Trang chủ Bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm ký sinh đơn bào đường ruột trên, do loại trùng roi Giardia lamblia gây nên. Bệnh lưu hành trên toàn cầu, đặc biệt ở những vùng điều kiện vệ sinh kém, trẻ em thường bị nhiễm bệnh nhiều hơn người lớn; những người bị suy giảm miễn dịch (AIDS) có thể bị bệnh nặng và kéo dài.

Tỷ lệ xét nghiệm thấy có ký sinh trùng trong phân dao động từ 1- 30% tuỳ cộng đồng và nhóm tuổi. Ở một số nước Âu, Mỹ (Anh, Mehico, Mỹ), bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc lứa tuổi 25 - 39 và thường tăng cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm Giardia lamblia ở trẻ em khoảng 15%, ở người lớn khoảng 1-10%.

Những vụ dịch lớn thường liên quan đến nguồn nước bị nhiễm bẩn, những vụ dịch nhỏ thường liên quan đến thức ăn, thực phẩm hoặc ở cùng nhà trẻ.

Phần lớn lây bệnh dạng lẻ tẻ, do nhiễm thể kén trong nước hoặc thức ăn, qua tiếp xúc người lành với người bệnh, hoặc qua tiếp xúc tình dục hậu môn - miệng. Trong gia đình, nhà trẻ,  viện tâm thần, bếp ăn tập thể, dễ bị nhiễm bệnh nhiều lần. Các vụ dịch xảy ra do nguồn nước bị nhiễm kí sinh trùng. Sau khi ăn phải các thể kén, các thể thực bào xuất hiện trong tá tràng và ruột non. Thể thực bào gây tổn thương biểu mô ruột, thoái hóa các lông nhú, phì đại các khe nhú, và xâm nhiễm mạnh tế bào ở lá chính (lamina propria). Ở những người bị giảm gamma globulin trong máu, nồng độ IgA tiết trong ruột thấp, giảm acid dịch vị và suy dinh dưỡng bệnh sẽ phát triển mạnh.

Nguyên nhân bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn Giardia, một trong số đó là:

  • Tiếp xúc với những người đang bị nhiễm bệnh;
  • Ăn thức ăn sống hoặc chưa nấu chín, uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng dẫn đến bệnh nhiễm Giardia;
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn một cách không an toàn.

Triệu chứng bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Hầu hết người nhiễm bệnh mang kén nhưng không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 tuần, bệnh khởi phát từ từ hoặc cấp tính. Giai đoạn bệnh cấp tính thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần, tuy bệnh tự khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn thải kén kéo dài. Ở một số bệnh nhân, bệnh có thể trở nên mạn tính và tiến triển trong nhiều năm.

Các thể lâm sàng của bệnh do Giardia là tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính, và hội chứng giảm hấp thu. Cả hai thể bệnh cấp và mạn tính, tiêu chảy thường diễn ra từ nhẹ tới nặng. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng: phân nát và nhiều, đi tiêu một lần/ngày; hoặc số lần đi ngoài nhiều hơn, phân lỏng hơn, có thể chứa nhầy nhưng thường không có máu và mủ; phân thường có bọt, nặng mùi, và nhờn; sụt cân và mệt mỏi; trẻ em thì chậm lớn và chậm phát triển; có khi thấy chán ăn, buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu và đau vùng thượng vị, ợ, đầy hơi và trướng bụng; ít gặp sốt nhẹ, và đau đầu, nổi mụn sẩn, đau khớp, và đau cơ...

Hội chứng giảm hấp thu có thể phát triển trong giai đoạn cấp hoặc mạn, có thể dẫn đến sụt cân nặng và suy kiệt.

Đường lây truyền bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Phần lớn lây bệnh dạng lẻ tẻ, do nhiễm thể kén trong nước hoặc thức ăn, qua tiếp xúc người lành với người bệnh, hoặc qua tiếp xúc tình dục hậu môn - miệng. Trong gia đình, nhà trẻ, bệnh viện, bếp ăn tập thể, dễ bị nhiễm bệnh nhiều lần.

Các vụ dịch xảy ra do nguồn nước bị nhiễm ký sinh trùng. Nguồn bệnh là do người bệnh đào thải kén theo phân ra ngoài và người lành mang trùng. Bệnh lây lan rất dễ dàng qua đường tiêu hóa: kén trùng roi thìa theo thức ăn, nước uống, rau sống, bàn tay bẩn, đồ chơi trẻ em... xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa. Vì thế mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh.

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

  • Độ tuổi: trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn;
  • Quan hệ tình dục: không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh;
  • Nơi ở: nơi  đang ở bị nhiễm Giardia;
  • Nguồn nước: nguồn nước dùng không đạt chất lượng và bị nhiễm Giardia.

Phòng ngừa bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện các biện pháp phòng chống chung như phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa

Vệ sinh phòng bệnh:

  • Thực hiện rửa tay trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi cầu hoặc sau khi dọn vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi
  • Cung cấp nước sạch, tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước, tiến hành lọc các nguồn nước nhiễm phân người hoặc súc vật.
  • Sử dụng hố xí, xử lí phân trẻ hợp vệ sinh.

Quản lí người lành mang trùng: Định kỳ kiểm tra, xét nghiệm phân của người nhà, người tiếp xúc, người chế biến thực phẩm, thức ăn ở các nhà trẻ, nhà hàng nếu phát hiện có nang trùng hoặc ký sinh trùng thì tổ chức cách ly, điều trị ngay. Nếu cần cho chuyển nghề.

Xử lý môi trường: Chú ý xử lý sát khuẩn, tẩy uế nguồn phân.

Bệnh nhiễm Giardia nếu được điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà không bị di chứng gì. Trái lại không được điều trị, bệnh nhân có thể bị rối loạn hấp thu nặng và có thể dẫn đến tử vong vì các nguyên nhân khác.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Soi phân, dịch hút tá tràng hoặc niêm mạc ruột non khi sinh thiết thấy nang trùng hoặc thể tư dưỡng của ký sinh trùng trong bệnh phẩm, cần tiến hành ít nhất 3 lần xét nghiệm trước khi kết luận âm tính.

  • Xét nghiệm kháng nguyên trong phân bằng phương pháp ELISA tìm kháng thể IgG, IgM giúp chẩn đoán bệnh.
  • Chụp X quang ruột non thấy bình thường ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ, nhưng ở những bệnh nhân có các triệu chứng nặng có thể cho thấy các dấu không đặc hiệu như kéo dài thời gian vận chuyển, biến đổi nhu động ruột, dày nếp niêm mạc, đứt đoạn baryte.

Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm Giardia (nhiễm trùng ruột non do Giardia)

Tất cả những bệnh nhân có triệu chứng cần phải được điều trị. Đồng thời cần cân nhắc điều trị cho những bệnh nhân không có triệu chứng, do những người này có thể truyền bệnh cho những người khác. Đối với các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng, có thể chờ đợi vài tuần trước khi bắt đầu điều trị, để xem bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Thuốc được khuyên dùng là: Tinidazol, Metronidazol, Quinacrin, hoặc Furazolidon.

Sau điều trị, cần xét nghiệm lại phân, hai mẫu trở lên, cách nhau một tuần. Các loại thuốc này đôi khi có các tác dụng phụ gây khó chịu.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp