Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm và sưng đau ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể. Viêm khớp dạng thấp chủ yếu tấn công các khớp thường là nhiều khớp cùng một lúc gây nên tình trạng viêm và sưng đau. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị nhiều người không tuân thủ phác đồ và mắc sai lầm về viêm khớp dạng thấp sẽ khiến cho bệnh trở nặng hơn. Dưới đây là những sai lầm phổ biến bạn cần tránh.
1. Không gặp bác sĩ chuyên khoa
Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì? Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn có nghĩa là hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể dẫn đến tình trạng sưng đau. Bất kỳ bác sĩ đa khoa nào cũng có thể chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, để quá trình điều trị được hiệu quả bạn cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ chuyên khoa là những bác sĩ chuyên điều trị viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp khác. Một bác sĩ chuyên khoa sẽ được đào tạo nhiều nhất về các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và tìm những loại phù hợp cho từng thể trạng bệnh của mỗi người. Tuyệt đối, người bệnh không tự ý điều trị bởi các thầy lang không có chuyên môn.
2. Hạn chế vận động quá lâu
Bạn cần nghỉ ngơi trong giai đoạn bệnh tiến triển hay sưng đau, nhưng không được nghỉ ngơi quá lâu. Khi bạn hạn chế vận động quá lâu tình trạng đau và mỏi khớp sẽ tăng lên, đồng thời sẽ gặp khó khăn trong việc vận động trở lại và trở lên cứng khớp. Tập thể dục thường xuyên chính là chìa khóa cho sức khỏe của bạn cũng như cải thiện được các triệu chứng trong bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Thời gian hạn chế vận động quá lâu khiến tình trạng đau nhức, mệt mỏi và cứng khớp trở nên trầm trọng hơn.
Khi bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển, hãy giảm tốc độ cũng như hạn chế vận động nhưng không dừng lại. Thực hiện những bài tập nhẹ nhàng linh hoạt, ví dụ như tập yoga hoặc thái cực quyền. Bạn cũng có thể thực hiện một số bài tập trong hồ bơi nước ấm, nhưng hãy tập làm quen từ từ. Khi bạn cảm thấy tốt hơn, hãy tăng cường hoạt động thể chất của bạn. Bổ sung thêm các bài tập rèn luyện sức mạnh (bạn có thể sử dụng máy tập tạ tại phòng tập thể dục, tạ cầm tay, băng cản hoặc trọng lượng cơ thể của chính bạn) để tăng cường cơ bắp xung quanh khớp. Bạn cũng nên tập tim mạch cho tim, xương và cải thiện tâm trạng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhà trị liệu vật lý về các bài tập tốt nhất cho bạn. Đi bộ có thể là một bài tập tốt cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Bởi vì nó có tác động thấp và bạn có thể làm điều đó ở bất kỳ đâu miễn phí. Bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước cũng là một trong những lựa chọn tốt bạn có thể tham khảo.
3. Không thăm khám định kỳ
Khi bạn cảm thấy tốt, bạn có ngừng gặp bác sĩ không? Bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để giữ tinh thần thoải mái và điều trị đúng hướng. Trong các cuộc thăm khám định sức khỏe định kỳ, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tình trạng bệnh của bạn, quá trình đáp ứng điều trị diễn ra như thế nào, liệu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào không và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần. Ngoài việc đến gặp bác sĩ, bạn cũng có thể cần phải làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng hoặc chụp X-quang để kiểm tra. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn.
4. Không tuân thủ theo phác đồ điều trị
Nếu bác sĩ của bạn kê đơn nhiều hơn một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp thì có một lý do chính đáng cho điều đó. Một trong những loại thuốc có thể làm dịu cơn đau của bạn, trong khi loại thuốc khác giúp ngăn chặn tổn thương khớp. Nếu bạn không chắc thuốc của mình có tác dụng gì hoặc tại sao bạn cần dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ.
Ngoài ra, bạn hãy chia sẻ cho bác sĩ biết nếu có các tác dụng phụ hoặc chi phí điều trị đang là vấn đề của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm kiếm các giải pháp, cho dù đó là một loại thuốc khác hoặc trợ giúp về chi phí để bạn có thể theo kịp việc điều trị của mình. Bởi vì việc không tuân thủ quá trình điều trị có thể làm cho việc điều trị không đáp ứng hiệu quả và làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
5. Bỏ qua thuốc khi bạn cảm thấy tốt
Bạn có thể muốn bỏ thuốc vào những ngày cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được bỏ thuốc khi cảm thấy cơ thể đã khỏe mạnh. Bỏ lỡ một liều thuốc có thể khiến cơn đau quay trở lại và khó giảm bớt sau đó. Tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể xấu đi. Một số loại thuốc cần phải ở trong máu của bạn ở các mức cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu bạn bỏ qua chúng quá thường xuyên, nồng độ thuốc trong máu sẽ giảm xuống và bạn có thể bị tái phát viêm khớp dạng thấp. Đôi khi bạn có thể quên một liều thuốc và điều đó không sao cả nếu bạn uống ngay khi nhớ ra (nhưng không được dùng liều gấp đôi).
6. Luôn cảm thấy lo lắng
Viêm khớp dạng thấp có thể gây đau đớn và quá trình điều trị luôn đầy thử thách cho người bệnh. Đôi khi bạn cảm thấy buồn chán và lo lắng về điều đó là điều bình thường. Nhưng nếu bạn bắt đầu cảm thấy chán nản, chẳng hạn như muốn từ chối điều trị và bạn không thích những thứ mình từng thích hay có những suy nghĩ tiêu cực. Hãy nói với bác sĩ có thể được biện pháp can thiệp và cảm thấy tốt hơn.
Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia tư vấn về "liệu pháp trò chuyện" và kê đơn thuốc chống trầm cảm nếu cần. Bạn cũng có thể muốn tham gia một nhóm hỗ trợ cho những người bị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như những nhóm người bệnh mắc viêm khớp dạng thấp để tạo một cộng đồng cùng chia sẻ những khó khăn với nhau. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và phòng ngừa bệnh trầm cảm.
Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn và người bệnh cần phải kiên trì trong quá trình điều trị. Tuy nhiên nhiều người thường mắc sai lầm về viêm khớp dạng thấp dẫn tới hiệu quả điều trị không cao thậm chí làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị cũng như thăm khám định kỳ thường xuyên và luôn sống tích cực để đẩy lùi bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:.cdc.gov, webmd.com, healthline.com