Bài viết bởi ThS. Nguyễn Đắc Tú, Trưởng nhóm Đánh giá Chất lượng Sản phẩm và ThS. Phạm Thị Thanh, Chuyên viên Đánh giá Chất lượng Sản phẩm - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Huyết tương giàu tiểu cầu đã được ứng điều trị nhiều bệnh lý, trong đó có các bệnh cơ xương khớp. Với lợi thế không xâm lấn, không để lại biến chứng, đồng thời đem lại hiệu quả nhanh chóng thì việc điều trị viêm khớp dạng thấp bằng liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đang được nhiều y bác sĩ chọn lựa.
1. Bệnh viêm khớp là căn bệnh như thế nào?
Viêm khớp là thuật ngữ chung của tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của khớp. Triệu chứng đau tại khớp và những hạn chế khả năng vận động của khớp gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Hai loại viêm khớp thường gặp nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
- Viêm xương khớp (Osteoarthritis – OA) là loại viêm khớp phổ biến nhất, xuất hiện các tổn thương tại sụn khớp – là phần mô bao bọc các đầu xương, làm giảm ma sát để các xương trượt lên nhau trơn tru. Khi bị viêm xương khớp thì các khớp khó chuyển động, biến dạng, thậm chí các xương còn lệch khỏi vị trí.
- Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis – RA) hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, xuất hiện ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp bị phá hủy, phần xương dưới sụn cũng bị bào mòn khiến cho các khớp bị hủy hoại và dần mất đi khả năng vận động.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mãn tính do sự rối loạn tự miễn trong cơ thể và xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra chủ yếu ở khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Không giống như tổn thương viêm xương khớp thông thường, viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến niêm mạc khớp dẫn đến tình trạng sưng đau, hao mòn xương và biến dạng khớp. Bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt như cầm viết, mở nắp lọ, cầm vác đồ vật, mặc quần áo, ... Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 30-60 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2-3 lần.
Viêm khớp dạng thấp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ở mức độ nhẹ, bệnh gây đau nhức, hạn chế khả năng vận động còn nặng hơn có thể gây tổn thương đến thần kinh ngoại biên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, teo cơ hoặc thậm chí tàn phế vĩnh viễn.
XEM THÊM: Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị viêm khớp dạng thấp
3. Điều trị viêm khớp dạng thấp
Tùy thuộc vào mức độ của bệnh và tình trạng của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị viêm khớp phù hợp. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị viêm khớp chính đang được sử dụng: sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Tiêm corticosteroid để làm giảm sưng đau sụn khớp nhưng gây tác dụng phụ như: loãng xương, tiểu đường. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp được đề xuất nhằm giảm sưng đau hiệu quả giúp giảm thiểu sử dụng thuốc Corticosteroid hay phẫu thuật can thiệp. Trong đó, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào vùng sụn khớp bị tổn thương là một liệu pháp tiềm năng. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy PRP có hiệu quả giảm sưng, đau và cải thiện chức năng vận động cho các bệnh nhân bị tổn thương cơ, gân, dây chằng và những bệnh liên quan đến viêm xương khớp.
4. Huyết tương giàu tiểu cầu – liệu pháp điều trị tiềm năng
Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet rich plasma – PRP) là sản phẩm của máu tự thân có chứa lượng tiểu cầu cao hơn nhiều lần lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi. Hạt alpha trong tiểu cầu chứa một lượng lớn các protein, các nhân tố tăng trưởng quan trọng tham gia vào nhiều quá trình quan trọng như: đông máu, chữa lành vết thương, tái tạo mô. Các nghiên cứu in vitro, in vivo đã chứng minh rằng PRP giúp hồi phục hình thái và các vi cấu trúc sụn khớp thông qua sự tác động của nó lên quá trình tăng sinh và biệt hóa của tế bào màng hoạt dịch và ức chế các yếu tố gây viêm tại sụn khớp [7,8].
Các nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra rằng điều trị viêm khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, nhiều bệnh lý xương khớp khác khi được điều trị bằng PRP cũng có hiệu quả tích cực như: viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, các dạng viêm gân (viêm gân Achilles, viêm cân gan chân, viêm gân bánh chè), đứt gãy dây chằng, thoái hóa khớp gối [6]. Nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy PRP giúp cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp: giảm viêm, giảm sưng đau, tái tạo sụn khớp và cải thiện chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các nghiên cứu trên mô hình động vật đều chỉ ra rằng PRP có hiệu quả làm giảm viêm, giảm phá hủy cấu trúc sụn khớp, đồng thời kích thích quá trình tái tạo và chữa lành tổn thương sụn khớp. Nghiên cứu lâm sàng của Badsha và cộng sự [1] về trường hợp của 4 bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp đã được điều trị bằng tiêm steroids, nhưng không đáp ứng điều trị hoặc đáp ứng không đủ khiến cơn đau vẫn dai dẳng và gây ra viêm. Sau khi tiêm PRP và theo dõi ở 4 và 8 tuần, tất cả bệnh nhân đều giảm hẳn triệu chứng sưng đau, quan sát qua hình ảnh siêu âm không còn tình trạng viêm màng hoạt dịch tại sụn khớp. Hơn nữa, chức năng vận động của cổ tay hay các đầu gối cũng dễ dàng hơn và không có biến chứng nào xảy ra.
Viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là một trong những dạng bệnh thấp khớp phổ biến, bệnh thường gặp ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ, đặc biệt thường là các vận động viên lớn tuổi, vận động viên điền kinh. Nếu như không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh trở thành mãn tính, đau dai dẳng gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống. Tiêm NSAID, corticosteroid giúp giảm đau, kháng viêm nhưng không điều trị dứt điểm, thậm chí cần phẫu thuật can thiệp nếu bệnh nghiêm trọng. Tiêm corticosteroid với một lượng lớn và kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: đứt gãy phần mô liên kết của bàn chân, teo mô mỡ, bệnh sẽ phụ thuộc vào thuốc [2,3].
Tiêm PRP tại vùng xương khớp bị tổn thương, đặc biệt trong viêm cân gan chân đã được xem như là một liệu pháp điều trị hiệu quả. Các nghiên cứu đánh giá của Ling [4] hay Peerbooms [5] so sánh hiệu quả điều trị viêm cân gan chân giữa PRP và tiêm steroid cho thấy, PRP giúp giảm sưng đau và cải thiện chức năng vận động tốt hơn tiêm steroid. Hơn nữa, không có biến chứng nào xảy ra, thời gian điều trị được rút ngắn nên giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống lao động hay chơi thể thao nhanh hơn.
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu là một trong những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, bởi nó là sản phẩm của máu tự thân nên giảm thiểu được các nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B,C) và không gây đáp ứng miễn dịch. Đặc biệt, PRP là phương pháp điều trị không xâm lấn, nhiều nghiên cứu chứng minh PRP giảm thiểu tối đa xuất hiện các biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị. Hơn nữa, quá trình phân tách PRP rất đơn giản, dễ thực hiện nên chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp điều trị xương khớp khác. Do đó, PRP đang dần trở thành liệu pháp hiệu quả trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – Đơn vị hàng đầu ứng dụng dùng liệu pháp điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp, đồng thời họ cũng là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị các bệnh lý viêm xương khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Trong giai đoạn 2018 – 2020, Vinmec đã thực hiện điều trị bằng PRP cho gần 1000 trường hợp, với kết quả hài lòng khách hàng sau điều trị đạt hơn 90%. Sản phẩm PRP tại Vinmec được điều chế trong hệ thống phòng sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 14644-1, quy trình điều chế sử dụng hệ thống máy móc hiện đại được sản xuất theo quy trình ISO 13485, kit PRP đạt tiêu chuẩn CE - IVD. Vì thế, có thể khẳng định liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu đang được cung cấp bởi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là sản phẩm có tính an toàn và hiệu quả tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Badsha H, Harifi G, et al (2020). Platelet rich plasma for treatment of Rheumatoid Arthritis: Case series and review of literature. Case Reports in Rheumatology. 8761485
- Ogden J.A, Alvarez R.G, et al (2002). Shockware therapy for chronic proximal plantar fasciitis: a meta-analysis. Foot Ankle Int. 23, 301-308.
- Neufeld S.K, Cerrato R, et al (2008). Plantar fasciitis: evaluation and treatment. J Am Acad Orthop Surg. 16, 338-346.
- Ling Y, et al (2018). Effects of platelet rich plasma in the treatment of plantar fasciitis. Medicine. 97(37), e12110.
- Peerboom J.C, et al (2010). Use of platelet rich plasma to treat plantar fasciitis design of a multi centre randomized controlled trial. BMC Musculoskeletal Disorders, 69.
- Lauren H.R, Scott A, et al (2011). Platelet rich plasma therapy: a systematic literature review and evidence for clinical use. The Physician and sportmedicine. 39(1), 42-51.
- Tong S, Zhang C, et al (2017). Platelet rich plasma exhibits beneficial effects for rheumatoid arthritis mice by suppressing inflammatory factors. Molecular Medicine Reports. 16(4), 4082-4088.
- Tong S, et al (2017). Platelet rich plasma inhibits inflammatory factors and represses rheumatoid fibroblast-like synoviocytes in rheumatoid arthritis. Clinical and Experimental Medicine. 17(4), 441-449.