Viêm khớp tự miễn là nhóm các bệnh lý viêm khớp gây ra bởi tình trạng phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Đây là những căn bệnh khó điều trị và thường dẫn đến tình trạng suy yếu nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh tự miễn là gì?
Bệnh tự miễn là những bệnh gây tổn thương do sự đáp ứng miễn dịch chống lại các cấu trúc và cơ quan trong cơ thể chính mình. Đơn giản hơn, trong cơ thể của người bệnh xuất hiện những kháng thể tấn công các thành phần, bộ phận cơ thể và gây ra tổn thương ở những vị trí đó.
Các bệnh thuộc nhóm này không chỉ gồm lupus ban đỏ hệ thống mà còn có xơ cứng bì toàn thể, viêm da và cơ, viêm đa cơ, viêm nút quanh động mạch. Đặc điểm chung của các căn bệnh này là gây tổn hại đa cơ quan và cấu trúc trong cơ thể.
2. Viêm khớp tự miễn và các bệnh tự miễn thường gặp
2.1 Viêm khớp tự miễn
Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể liên kết với niêm mạc của khớp. Những tế bào miễn dịch sau đó tấn công vào các khớp này dẫn đến tình trạng viêm, sưng và đau đớn.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm khớp tự miễn sẽ dần dẫn đến tổn thương vĩnh viễn ở các khớp. Quá trình điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc uống hoặc tiêm khác nhau, nhằm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch.
2.2 Lupus ban đỏ hệ thống (lupus)
Lupus là bệnh khiến các kháng thể tự miễn dịch có thể gắn vào các mô khắp cơ thể. Lupus thường ảnh hưởng đến các khớp, phổi, tế bào máu, dây thần kinh và thận. Phương pháp điều trị thường là uống prednisone hàng ngày, một loại steroid giúp làm giảm chức năng của hệ miễn dịch.
2.3 Bệnh viêm ruột (IBD)
Hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc ruột, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy theo đợt, chảy máu trực tràng, đi tiêu cấp tính, đau bụng, sốt và giảm cân.
Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai dạng chính của bệnh viêm ruột. Để điều trị, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch dạng uống và tiêm.
2.4 Đa xơ cứng (MS)
Hệ miễn dịch tấn công vào tế bào thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như đau, mất thị lực, suy yếu cơ thể, phối hợp kém và co thắt cơ. Để điều trị bệnh đa xơ cứng, người bệnh có thể sử dụng nhiều loại thuốc nhằm ức chế hệ miễn dịch.
2.5 Đái tháo đường tuýp 1
Hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Những người trẻ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cần phải tiêm insulin để duy trì sự sống.
3. Nguyên nhân gây bệnh tự miễn
- Một bộ phận của cơ thể bị biến đổi tính chất, cấu tạo do tác động của các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học dẫn đến việc cơ thể nhận diện bộ phận đó trở thành tác nhân lạ, đồng thời phát sinh các tự kháng thể chống lại bộ phận đó. Các tự kháng thể này thường hình thành sau khi cơ thể bị nhiễm xạ, bỏng, nhiễm virus viêm gan, tiếp xúc với chất độc, sử dụng hóa chất và thuốc.
- Kháng nguyên lạ từ bên ngoài có cấu trúc giống với một phần của cơ thể nên kháng thể chống lại kháng nguyên thường gây ra phản ứng với các thành phần trên cơ thể, thường xảy ra trong các bệnh viêm thấp tim và viêm thấp khớp cấp.
- Trong thời kỳ phôi, một số thành phần của cơ thể không được nhận diện do chưa tiếp xúc hoặc ít tiếp xúc với hệ miễn dịch của cơ thể, chẳng hạn như tiền phòng trong nhãn cầu. Khi lọt vào máu sau chấn thương, các thành phần này trở thành yếu tố lạ đối với hệ miễn dịch, kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại.
- Sự rối loạn gây mất cân bằng các dòng tế bào lympho T: Trong số các loại tế bào lympho T, có 2 loại khác nhau: lympho T ức chế (ngăn chặn phản ứng chống lại kháng nguyên) và lympho T hỗ trợ (thúc đẩy các phản ứng tiêu diệt kháng nguyên). Khi hoạt động của hai loại tế bào này bị rối loạn, sự mất cân bằng giữa quá trình kích thích miễn dịch và quá trình ức chế miễn dịch dẫn đến các vấn đề về rối loạn miễn dịch trong cơ thể.
4. Các triệu chứng thường gặp trong các bệnh tự miễn
Các triệu chứng có thể gặp của các bệnh tự miễn nói chung và viêm khớp tự miễn nói riêng:
- Mệt mỏi.
- Cơ đau nhức.
- Sưng và tấy đỏ.
- Sốt nhẹ.
- Khó tập trung.
- Tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
- Rụng tóc.
- Phát ban trên da.
Mỗi căn bệnh đều có những dấu hiệu đặc trưng riêng. Ví dụ, bệnh tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện với triệu chứng như khát, giảm cân và mệt mỏi. Trong khi đó, viêm ruột thường gây đau bụng, cảm giác đầy hơi và tiêu chảy.
Các triệu chứng của một số bệnh tự miễn như bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp tự miễn có thể tự khỏi theo thời gian. Giai đoạn mà các triệu chứng xuất hiện được gọi là giai đoạn bùng phát, trong khi giai đoạn các triệu chứng biến mất được gọi là giai đoạn thuyên giảm.
5. Biểu hiện của khớp trong các bệnh tự miễn
Biểu hiện tại khớp của các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn khá đa dạng, bao gồm: Đau nhức khớp, đau xương, viêm khớp, tràn dịch khớp, hoại tử xương…
Viêm khớp tự miễn có các đặc điểm tương tự bệnh viêm khớp dạng thấp như tình trạng viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân và viêm khớp đối xứng hai bên. Tuy nhiên, điểm khác biệt của bệnh này là hầu như không xuất hiện tổn thương bào mòn đầu xương và không có tình trạng dính khớp trên phim X-quang như bệnh viêm khớp dạng thấp.
Trong bệnh xơ cứng bì toàn thể, bên cạnh viêm khớp nhỏ và nhỡ còn xuất hiện các tổn thương xơ cứng da và tổ chức dưới da, co thắt mạch ở đầu chi (hội chứng Raynaud), khó nuốt và xơ phổi...
6. Phương pháp phòng ngừa viêm khớp tự miễn hiệu quả
Để ngăn ngừa viêm khớp tự miễn hiệu quả, người bệnh có thể xem xét những lời khuyên dưới đây:
- Luyện tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện sức khỏe, tăng cường độ mềm dẻo của cơ thể và tính linh hoạt của xương khớp, đồng thời giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp. Mọi người có thể thực hiện các hoạt động như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội... trong khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe ngay khi vừa có những dấu hiệu bất thường sẽ giúp chẩn đoán kịp thời, quá trình điều trị bệnh sẽ mang lại kết quả tốt nhất và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, đồng thời giảm thiểu chi phí điều trị trong giai đoạn muộn.
Bệnh tự miễn, trong đó có viêm khớp tự miễn luôn được coi là nhóm bệnh nguy hiểm vì nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng và các triệu chứng phức tạp thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Đặc biệt, hiện chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhẹ nhàng, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và chất khoáng. Đồng thời, người bệnh cũng nên tăng cường vệ sinh răng miệng và phòng ngừa các nhiễm khuẩn trong miệng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.