Bệnh viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn khá nặng và có thể gây nhiều ảnh hưởng tới các hệ cơ quan trên cơ thể. Do đó, chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị sớm là biện pháp hữu hiệu để tránh những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp vảy nến.
1. Viêm khớp vảy nến là gì?
Viêm khớp vảy nến là một loại bệnh viêm khớp, được phát hiện trên những bệnh nhân vảy nến. Có khoảng 30% bệnh nhân bị vảy nến da bị viêm khớp vảy nến. Đây là một loại viêm khớp mạn tính, có thể trở nên nặng hơn theo thời gian, thậm chí gây tổn thương vĩnh viễn ở khớp và mô nếu không được phát hiện, điều trị.
Bệnh phổ biến ở những người 30 - 50 tuổi, nguy cơ mắc ở 2 giới là tương đương nhau. Theo khảo sát, có khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp. Viêm khớp vảy nến được xác định là một căn bệnh tự miễn, tới nay vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân vì sao hệ thống miễn dịch tự tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Theo các chuyên gia, có thể yếu tố di truyền, môi trường, tiếp xúc với chất phóng xạ, hóa chất, nhiễm vi khuẩn, virus,... đã dẫn tới bệnh lý này.
2. Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến
Ở 85% bệnh nhân viêm khớp vảy nến, các triệu chứng của bệnh vảy nến phát triển trước, sau đó xuất hiện các triệu chứng viêm khớp. Bệnh có thể kéo dài nhiều năm và có thể ảnh hưởng tới bất kỳ khớp nào trong cơ thể, chủ yếu là các khớp lớn ở chi dưới, khớp xa của ngón tay và ngón chân và các khớp cột sống. Triệu chứng thường gặp của bệnh là:
- Chứng viêm đơn khớp và viêm khớp không đối xứng;
- Viêm đa khớp;
- Viêm các khớp ngón tay và ngón chân;
- Viêm khớp dẫn tới tàn phế;
- Viêm dính khớp cột sống;
- Viêm khớp chân vảy nến có thể gây đau ở các điểm mà gân và dây chằng bám vào xương, đặc biệt là mặt sau gót chân hoặc trong bàn chân;
- Đau và sưng, nóng đỏ các khớp;
- Đau khớp ở 1 hoặc 2 bên cơ thể
- Đau các khớp ngón tay và đau cột sống;
- Tổn thương vảy nến trên da;
- Tổn thương và thay đổi màu sắc móng tay, móng chân;
- Viêm kết mạc mắt, viêm mống mắt và loét miệng.
3. Phương pháp chẩn đoán viêm khớp vảy nến
Ngoài chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn áp dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh viêm khớp vảy nến. Các xét nghiệm giúp các định bệnh đã tiến triển bao xa, loại tổn thương đã xảy ra và đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng gồm:
- Chụp X-quang: Có ưu điểm là khá kinh tế nhưng khó phát hiện các dấu hiệu của bệnh nếu đang ở giai đoạn đầu (vì có thể không có sự thay đổi rõ ràng trên xương). Khi bệnh tiến triển, X-quang có thể thấy xương bị tổn thương, thay đổi hình dạng;
- Chụp MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm và các cấu trúc khác, giúp bác sĩ kiểm tra tổn thương ở gân và dây chằng, đặc biệt là ở vùng lưng dưới và bàn chân;
- Siêu âm: Giúp phát hiện các thay đổi trong xương và mô của bệnh nhân viêm khớp vảy nến. Phương pháp siêu âm chỉ ra được các dấu hiệu viêm khớp ở bệnh nhân ngay cả khi các triệu chứng bệnh chưa rõ ràng.
