Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Ruột non là phần ống tiêu hóa nối tiếp dạ dày và đại tràng có chiều dài khoảng 7 mét có nhiều chức năng quan trọng như tiêu hóa, hấp thu và bài tiết các chất trong cơ thể. Do đó các bệnh ở ruột non có thể gây ra những biến chứng về hệ tiêu hóa cho cơ thể dẫn tới mất nước, thiếu chất dinh dưỡng và thậm chí là tử vong.
1. Cấu trúc và chức năng của ruột non trong cơ thể người
Ruột non được cấu tạo từ 4 lớp lần lượt là thanh mạc, cơ vòng và cơ dọc, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc nằm trên cơ trơn. Trong đó 80% tế bào ruột sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc hấp thu nhờ vào đường viền bàn chải và siêu nhung mao. Ngoài ra, tế bào hình đài hoa sẽ giúp bài tiết chất nhầy, tế bào nội tiết tố nằm rải rác tiết ra peptid và tế bào Paneth đóng vai trò bảo vệ niêm mạc ruột chống lại vi khuẩn.
Các chức năng chính của ruột non trong cơ thể người gồm có:
- Tiêu hóa, hấp thu điện giải và nước: Phương thức hấp thu có thể là thụ động qua lỗ hổng niêm mạc hoặc áp lực thẩm thấu hay hấp thụ chủ động. Lượng nước hấp thu mỗi ngày của tá tràng và đoạn ruột đầu có thể lên tới 3 lít còn đoạn ruột cuối đại tràng hấp thu 1 lít/ngày.
- Tiêu hóa và hấp thu glucid: Được thực hiện chủ yếu ở ruột đầu với cơ chế vận chuyển chủ động glucose và galactose, đường đơn được hấp thu vào máu tuần hoàn thông qua các tế bào ruột.
- Tiêu hóa và hấp thu protid: Được bắt đầu từ ngay dạ dày sau khi phân giải phần lớn protein được tiêu hóa và hấp thu ở ruột non, phần còn lại thải ra ngoài theo phân.
- Hấp thu vitamin: Vitamin hòa tan trong mỡ nhờ muối mật và được hấp thu là ruột đầu sau đó được vận chuyển vào tân mạch.
- Bài tiết dịch ruột gồm các chất nhầy, globulin miễn dịch, protein huyết thanh, nước và điện giải.
- Bài tiết nội tiết tố và chức năng miễn dịch.
- Chức năng vận động: Tá tràng co bóp theo nhịp giúp vận chuyển thức ăn, càng xuống đoạn ruột dưới thì tốc độ co bóp càng chậm
2. Các bệnh lý thường gặp ở ruột non
Một số bệnh ở ruột non thường gặp như:
2.1. Viêm ruột non
Các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng là tác nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm đường tiêu hóa ở bệnh nhân như tiêu chảy, hủy hoại niêm mạc ruột.
- Bệnh Crohn là bệnh lý gây tổn thương có thể ở nhiều đoạn bất kỳ của ống tiêu hóa gây nên tình trạng đi cầu phân lỏng, sút cân, sốt, áp xe hoặc chảy máu.
- Lao ruột thường do tác nhân vi trùng lao gây nên, thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử lao, nội soi cho thấy hình ảnh loét theo chu vi hay gặp ở hồi tràng van Bauhin.
- Viêm ruột do thiếu máu do tắc động tĩnh mạch mạc treo, cấp tính hoặc mạn tính.
- Viêm ruột do xuất huyết ruột non thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc chống đông, lâm sàng có cơn đau bụng quanh rốn hoặc khu trú kèm bí trung đại tiện, bụng chướng.
2.2. U ruột non
- U GIST ruột non: Thường xuất phát từ lớp hạ niêm mạc chiếm 30% toàn ống tiêu hóa và là nguyên nhân gây chảy máu nhiều nhất cho ruột non. Nội soi cho hình ảnh u lồi vào trong lòng có thể loét bề mặt.
- U lympho ruột non: Là loại u thứ hai thường gặp sau dạ dày, hay gặp ở phần cuối hỗng tràng và hồi tràng do tế bào lympho B. Lâm sàng bệnh nhân thường có biểu hiện đặc biệt cho tới khi có biến chứng tắc, chảy máu, thủng, rò.
- Polyp ruột non: Là loại polyp lành tính nhưng vẫn có tỷ lệ trở thành ung thư, ít triệu chứng hoặc có đau bụng, biến chứng chảy máu, lồng ruột.
- Ung thư biểu mô tuyến: Thường xuất phát từ đại tràng và hỗng tràng, lâm sàng thường biểu hiện ở giai đoạn muộn với đau bụng, tắc ruột, chảy máu.
2.3. Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác ở ruột non bao gồm:
- Tổn thương mạch máu ruột non: Do tình trạng dị sản mạch hoặc chảy máu điểm mạch.
- Túi thừa ruột non: Khá hiếm gặp, chủ yếu ở tá tràng và túi thừa Meckel, thường không có triệu chứng gì cho tới khi xảy ra biến chứng.
- Rối loạn chuyển hóa và hấp thu ở ruột non: Thường gặp các bệnh bất dung nạp Lactose, bệnh Celiac hoặc bệnh suy giảm men tụy, dịch mật.
- Tắc ruột non: Thường liên quan đến các trường hợp phẫu thuật tiêu hóa, bệnh Crohn, ung thư hay dị vật đường tiêu hóa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.