Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là loại bệnh gặp nhiều nhất trong các loại viêm khớp. Đây là bệnh lý mạn tính gây ra tình trạng đau, cứng khớp, phù và hạn chế vận động của nhiều khớp. Vậy những ai có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp?

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động. Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Ngoài khớp, các cơ quan khác cũng có thể bị tổn thương như tim, phổi, da, mắt.

Tổn thương khớp mà viêm khớp dạng thấp gây ra thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể. Vì vậy, nếu khớp bị ảnh hưởng ở một trong hai cánh tay hoặc chân, thì khớp tương tự ở cánh tay hoặc chân kia cũng có thể bị ảnh hưởng. Đây là một phương pháp mà các bác sĩ phân biệt viêm khớp dạng thấp với các dạng viêm khớp khác. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bệnh có biểu hiện sưng đau chỉ một khớp duy nhất.


Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động

2. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, tức cơ thể tự tạo kháng thể chống lại các thành phần trong cơ thể. Bình thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể gồm nhiều loại tế bào khác nhau giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, nấm... Ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể bạn, gây ra các biểu hiện của bệnh viêm khớp dạng thấp.

3. Ai có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp?

Những yếu tố nguy cơ viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Tuổi tác: viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất bắt đầu trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi;
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn nam giới.
  • Di truyền: nếu một thành viên của gia đình bạn mắc viêm khớp dạng thấp, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp, bên cạnh đó, hút thuốc cũng xuất hiện liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Phơi nhiễm môi trường: một số phơi nhiễm như amiăng hoặc silica có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Béo phì: Những người, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở xuống, những người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường.

Những người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường
Những người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường

4. Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp khác nhau tùy vào từng giai đoạn:

4.1. Giai đoạn khởi phát

  • Bệnh nhân có cảm giác đau nhức âm ỉ ở các khớp tay, đầu gối và cơn đau sẽ dần dần tự khỏi sau một thời gian ngắn.
  • Cơn đau nhức tăng dần mỗi khi vận động mạnh và có xu hướng giảm mỗi khi nghỉ ngơi.
  • Người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, có dấu hiệu sốt nhẹ vào buổi chiều, cơ thể toát ra nhiều mồ hôi dù không làm các công việc nặng nhọc.
  • Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sẽ cảm thấy đau toàn thân mặc dù trước đó cơ thể không vận động mạnh. Bệnh thường kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển tiếp sang giai đoạn toàn phát.

4.2. Giai đoạn toàn phát

  • Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ cảm thấy các khớp bị cơ cứng sau khi thức dậy vào buổi sáng và phải mất khoảng 10 – 15 phút thì khớp mới trở về bình thường.
  • Các khớp cổ tay, chân và đầu gối bị sưng, đỏ tấy, nóng và bên trong có chứa dịch khớp khi ấn vào sẽ cảm thấy đau dữ dội làm hạn chế khả năng vận động.
  • Các ngón tay bị biến dạng hình thoi, cổ tay biến dạng hình lưng lạc đà. Ngoài ra, phần mu bàn tay và lòng bàn tay bị sưng tấy.
  • Vùng da khớp bị viêm sẽ ấm, có màu hồng nhạt hoặc đỏ hơn các phần da xung quanh.

Ngoài ra, khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh còn đối mặt với những triệu chứng kề cận khớp như dưới da xuất hiện các hạt nhỏ, nổi gò lên mặt da, khớp bị lỏng lẻo, nổi ban đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân.

5. Điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào?


Bệnh có khả năng thuyên giảm nếu được điều trị sớm bằng thuốc
Bệnh có khả năng thuyên giảm nếu được điều trị sớm bằng thuốc

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng các triệu chứng có nhiều khả năng thuyên giảm khi điều trị bắt đầu sớm với các thuốc được gọi là DMARDs (disease-modifying antirheumatic drugs). Những loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp và bảo vệ các khớp và các mô khác khỏi tổn thương vĩnh viễn. Những thuốc trong nhóm DMARDs thường dùng bao gồm methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine và sulfasalazine. Thông thường, DMARDs được dùng phối hợp với thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và/ hoặc corticosteroid liều thấp, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng, chức năng vận động và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng hơn hoặc không đáp ứng với DMARDs có thể dùng nhóm thuốc mới được gọi chung là các chế phẩm sinh học. Các chế phẩm được phép lưu hành hiện nay bao gồm abatacept (Orencia), adalimumab (Humira), Anakinra (Kineret), certolizumab (Cimzia), etanercept (Enbrel), golimumab (Simponi), infliximab (Remicade), rituximab (Mabthera, Rituxan) và tocilizumab (Actemra ).

Nếu điều trị nội khoa thất bại, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật để sửa chữa các khớp bị hỏng. Phẫu thuật có thể giúp giảm đau và cải thiện chức năng cho khớp của người bệnh.

Khi người bệnh được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cần sử dụng thuốc càng sớm, càng tốt, nhất là trước khi xuất hiện tổn thương sụn khớp và đầu xương... Trường hợp đã có biến dạng khớp tức đã tổn thương sụn khớp và đầu xương thì việc điều trị có thể làm ngưng sự tiến triển của bệnh, nhưng không thể cải tạo được các tổn thương đã có tại sụn khớp và đầu xương. Vì vậy, khi bắt đầu có các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần khám chuyên khoa xương khớp để được chỉ định dùng thuốc đúng với từng thời kỳ của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe