Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan Hội chứng quai mù
Hội chứng quai mù còn gọi là hội chứng quai ruột mù, hội chứng ứ hoặc hội chứng vòng trì trệ, xảy ra khi một phần của ruột non bị bắc cầu khiến thức ăn không di chuyển hoặc di chuyển chậm qua phần ruột này trong quá trình tiêu hóa gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Khi thực phẩm di chuyển chậm và các sản phẩm chất thải trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, những vi khuẩn tích tụ này phát triển quá mức, gây tiêu chảy, giảm cân và suy dinh dưỡng.
Tình trạng bệnh này thường là biến chứng của phẫu thuật dạ dày hoặc có thể xuất phát từ các vấn đề cấu trúc cơ thể và một số bệnh. Trong những trường hợp bệnh nặng có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Nguyên nhân Hội chứng quai mù
Hội chứng quai mù xuất hiện do thức ăn ứ đọng trong ruột non bị bắc cầu trở thành nơi sinh sản lý tưởng cho vi khuẩn, các vi khuẩn bị ứ đọng này có thể tạo ra độc tố cũng như ngăn chặn sự hấp thụ các chất dinh dưỡng. Chiều dài của ruột non có liên quan trực tiếp đến khả năng các vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Triệu chứng Hội chứng quai mù
Hội chứng quai mù thường có các dấu hiệu, triệu chứng như sau: cảm giác ăn không ngon, bị đau bụng, buồn nôn, có cảm giác đầy hơi, bị khó chịu sau ăn, mắc bệnh tiêu chảy và giảm cân không rõ nguyên nhân.
Khi có cảm giác buồn nôn, tiêu chảy kéo dài cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Đường lây truyền Hội chứng quai mù
Hội chứng quai mù không lây truyền từ người này sang người khác
Đối tượng nguy cơ Hội chứng quai mù
Các đối tượng sau có nguy cơ cao bị mắc Hội chứng quai mù: những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày do béo phì hoặc loét dạ dày; những người có khiếm khuyết cấu trúc trong ruột non hoặc đã từng bị tổn thương ruột non, những người có một lối đi bất thường giữa hai đoạn ruột (thường dẫn đến hội chứng quai tới); những người có tiền sử mắc bệnh Crohn, u lympho ruột hoặc xơ cứng bì liên quan đến ruột non, đã từng xạ trị ở bùng, bị bệnh tiểu đường hoặc bị viêm túi thừa ruột non.
Phòng ngừa Hội chứng quai mù
Để phòng ngừa Hội chứng quai mù, cần thực hiện các biện pháp sau:
-
Bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng như: vitamin B12, canxi và sắt dạng.
-
Thực hiện chế độ ăn không có lactose. Do tổn thương ruột non có thể khiến bạn mất khả năng tiêu hóa đường sữa (lactose). Chính vì vậy cần phải tránh hầu hết các sản phẩm có chứa đường sữa hoặc các chế phẩm lactase.
-
Bổ sung chất béo MCT (Medium-chain triglycerides). Chất béo này thường có trong dầu dừa, là một chất bổ sung trong chế độ ăn uống cho những người mắc hội chứng quai ruột mù nghiêm trọng dẫn đến chứng ruột ngắn.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng quai mù
Để chẩn đoán hội chứng quai mù, cần áp dụng các phương pháp xét nghiệm hình ảnh như: X-quang bụng, Chụp CT bụng. Ngoài ra cũng cần làm các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non, khả năng hấp thụ chất béo kém hoặc các vấn đề khác có thể gây ra hoặc góp phần vào các triệu chứng bệnh:
-
Phương pháp X-quang ruột non có dùng barium. Thông qua việc sử dụng dung dịch tương phản (barium) để lớp niêm mạc ruột nổi rõ trên tia X. Barium có thể cho thấy một quai ruột mù, túi thừa, hẹp ruột, các vấn đề cấu trúc khác hoặc thời gian vận chuyển chậm có thể gây vi khuẩn phát triển quá mức.
-
Phương pháp chụp CT giúp bác sĩ phát hiện viêm hoặc các vấn đề cấu trúc trong ruột và bất thường ở các cơ quan khác, chẳng hạn như tuyến tụy.
-
Phương pháp thử nghiệm hơi thở hydrogen. Thông qua việc đo lượng hydro mà bệnh nhân thở ra sau khi uống hỗn hợp glucose và nước có thể thấy quá trình tiêu hóa carbohydrate kém và sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non.
-
Phương pháp thử nghiệm hơi thở D-xyloza giúp đo lượng carbon dioxide trong hơi thở, nồng độ carbon dioxide cao cho thấy sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
-
Phương pháp thử nghiệm hơi thở axit mật từ gan. Thông qua việc sử dụng muối mật có chất đánh dấu phóng xạ để kiểm tra rối loạn chức năng muối mật.
-
Phương pháp xét nghiệm định lượng chất béo trong phân để xác định mức độ hấp thụ chất béo của ruột non tốt như thế nào.
-
Phương pháp hút và nuôi cấy dịch ruột non. Các bác sĩ đưa một ống dài (nội soi) xuống cổ họng và qua đường tiêu hóa đến ruột non. Mẫu dịch ruột được hút ra và làm kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định mức độ phát triển của vi khuẩn.
Các biện pháp điều trị Hội chứng quai mù
Để điều trị hội chứng quai mù, cần phải chữa trị các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh như phẫu thuật sửa chữa phần ruột non bị bắc cầu sau mổ hoặc lỗ rò. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp, phần ruột bị bắc cầu có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ điều trị tập trung vào việc điều chỉnh thiếu hụt dinh dưỡng và loại bỏ sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
-
Phương pháp sử dụng kháng sinh. Đây là phương pháp ban đầu, chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Qua một đợt kháng sinh ngắn thường giảm đáng kể số lượng vi khuẩn bất thường. Để điều trị dứt điểm hội chứng cần sử dụng kháng sinh trong thời gian dài, trong một số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn sử dụng kháng sinh, một số trường hợp lại cần áp dụng các liệu pháp chữa trị khác nhau.
-
Phương pháp dinh dưỡng. Việc thay đổi tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị hội chứng quai ruột mù, đặc biệt ở những người giảm cân nghiêm trọng.
Xem thêm:
- Tắc ruột non có nguy hiểm? Chẩn đoán và điều trị
- Hệ tiêu hóa hoạt động thế nào?
- Mạc treo là gì?
- U mạc treo ruột có nguy hiểm?
- Nguyên nhân gây tắc ruột non
- Chẩn đoán phân biệt tắc ruột non và tắc ruột già
- Phẫu thuật nội soi cắt u mạc treo ruột
- Hội chứng ruột ngắn: Nguyên nhân, dấu hiệu
- Các bệnh lý thường gặp ở ruột non
- Hệ tiêu hóa ở người gồm những gì - xem hình ảnh tiêu hóa ở từng bộ phận