Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán

Viêm đường tiết niệu sau sinh là tình trạng thường gặp, khoảng 4,6% phụ nữ sinh mổ và 3,5% phụ nữ sinh thường mắc phải. Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh lý này đến sức khỏe của mẹ và bé, việc hiểu rõ về các phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu một cách hiệu quả là vô cùng cần thiết, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Quốc Tuấn - Bác sĩ Nội thận lọc máu - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Viêm đường tiết niệu sau sinh là gì?  

Viêm đường tiết niệu, hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến các bộ phận của hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản và bàng quang, thường gặp nhất là do vi khuẩn E.Coli gây ra.

Thông thường, tình trạng nhiễm trùng tiểu bắt đầu từ đường tiết niệu dưới, tức là bàng quangniệu đạo. Sau đó, vi khuẩn có thể di chuyển theo niệu đạo lên các bộ phận trên như thận, gây ra viêm thận cấp tính hoặc mãn tính. Do đặc điểm cấu tạo niệu đạo ngắn, phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới.

Viêm đường tiết niệu sau sinh là một tình trạng thường gặp trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh nở. Quá trình sinh mổ do tính chất phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu so với phương pháp sinh thường (phương pháp giúp phụ nữ sinh con qua đường âm đạo). 

Viêm đường tiết niệu sau sinh là một tình trạng thường gặp trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh nở.
Viêm đường tiết niệu sau sinh là một tình trạng thường gặp trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh nở.

2. Nguyên nhân gây viêm tiết niệu sau sinh

Nguyên nhân gây viêm tiết niệu sau sinh được các chuyên gia chỉ ra rằng do các yếu tố sau:

  • Trong quá trình chuyển dạ, các cơ sàn chậu, dây chằng, dây thần kinh và cơ bụng dưới hoạt động quá mức dẫn đến chấn thương khiến chức năng của những bộ phận này bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào đường tiết niệu gây nhiễm trùng.
  • Quá trình mang thai và sinh nở cũng làm suy giảm khả năng co bóp của bàng quang, gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu. Sự ứ đọng này làm cho nước tiểu có thể bị trào ngược lên niệu quản và tồn đọng lâu ở khu vực này, tăng khả năng vi khuẩn phát triển, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu trong quá trình mang thai.
  • Khi sinh con qua đường âm đạo gây áp lực lên bàng quang, dẫn đến tình trạng tê liệt tạm thời của bàng quang. Nếu quá trình sinh diễn ra bằng phương pháp mổ và có sử dụng thuốc gây mê, điều này cũng ảnh hưởng đến sự linh hoạt của bàng quang. Hơn nữa, tình trạng sưng và đau ở vùng tầng sinh môn cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng bài tiết, làm tăng nguy cơ viêm đường tiểu.
  • Nếu trong quá trình sinh, thai phụ được đặt ống thông tiểu, sự ma sát hay trầy xước do ống thông có thể gây nhiễm trùng, nhất là khi khu vực này thường xuyên tiếp xúc với nước tiểu và vi khuẩn từ hậu môn.

Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý như sợ đau hoặc kiêng cữ sau sinh có thể làm hạn chế việc tắm rửa và vệ sinh cá nhân thường xuyên, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn.

3. Triệu chứng viêm đường tiết niệu sau sinh

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu sau sinh thường bao gồm:

  • Cảm giác đau rát và buốt khi tiểu.
  • Đau âm ỉ và cảm giác nặng ở vùng bụng dưới.
  • Cảm giác buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu thải ra lại rất ít.
  • Nước tiểu màu đục hoặc có mùi hôi.

Sau sinh, những triệu chứng như đau rát khi đi tiểu khá phổ biến và thường biến mất trong thời gian ngắn mà không để lại hậu quả lâu dài. Đối với những sản phụ sinh qua đường âm đạo, tình trạng đau buốt có thể xuất hiện do vết rách ở tầng sinh môn hoặc do việc chậm phục hồi ở vùng đáy chậu.

Tình trạng này thường sẽ được cải thiện sau khoảng 2 tuần, khi vết thương lành lại và sức khỏe dần ổn định hơn. Đối với những sản phụ sinh mổ, cơn đau ở đường tiểu thường liên quan đến việc đặt ống thông tiểu và cũng sẽ biến mất sau một vài ngày rút ống. 

Nếu các triệu chứng không thuyên thảm, sản phụ cần đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được kiểm tra và điều trị.
Nếu các triệu chứng không thuyên thảm, sản phụ cần đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được kiểm tra và điều trị.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng đau rát và rối loạn tiểu tiện không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu trầm trọng hơn như sốt, ớn lạnh, đau lưng dưới hoặc đau một bên lưng, buồn nôn, nôn mửa hoặc nước tiểu có lẫn máu, sản phụ cần đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được kiểm tra và điều trị, tránh để tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

4. Chẩn đoán viêm đường tiết niệu sau sinh

Trước khi tiến hành điều trị viêm đường tiết niệu sau sinh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định cho sản phụ thực hiện các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh như sau để xác định nguyên nhân và mức độ nhiễm trùng:

  • Phân tích mẫu nước tiểu: Quá trình này bao gồm việc lấy mẫu nước tiểu để tìm kiếm các dấu hiệu của viêm nhiễm như tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn, từ đó giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh.
  • Nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm: Xét nghiệm này giúp bác sĩ lựa chọn được loại thuốc điều trị phù hợp thông qua việc xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện những bất thường trong cấu trúc thông qua kiểm tra đường tiết niệu.
  • Nội soi bàng quang: Phương pháp nội soi được tiến hành đối với những trường hợp thường xuyên nhiễm trùng để kiểm tra và đánh giá mức độ nhiễm trùng hoặc lấy mẫu mô, nước tiểu cho việc khảo sát chuyên sâu hơn. 
Quá trình này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Quá trình này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Viêm đường tiết niệu sau sinh là một tình trạng phổ biến, tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Khi xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm đường tiểu, hãy nhanh chóng đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe