.
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ gãy, tuổi tác, sức khỏe, mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị và phục hồi khác nhau:
- Trong vòng 3-4 tuần, xương sên bị gãy của người trẻ tuổi khỏe mạnh thường lành lại.
- Thời gian hồi phục của người già hoặc có sức khỏe yếu rơi vào khoảng từ 6-8 tuần sau điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.