Viêm khớp mạn tính thiếu niên là một nhóm các bệnh khớp xảy ra ở người dưới 16 tuổi. Cùng với đó, bệnh tiến triển ở các khớp ít nhất trong 3 tháng. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh bao gồm sốt, viêm khớp, lá lách to, hạch to, viêm mống mắt và phát ban. Đây là một bệnh tương đối nguy hiểm, vì thế người bệnh cần biết để có phương pháp xử lý phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh
Viêm khớp mạn tính thiếu niên không phải là một bệnh lý viêm khớp đơn thuần. Thuật ngữ này được sử dụng cho một số bệnh viêm khớp mãn tính xảy ra ở trẻ nhỏ. Cụ thể hơn, đây là tên gọi chung của một số bệnh khớp xuất hiện ở người bệnh dưới 16 tuổi, với các khớp bị viêm tiến triển ít nhất từ 3 tháng trở lên.
Viêm khớp tự phát thiếu niên là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm khớp dạng thấp ở trẻ em với cả hai giới tính. Tuy nhiên, các bé gái có tỷ lệ mắc bệnh này nhiều hơn. Bệnh viêm khớp mạn tính thiếu niên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 6-7 tuổi và từ 12 đến 15 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định chính xác nhưng các nghiên cứu cho thấy yếu tố gia đình xuất hiện chiếm từ 10-30% trường hợp.
Bệnh được hiệp hội thấp học quốc tế (ILAR) phân loại dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Các thể bệnh được phân loại bao gồm:
Thể ít khớp
Đây là thể bệnh phổ biến nhất và chủ yếu ảnh hưởng đến các bé gái. Đặc trưng của thể bệnh này là sưng từ 4 khớp trở lên trong 6 tháng đầu của bệnh.
Thể ít khớp được chia thành hai loại, bao gồm
- Loại dai dẳng: luôn có nhiều nhất 4 khớp bị đau, viêm.
- Loại lan rộng: ít nhất có 5 khớp bị đau, viêm sau 6 tháng đầu của bệnh.
Thể đa khớp
Đây là thể bệnh viêm khớp mạn tính thiếu niên phổ biến thứ hai và gây ảnh hưởng ít nhất 5 khớp trên cơ thể khi bệnh bắt đầu. Thể bệnh đa khớp được chia thành hai loại: RF âm tính và RF dương tính.
Thông thường, các bé gái là những đối tượng mắc thể đa khớp RF âm tính và có tiên lượng tốt hơn. Thể RF dương tính thường xuất hiện xuất hiện ở những bé gái trong độ tuổi vị thành niên và tương tự như viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
Trong cả hai thể bệnh, viêm khớp có thể có tính chất đối xứng và thường xảy ra ở các khớp nhỏ.
Thể viêm điểm bám tận
Thể bệnh này bao gồm viêm khớp và viêm điểm bám tận (đau do viêm ở chỗ dây chằng bám vào xương). Viêm điểm bám tận thường gặp ở những bé trai lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, về lâu dài bệnh có thể phát triển thêm các đặc điểm điển hình của các bệnh lý cột sống huyết thanh như viêm khớp phản ứng hoặc viêm cột sống dính khớp.
Viêm khớp có xu hướng xuất hiện ở các khớp chi dưới và không mang tính đối xứng. Ở các thể bệnh viêm điểm bám tận, sự xuất hiện của allen HLA-B27 khá phổ biến trong số những người mắc bệnh.
Thể viêm khớp vảy nến
Thể bệnh viêm khớp vảy nến xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ trẻ tuổi và nam, nữ giới cao tuổi. Tình trạng này có liên quan chặt chẽ đến bệnh viêm ngón (ngón tay dùi trống) và bệnh vảy nến, rỗ móng hoặc tiền sử gia đình về bệnh vảy nến đời thứ nhất.
Thể hệ thống
Thể này lại liên quan đến các tình trạng khác của cơ thể như sốt và các biểu hiện trên toàn thân.
Thể không xác định
Thể bệnh này được chẩn đoán khi người bệnh không đạt tiêu chuẩn cho bất kỳ một thể bệnh nào khác hoặc người bệnh có biểu hiện nhiều hơn một thể bệnh vừa được nêu tên.
2. Dấu hiệu của viêm khớp mạn tính thiếu niên
Các dấu hiệu của bệnh chủ yếu có liên quan tới các khớp. Tuy nhiên, đôi khi các dấu hiệu cũng xuất hiện ở mắt và da. Ngoài ra, thể hệ thống của bệnh này có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác.
Trẻ mắc bệnh thường có các dấu hiệu như:
- Cứng khớp,
- Sưng khớp do tràn dịch khớp,
- Gây đau và hạn chế vận động. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ mắc bệnh không cảm thấy đau.
- Các biểu hiện tại khớp có thể đối xứng hoặc không đối xứng, liên quan đến các khớp nhỏ lẫn khớp lớn.
Thể bệnh viêm điểm bám gân sẽ gây đau tại các vị trí như mấu chuyển lớn ở xương đùi, xương chày, đốt sống, mào xương chày, xương bánh chè hoặc gân achilles. Đôi khi, viêm điểm bám gân ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trẻ bị bệnh có thể xuất hiện tình trạng hàm nhỏ hoặc không cân đối về chiều dài chi dưới, (thường là chi bị ảnh hưởng lâu dài) do sự cốt hoá sớm của vùng phát triển xương hàm dưới.
Các dị thường mắt phổ biến ở người mắc bệnh này là viêm mống mắt, bao gồm viêm tiền phòng và viêm thuỷ tinh thể trước. Các dị thường ở mắt thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi gây ra tình trạng suy giảm thị lực và ảo giác. Tuy nhiên, đối với thể bệnh viêm điểm bám tận, người bệnh hiếm khi cảm thấy đau, sợ ánh sáng hay cần tiến hành tiêm kết mạc.
Viêm mống mắt cũng là dấu hiệu phổ biến nhất ở viêm khớp mạn tính thiếu niên thể ít khớp gây ra sẹo, đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp hoặc bệnh về da, chiếm tới gần 20% số bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân dương tính với kháng thể kháng nhân (ANA). Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể xảy ra ở các thể bệnh khác, nhưng lại rất ít gặp trong thể bệnh RF dương tính và thể hệ thống.
Đối với thể bệnh viêm khớp vẩy nến, các tổn thương da sẽ là những dấu hiệu hay xuất hiện. Trong đó, những dấu hiệu phổ biến bao gồm rỗ móng, viêm ngón và tổn thương da vảy nến.
Đối với thể hệ thống của viêm khớp mãn tính ở thiếu niên, tình trạng phát ban đỏ và sốt là các triệu chứng điển hình. Tình trạng phát ban có thể lan rộng và tạo thành tổn thương dạng vết hoặc đám, nhạt màu ở vùng trung tâm.
Một số biểu hiện khác của thể hệ thống bao gồm sốt cao, phát ban, hạch to, lá lách to, viêm kết mạc, viêm phổi và viêm màng ngoài tim. Sự phát triển của bệnh có thể sẽ bắt đầu sau khi các triệu chứng kể trên xuất hiện. Sốt là biểu hiện xảy ra hàng ngày và sốt cao nhất trong buổi chiều hoặc tối, kéo dài vài tuần.
3. Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, cần dựa trên các yếu tố sau:
- Tiêu chuẩn lâm sàng và yếu tố viêm khớp dạng thấp.
- Kháng thể kháng nhân (ANA)
- Kháng thể kháng Peptide citrullinated anticyclic (anti-CCP)
- Kết quả xét nghiệm HLA-B27.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm khớp, viêm mống mắt, lách và hạch to hoặc phát ban không rõ nguyên nhân và sốt kéo dài, phụ huynh cần đưa con em khám ở các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán.
Chủ yếu, quá trình chẩn đoán bệnh sẽ dựa trên lâm sàng. Cùng với đó, người bệnh cần phải được kiểm tra một số yếu tố như Anti CCP, ANA, RF và HLA-B27. Các xét nghiệm này sẽ rất hữu ích trong việc xác định bệnh nhân đang ở thể bệnh nào của viêm khớp mãn tính thiếu niên. Cụ thể:
- Thể hệ thống: Kết quả chẩn đoán RF và ANA thường cho ra kết quả âm tính.
- Thể ít khớp: 75% bệnh nhân có sự xuất hiện của ANA, RF có thể không có.
- Thể đa khớp: Thể bệnh này thường cho ra kết quả RF âm tính, nhưng cũng có thể dương tính ở trẻ vị thành niên trong một số trường hợp.
- Thể viêm điểm bám tận: HLA-B27 có sự xuất hiện rất phổ biến ở thể bệnh này.
Ngoài ra, để chẩn đoán viêm mống mắt, bệnh nhân cần thực hiện kiểm tra bằng đèn soi đồng tử ngay cả khi mắt không có triệu chứng. Người mắc thể đa khớp hoặc ít khớp nên được khám mắt định kỳ 3 tháng/ lần nếu ANA dương tính. Đối với người bệnh âm tính khi xét nghiệm ANA, bệnh nhân nên khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần.
4. Phương pháp điều trị
Thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với viêm khớp mạn tính thiếu niên. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh này bao gồm:
4.1 Thuốc làm chậm quá trình tiến triển bệnh
Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm etanercept, anakinra và methotrexate được sử dụng để làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
Tương tự với điều trị viêm khớp dạng thấp cho người lớn, các loại thuốc chống viêm thấp khớp (DMARDs), nhất là methotrexate và các chế phẩm sinh học (như etanercept, anakinra), đã làm thay đổi đáng kể các phương pháp điều trị đặc biệt.
4.2 Tiêm corticoid nội khớp
Tiêm nội khớp bằng corticoid là một phương pháp điều trị khác đối với bệnh. Tuy nhiên, cần tránh dùng corticosteroid toàn thân và chỉ dùng liều thấp nhất có thể khi cần. Việc lạm dụng phương pháp này trong thời gian dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho trẻ.
Các ảnh hưởng có thể xuất hiện bao gồm tăng trưởng chậm, loãng xương hoặc hoại tử xương ở trẻ. Do vậy, cần tiêm nội khớp cho trẻ dựa trên cân nặng. Một số trẻ cần phải dùng thêm thuốc giảm đau khi tiêm nội khớp, đặc biệt là khi tiêm ở nhiều khớp.
4.3 Thuốc chống viêm không steroid
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể được dùng để giảm triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, thuốc không thể làm thay đổi tình trạng bệnh lâu dài hoặc ngăn ngừa biến chứng.
NSAIDs là thuốc có tác dụng nhất cho các bệnh liên quan đến thể viêm điểm bám tận. Các loại thuốc NSAIDs thường được sử dụng gồm:
- Naproxen 5 đến 10mg/kg uống 1 ngày 2 lần.
- Ibuprofen mỗi lần 5-10mg/kg uống 1 ngày 4 lần.
- Indomethacin 0,5-1mg/kg uống 1 ngày 3 lần.
Bên cạnh đó, vật lý trị liệu cũng là biện pháp có thể ngăn ngừa biến dạng khớp do bệnh. Các bài tập thể dục hoặc nẹp sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh.
Ngoài ra, các phương pháp thích nghi có thể cải thiện chức năng và giảm thiểu áp lực không cần thiết với các khớp bị viêm.
Đối với viêm mống mắt do bệnh gây ra, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, thuốc giãn mạch. Đôi lúc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng methotrexate và thuốc chống TNF.
Tổng kết lại, viêm khớp mạn tính thiếu niên là một nhóm những bệnh khớp xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi và bệnh tiến triển ở các khớp trong ít nhất 3 tháng. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh bao gồm sốt, viêm khớp, lá lách to, phát ban, hạch to và viêm mống mắt.
Khi xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần nghĩ ngay đến căn bệnh này. Cùng với đó, hãy đưa con em đến cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.