Viêm khớp dạng thấp (RA) là tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến khớp, gây ra các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy và cứng khớp. Trong vài trường hợp, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn bình thường, dẫn đến các đợt bùng phát với triệu chứng nặng hơn. Bài viết này giúp hiểu rõ hơn những tác nhân tiềm ẩn khiến tình trạng bệnh trở nặng, từ đó bệnh nhân có thể chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Viêm khớp bùng phát
Viêm khớp bùng phát là khi tình trạng viêm trong cơ thể tăng đột biến, khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Các khớp sẽ có tình trạng đỏ, nóng và sưng tấy tùy theo mức độ viêm tăng. Bệnh cũng có thể kèm theo các tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi, ớn lạnh.
2. Áp lực khiến viêm khớp dạng thấp trở nặng
Căng thẳng, lo lắng và thậm chí trầm cảm cũng có thể khiến tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nặng. Đặc biệt, trầm cảm khiến việc kiểm soát các triệu chứng trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù căng thẳng giúp cơ thể giải phóng cortisol - một hormone chống viêm nhưng căng thẳng kéo dài làm cơ thể sản sinh quá mức cortisol, khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Hãy tìm cách thư giãn như tập yoga, tắm nước nóng hoặc tập thể dục.
3. Chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn
Những cơn đau do viêm khớp dạng thấp khiến bệnh nhân khó ngủ và điều này làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Để cải thiện giấc ngủ, bệnh nhân có thể thử các phương pháp như uống thuốc giảm đau và tránh ánh sáng xanh từ màn hình trước khi ngủ, duy trì giờ ngủ cố định đồng thời tạo môi trường nghỉ ngơi thoải mái.
4. Thuốc hiện tại không hiệu quả
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể mất hiệu quả sau một thời gian do cơ thể kháng thuốc, khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị hoặc kết hợp thêm các loại thuốc khác giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn.
5. Bệnh lý liên quan kèm theo viêm khớp dạng thấp
Người bị viêm khớp dạng thấp (RA) có nguy cơ cao mắc thêm đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia). Đau cơ xơ hóa gây ra các triệu chứng tương tự như RA, bao gồm đau mãn tính, mệt mỏi. Bác sĩ có thể chẩn đoán đau cơ xơ hóa để xác định nguyên nhân và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh lý.
6. Ngưng sử dụng thuốc
Có nhiều lý do khiến bệnh nhân ngừng dùng thuốc như người bệnh cảm thấy tình trạng bệnh đã được cải thiện và nghĩ rằng không cần dùng nữa. Tuy nhiên, việc ngừng dùng thuốc đột ngột có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến bệnh bùng phát nặng hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm loại thuốc ít tác dụng phụ hơn hoặc giảm liều lượng.
7. Ít tập thể dục
Đau khớp và cứng khớp do RA có thể khiến bệnh nhân lười vận động. Nhưng ít vận động, không cử động khớp điều độ có thể làm tình trạng bệnh xấu đi, khiến viêm khớp dạng thấp trở nặng. Tập thể dục giúp giảm đau và mệt mỏi do RA. Hãy cố gắng tập luyện ít nhất một chút mỗi ngày để giữ cho cơ bắp luôn khỏe mạnh.
8. Bệnh tái phát sau khi sinh
Các triệu chứng thường giảm bớt khi mang thai nhưng các triệu chứng RA có thể quay trở lại sau khi sinh khiến viêm khớp dạng thấp trở nặng. Việc chăm sóc em bé có thể trở nên khó khăn do đau và mệt mỏi tái phát.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị an toàn cho cả mẹ và bé khi cho con bú.
9. Thừa cân
Thừa cân có thể gây áp lực lên các khớp bị viêm, làm đau khớp nhiều hơn. Chất béo dư thừa trong cơ thể giải phóng hormone làm tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nặng và làm giảm hiệu quả điều trị. Hãy tập thể dục hàng ngày và nhận sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng.
10. Hút thuốc
Hút thuốc làm tăng nguy cơ khiến viêm khớp dạng thấp trở nặng, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị. Hút thuốc cũng khiến bệnh nhân mất năng lượng, hạn chế khả năng tập luyện, àm giảm khả năng kiểm soát bệnh. Bỏ thuốc lá để cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và tăng hiệu quả của thuốc điều trị. Tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia để được hỗ trợ trong việc cai thuốc lá.
11. Hoạt động quá mức
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người bị viêm khớp dạng thấp nhưng tập quá sức có thể gây hại cho khớp và cơ bắp. Nên tập thể dục với cường độ vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe và lắng nghe cơ thể, nghỉ ngơi khi cần thiết. Chia nhỏ thời gian tập luyện trong ngày và kết hợp các bài tập vận động với bài tập thư giãn.
12. Thiếu Vitamin D
Người bị viêm khớp dạng thấp thường thiếu vitamin D, điều này khiến triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng, gây viêm, đau nhiều hơn, loãng xương và suy nhược cơ thể. Bác sĩ có thể xét nghiệm máu để kiểm tra mức vitamin D để người bệnh bổ sung kịp thời. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (kèm kem chống nắng) hoặc uống vitamin D bổ sung là những cách hiệu quả.
Bằng việc hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, người bệnh có thể kiểm soát hiệu quả tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nặng và giảm thiểu nguy cơ bùng phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.