Tắc ruột non có nguy hiểm? Chẩn đoán và điều trị

Tắc ruột non là tình trạng ruột bị tắc nghẽn, ngăn thức ăn và chất lỏng di chuyển qua hệ tiêu hóa. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến 2 tuổi vì có thể dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột và đe dọa tính mạng. Vì vậy, cần nhận biết sớm các dấu hiệu để phát hiện và điều trị kịp thời.  

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. BS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Nguyên nhân gây tắc ruột non

Tắc ruột non do hai nguyên nhân chính: liệt ruột (vô động lực) và nguyên nhân cơ học. Tắc ruột do liệt ruột vô động lực xảy ra phổ biến hơn, thường tự khỏi và không cần phẫu thuật, trong khi tắc ruột cơ học có thể do tác nhân bên trong hoặc bên ngoài.

Các nguyên nhân khác gây tắc ruột non bao gồm:

  • Thoát vị: Khi một phần ruột nhô ra ngoài thành bụng.
  • Dính ruột.
  • Viêm túi thừa: Tình trạng viêm nhiễm của các túi nhỏ, phồng lên trong đường tiêu hóa.
  • Sỏi phân.

Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn gây tắc ruột non bao gồm: Xoắn ruột, sỏi mật, giun, lồng ruột, áp-xe, thương tổn bẩm sinh.

2. Dấu hiệu nhận diện tắc ruột non

Triệu chứng đặc trưng của tắc ruột non bao gồm:

  • Đau bụng: Cơn đau quặn thắt dữ dội xuất hiện ở vùng thượng vị và quanh rốn, có thể khiến người bệnh ngất xỉu.
  • Nôn ói nhiều: Thường xảy ra muộn, đặc biệt là nôn ra chất phân, là dấu hiệu điển hình khi tắc nghẽn xảy ra ở đoạn cuối ruột non.
  • Bụng căng và chướng.
  • Bí trung đại tiện: Nhiều người bệnh vẫn cảm thấy bí trung và khó đại tiện dai dẳng dù đã thụt tháo và loại bỏ phân trong trực tràng.
  • Triệu chứng khác: Nôn nhiều, ứ dịch trong ruột lâu ngày gây mất nước, rối loạn điện giải trầm trọng. Biểu hiện: choáng váng, nhịp tim nhanh, sốt, đau bụng quặn thắt, đau khi ấn và giảm nhu động ruột. 
Khóc nhiều vì đau bụng dữ dội có thể là dấu hiệu nhận diện tắc ruột non ở trẻ.
Khóc nhiều vì đau bụng dữ dội có thể là dấu hiệu nhận diện tắc ruột non ở trẻ.

3. Bị tắc ruột non có nguy hiểm không và biến chứng có thể xảy ra

Nhiều người thắc mắc rằng bị tắc ruột non có nguy hiểm không thì câu trả lời là có, đây là bệnh tiêu hóa cấp tính vô cùng nguy hiểm, chỉ sau viêm ruột thừa cấp. Tắc nghẽn càng lâu, ruột càng bị căng giãn và tổn thương mạch máu. Áp lực trong ổ bụng tăng cao do tắc nghẽn, dẫn đến nguy cơ hoại tử và thủng ruột vô cùng nguy hiểm.

Tắc ruột non không chỉ gây tổn thương ruột mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm. Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra là nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc, có thể dẫn đến sốc nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là trường hợp viêm phúc mạc.

4. Chẩn đoán và điều trị tắc ruột non

4.1 Phương pháp chẩn đoán

Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ thu thập thông tin của người bệnh gồm: triệu chứng bệnh, hồ sơ bệnh án và tiến hành các bước khám lâm sàng cần thiết, bao gồm các xét nghiệm cụ thể:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang bụng có thể phát hiện ra khí bị kẹt và vị trí tắc ruột, tuy nhiên, đây không phải phương pháp chẩn đoán tắc ruột non hiệu quả nhất.
  • CT scan: Cung cấp hình ảnh chi tiết, giúp bác sĩ xác định chính xác đoạn ruột bị tắc.
  • Siêu âm: Được sử dụng phổ biến để phát hiện tắc ruột non ở trẻ em.
  • Chụp cản quang.
  • Nội soi: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi nhỏ có ánh sáng, đưa qua đường trực tràng vào ruột già để quan sát trực tiếp lớp niêm mạc đại tràng. 
Chụp X-quang bụng có thể phát hiện ra khí bị kẹt và vị trí tắc ruột, tuy nhiên, đây không phải phương pháp chẩn đoán tắc ruột non hiệu quả nhất.
Chụp X-quang bụng có thể phát hiện ra khí bị kẹt và vị trí tắc ruột, tuy nhiên, đây không phải phương pháp chẩn đoán tắc ruột non hiệu quả nhất.

4.2 Phương pháp điều trị

4.2.1 Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa có hiệu quả trong một số trường hợp như:

  • Bán tắc ruột non có dính hoặc viêm ruột (lao ruột, Crohn,...)
  • Tắc ruột non hoàn toàn do dính nhưng bệnh nhân đến viện sớm (trước 6 tiếng).

Ngừng ăn uống và hồi sức tích cực nếu có sốc, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, sonde dạ dày là những phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhằm duy trì chỉ số sức khỏe.

Người bệnh còn có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng sinh nếu tắc ruột non gây biến chứng nhiễm trùng hoặc đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, nếu sau 48 giờ điều trị nội khoa mà tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân cần chuyển sang phương pháp phẫu thuật. 

Nếu tắc ruột non gây biến chứng nhiễm trùng hoặc đau đớn dữ dội thì bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và kháng sinh.
Nếu tắc ruột non gây biến chứng nhiễm trùng hoặc đau đớn dữ dội thì bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và kháng sinh.

4.2.2 Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật ổ bụng là phương pháp điều trị bắt buộc khi tắc ruột hoàn toàn, tắc do u bướu và các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.

Tắc ruột non là tình trạng cấp cứu y tế cần được xử lý khẩn trương. Bệnh nhân chẩn đoán và can thiệp càng sớm thì tiên lượng càng tốt. Ngược lại, nếu chậm trễ điều trị, khả năng phục hồi của ruột sau điều trị sẽ giảm sút, bệnh nhân dễ bị sốc nặng, nhiễm trùng nhiễm độc do độc tố từ ruột hoại tử và viêm màng bụng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ tắc ruột nào, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Vinmec sở hữu đội ngũ bác sĩ Nội tiêu hóa chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, tự tin đáp ứng mọi nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh tắc ruột hiệu quả. Nhờ chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp, nhanh chóng, Vinmec đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh tắc ruột phức tạp.

Bác sĩ Vũ Văn Quân với hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp. Bác sĩ có chuyên môn cao trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ngoại khoa liên quan đến đường tiêu hóa, gan, mật, tụy, cũng như các bệnh lý ở phúc mạc ổ bụng và thành bụng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe