Hút thuốc khi viêm khớp dạng thấp là một trong những thói quen xấu có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, đồng thời gây ra nhiều biến chứng khó lường mà mọi người thường xem nhẹ và bỏ qua cho đến khi biến chứng nặng bắt đầu xuất hiện.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thuốc lá và bia rượu: Những nguy cơ tiềm ẩn
Hút thuốc lá từ lâu đã được coi là một thói quen không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc viêm khớp dạng thấp. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến tim và phổi mà còn gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, các bệnh tim mạch khác và đặc biệt là ung thư phổi. Ngoài ra, hút thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm khớp và ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị.
Việc uống bia, rượu hoặc cocktail không gây ra nhiều hậu quả như hút thuốc lá nhưng vẫn cần chú ý đến lượng tiêu thụ. Đối với những người mắc viêm khớp dạng thấp, thỉnh thoảng uống một ly có thể không gây hại nhưng lạm dụng có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe và triệu chứng bệnh. Quan trọng là phải kiểm soát mức độ uống để tránh gây ra vấn đề cho cơ thể.
2. Hút thuốc khi viêm khớp dạng thấp tiềm ẩn những nguy cơ khó lường
2.1. Mối liên hệ giữa thuốc lá và viêm khớp dạng thấp
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp (RA) ngay cả khi người bệnh không nghiện thuốc lá nặng. Đối với những người đã mắc bệnh, hút thuốc sẽ làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn vì hút thuốc làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, khiến hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh, đặc biệt là màng hoạt dịch ở khớp.
Khói thuốc lá chứa nhiều chất gây hại như các gốc tự do, có thể gây căng thẳng cho cơ thể và dẫn đến viêm. Những người hút thuốc thường có mức cytokine (protein gây viêm) cao hơn so với những người không hút, góp phần làm tổn thương khớp và các cơ quan khác có liên quan đến viêm khớp dạng thấp.
Hơn nữa, khói thuốc lá có thể kích thích cơ thể sản xuất kháng thể anti-CCP khiến tình trạng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những người mang gen HLA-DRB1 (Phức hợp Kháng nguyên Bạch cầu Người).
2.2. Hút thuốc khi viêm khớp dạng thấp khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn
Người hút thuốc mắc viêm khớp dạng thấp thường có tình trạng bệnh diễn ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn so với những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc đã cai thuốc. Khi bệnh diễn ra, người bệnh có thể gặp tình trạng sưng và đau khớp cũng như có dấu hiệu viêm cao trong máu. Nếu không được điều trị, các khớp sẽ ngày càng căng cứng và dễ hư và có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế khớp.
2.3. Hút thuốc ảnh hưởng đến một số loại thuốc điều trị viêm khớp
Người hút thuốc khi viêm khớp dạng thấp thường sẽ không đáp ứng tốt với nhiều phương pháp điều trị bệnh, đặc biệt là các loại thuốc giảm viêm, kháng viêm. Thậm chí các triệu chứng liên quan còn trở nên nghiêm trọng hơn vì thuốc uống không còn tác dụng.
2.4. Những biến chứng khi người bệnh viêm khớp dạng thấp hút thuốc lá
Tình trạng viêm có thể gây ra bệnh tim và những người mắc viêm khớp dạng thấp sẽ có nhiều khả năng xảy ra biến chứng tương tự, đặc biệt là khi có thói quen hút thuốc. Người hút thuốc khi viêm khớp dạng thấp tốt nhất là nên tìm bác sĩ chuyên khoa để có những lời khuyên để từ bỏ thói quen không tốt cho sức khỏe này.
3. Mối liên hệ giữa bia rượu và viêm khớp dạng thấp
Khác với thuốc lá, việc uống rượu bia hoặc cocktail có thể có tác động nhất định đối với người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng điều quan trọng là kiểm soát mức độ uống hàng ngày hoặc hàng tuần.
\Một số nghiên cứu cho thấy, uống rượu vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và thậm chí giảm nguy cơ tử vong. Điều này cũng đúng đối với những người đang sử dụng Methotrexate - một loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ rượu khi đang điều trị.
3.1. Một số ảnh hưởng của bia rượu với thuốc
Nếu đang sử dụng một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp như Leflunomide, tốt hơn hết là người bệnh không nên uống rượu. Ngoài ra, việc uống rượu khi đang dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen, Ibuprofen hoặc Naproxen Sodium có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan hoặc dạ dày. Do đó, người bệnh nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp rượu với các loại thuốc này.
3.2. Rượu và bệnh viêm
Một lượng rượu nhẹ đến vừa phải có thể giúp giảm mức độ của một số cytokine gây viêm nhưng uống rượu nặng sẽ làm tăng nguy cơ viêm. Nếu tiêu thụ quá nhiều rượu có thể dẫn đến một số loại ung thư hoặc bệnh tiểu đường.
Nhìn chung, uống rượu không phải là biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Nếu mắc bệnh này, cách tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh, tránh rượu bia và thuốc lá, đồng thời bảo vệ khớp bằng cách tuân thủ kế hoạch điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.