Đường là tên của carbohydrate có vị ngọt mà cơ thể có thể chuyển đổi thành năng lượng. Rượu đường cũng có vị ngọt nhưng hai loại đường này có cấu trúc hóa học khác nhau. Mặc dù hai loại đường này được sử dụng tương tự nhau, nhưng chúng có tác động khác nhau đối với tiêu hóa, đường huyết và sức khỏe răng miệng.
1. Đường là gì?
Đường là loại carbs có vị ngọt. Ở cấp độ hóa học, chúng bao gồm các nguyên tử carbon, hydro và oxy. Trong tự nhiên, đường ngọt được tìm thấy trong thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa hay đường cũng như thêm vào thực phẩm chế biến sẵn.
Các loại đường đơn có thể được chia thành hai loại chính gồm monosaccharide và disacarit. Monosaccharide là loại đường đơn giản nhất và chỉ chứa một loại phân tử đường. Glucose cũng là loại đường đơn giản nhất và là nguồn năng lượng ưa thích của cơ thể, đường được đo trong xét nghiệm lượng đường trong máu. Các monosaccharide khác gồm fructose và galactose sẽ được chuyển hóa thành glucose.
Disaccharides được tạo thành từ hai loại đường monosaccharide liên kết với nhau, chúng phải được tách ra để được tiêu hóa. Các disaccharides phổ biến nhất là sucrose, còn được gọi là đường cát (table sugar) được tạo thành từ một phân tử glucose và fructose. Trong khi đó, đường sữa được tìm thấy trong sữa được tạo thành từ một phân tử chứa glucose và galactose, và maltose được tạo thành từ hai phân tử glucose.
2. Rượu đường là gì?
Rượu đường (tên tiếng Anh là sugar alcohols) còn được gọi là polyol, là một loại carbohydrate có cấu trúc giống như đường và rượu. Tuy nhiên, rượu đường không chứa ethanol và do đó chúng an toàn cho những người không thích uống rượu.
Rượu đường có thể kích hoạt các thụ thể ngọt trên lưỡi của bạn và có tác dụng làm mát. Rượu đường không được hấp thụ hoặc tiêu hóa hiệu quả như đường thông thường và chúng chứa ít calo hơn. Chúng được tìm thấy trong tự nhiên ở một số loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như mận, dâu tây và bơ.
Rượu đường thường được sử dụng làm chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp trong kẹo hoặc kẹo cao su không đường, làm phụ gia thực phẩm trong thực phẩm chế biến sẵn, trong kem đánh răng, một số loại thuốc và thuốc nhuận tràng.
Các loại rượu đường phổ biến bao gồm xylitol, erythritol, sorbitol, maltitol, mannitol, isomalt, và lactitol.
3. Sự khác biệt giữa đường và rượu đường là gì?
Đường và rượu đường khác nhau đáng kể về độ ngọt, hàm lượng calo và khả năng tiêu hóa, cũng như tác dụng của chúng đối với lượng đường trong máu và sức khỏe răng miệng.
- Calo và độ ngọt
Rượu đường chứa ít calo hơn so với đường thông thường. Trung bình, rượu đường cung cấp khoảng 2 calo mỗi gram, so với 4 calo mỗi gram được cung cấp bởi đường. Ngoài ra, rượu đường thường ít ngọt hơn một chút, cung cấp khoảng 25-100% độ ngọt của đường cát. Lactitol là ít ngọt nhất và xylitol lại ngọt như sucrose.
Sử dụng nhiều đường có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh viêm nhiễm.
Do đó, rượu đường có thể giúp giảm lượng đường bằng cách cung cấp một lượng thay thế với calo thấp hơn so với đường mà vẫn mang lại hương vị ngọt.
- Tiêu hóa
Đường được tiêu hóa ở ruột non và được vận chuyển vào máu để tiếp tục được chuyển hóa hoặc sử dụng làm năng lượng. Ngược lại, cơ thể bạn không tiêu hóa rượu đường một cách hiệu quả. Ngoại trừ erythritol, được hấp thu tốt nhưng không bị chuyển hóa, nó đào thải qua nước tiểu gần như nguyên vẹn.
Tuy nhiên, hầu hết các rượu đường đều đi qua ruột già, nơi chúng được lên men bởi vi khuẩn đường ruột. Nếu ăn quá nhiều đường rượu có thể gây đầy hơi, đau dạ dày và tiêu chảy, đặc biệt ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
Các khuyến nghị chỉ ra rằng liều lượng vừa phải khoảng 10-15 gram rượu đường mỗi ngày thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, những người nhạy cảm có thể cần tránh các loại rượu đường, đặc biệt là sorbitol và maltitol, hoặc giảm lượng ăn vào để tránh các triệu chứng khó chịu.
- Ảnh hưởng đến lượng đường trong máu
Khi ăn đường, chúng được chia cắt thành dạng đường đơn và hấp thụ vào máu, gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu. Sau đó, insulin vận chuyển đường vào các tế bào cơ thể để chuyển thành năng lượng hoặc được dự trữ.
Chỉ số đường huyết (GI) đo lường mức độ nhanh chóng của một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu của bạn. Glucose có GI là 100, trong khi sucrose có GI là 60, nghĩa là cả hai loại đường này đều có GI cao.
Do rượu đường không được hấp thụ một cách hiệu quả, nên chúng ít ảnh hưởng nhiều lên lượng đường trong máu của bạn và do đó GI thấp hơn, với các giá trị GI nằm trong khoảng từ 0-36.
Vì vậy, rượu đường có thể là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa.
- Sâu răng
Đường được lên men bởi vi khuẩn trong miệng của bạn, có thể tạo ra axit làm hỏng men răng và làm tăng nguy cơ sâu răng. Rượu đường không góp phần gây sâu răng, vì vi khuẩn trong miệng của bạn không thể lên men chúng.
Trên thực tế, xylitol và erythritol thậm chí có thể giúp ngăn ngừa sâu răng, đó là lý do tại sao nó thường được sử dụng trong kem đánh răng và kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su không đường
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com