4. Biến chứng của viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến có thể tác động tiêu cực tới nhiều cơ quan trên cơ thể. Cụ thể:
- Da, tóc và móng: Người bệnh có triệu chứng điển hình của bệnh vảy nến bao gồm tình trạng đỏ da, da sần sùi và móng dày. Bệnh vảy nến gây tích tụ các tế bào da, tạo thành các mảng ngứa và có vảy. Các mảng da bị bong tróc có thể khiến bệnh nhân bị đau đớn. Móng tay có thể bị khô, dày, cứng, đổi màu và bong tróc. Một số trường hợp móng bị tách ra khỏi giường móng (tình trạng ly móng);
- Hệ miễn dịch: Bệnh viêm khớp vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch, ảnh hưởng tới hoạt động miễn dịch của cơ thể (khiến cơ thể tự tấn công các cấu trúc của mình - tiêu biểu là khớp, gân và các điểm bám của dây chằng, gân và da);
- Hệ cơ xương: Người bệnh bị viêm, gây đau, sưng và cứng ở một hoặc nhiều khớp, gây khó khăn cho việc di chuyển khớp. Ngón tay và ngón chân của bệnh nhân có thể bị sưng lên, cổ và lưng bị đau, khó gập duỗi cột sống. Khi triệu chứng này xảy ra ở cột sống sẽ được gọi là viêm cột sống dính khớp. Ngoài ra, các sụn ở đầu xương có thể bị tổn thương do viêm mãn tính. Sau một thời gian, các đầu xương sẽ bị cọ sát vào nhau, gây tổn thương khớp và đau đớn, khó chịu. Bệnh cũng có thể gây mòn xương, tăng sản xương bệnh lý, ảnh hưởng tới dây chằng và các gân xung quanh;
- Thị lực: Viêm ở trong và quanh mắt có thể gây ảnh hưởng thị lực. Có khoảng 7% bệnh nhân viêm khớp vảy nến bị viêm màng bồ đào. Có một số trường hợp có thể bị mất thị lực nếu không được chẩn đoán sớm;
- Hệ hô hấp: Tình trạng viêm nếu lan tới phổi có thể gây bệnh viêm phổi mô kẽ. Viêm phổi có thể gây sẹo phổi, ảnh hưởng tới hệ hô hấp của bệnh nhân, đi kèm với các triệu chứng đau đớn và mệt mỏi;
- Hệ tiêu hóa: Tình trạng viêm có thể gây viêm ruột và viêm đại tràng, bệnh Crohn, gây tiêu chảy và nhiều vấn đề về tiêu hóa khác;
- Hệ tim mạch: Tình trạng viêm mãn tính làm tổn thương các mạch máu, làm dày thành mạch và cứng thành mạch, gây sẹo, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, bệnh nhân viêm khớp vảy nến thường có nhiều yếu tố nguy cơ khác gây tổn thương mạch máu và hệ thống tim mạch như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao,...;
- Sức khỏe tâm thần: Bệnh viêm khớp vảy nến còn dễ khiến người bệnh bị lo lắng, trầm cảm, mất đi sự lạc quan, tự tin, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị không khắc phục triệt để triệu chứng của bệnh.
5. Cách đối phó với viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến chỉ cần điều trị khi xuất hiện triệu chứng. Khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, có thể ngừng điều trị cho tới khi triệu chứng tái xuất hiện. Các thuốc chống viêm không steroid thường là lựa chọn điều trị đầu tiên cho bệnh nhân viêm khớp vảy nến. Ngoài ra, trong quá trình điều trị có thể bổ sung thêm các thuốc chống thấp khớp cho bệnh nhân. Về thuốc ức chế miễn dịch, chỉ sử dụng trong những trường hợp trầm trọng nhất vì nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh viêm khớp vảy nến nên các phương pháp trị liệu hiện có chỉ nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng tại các khớp xương. Lời khuyên cho bệnh nhân là cần chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tàn phế.
Trong cuộc sống, bệnh nhân cũng nên chú ý bảo vệ các khớp xương bằng cách thay đổi tính chất công việc hoặc các hoạt động có thể tác động xấu tới các khớp, đồng thời duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý để tránh gây gánh nặng cho khớp. Đi kèm với đó là tập thể dục thường xuyên để các khớp xương linh hoạt, dẻo dai hơn, kết hợp với các phương pháp thư giãn hỗ trợ như thiền, yoga,...
Viêm khớp vảy nến gây ra các triệu chứng giống bệnh vảy nến và viêm khớp, dẫn tới tình trạng viêm lan rộng và mãn tính, ảnh hưởng tới khớp, xương, da và nhiều cơ quan trên cơ thể. Dù hiện tại chưa có cách chữa trị bệnh triệt để nhưng người bệnh vẫn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống bằng việc kiểm soát các triệu chứng bệnh và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.