Viêm đường tiết niệu uống nước gì để sớm khỏe lại và kiêng nước gì để giảm bớt các triệu chứng bệnh là một chủ đề rất được quan tâm, đặc biệt khi Việt Nam có khá nhiều loại thảo dược khác nhau mà chúng ta có thể dùng để nấu nước uống, bồi bổ sức khỏe bản thân. Hãy theo dõi bài viêt dưới đây để biết rõ hơn về những thức uống phù hợp cho người bị viêm đường tiết niệu.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiết niệu là căn bệnh cực kỳ khó chịu đối với người bệnh. Nó không chỉ gây khó khăn cho quá trình sinh hoạt, mà còn có nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Nếu để lâu hoặc không có liệu trình điều trị hiệu quả, người bệnh hoàn toàn có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như vô sinh, sinh non, sảy thai. Thậm chí, trường hợp mẹ bị viêm đường tiết niệu có thể khiến con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đường tiết niệu là:
- Tiểu ra máu.
- Sốt cao.
- Nước tiểu có màu đục và khai nồng.
- Đau thắt lưng.
- Tiểu nhiều lần, thường bị đau bụng dưới mỗi khi đi tiểu.
- Thường xuyên buồn tiểu dù không uống nhiều nước hơn bình thường.
Chính vì những tác hại nghiêm trọng mà người bệnh viêm đường tiết niệu cần liên hệ bác sĩ để có một phác đồ điều trị thích hợp. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo yêu cầu, một trong những điều mà người bệnh quan tâm nhất là viêm đường tiết niệu uống nước gì, ăn món gì để có thể hỗ trợ phục hồi sức khỏe.
2. Người bị viêm đường tiết niệu uống nước gì để mau khỏi?
Đối với bệnh viêm đường tiết niệu, lựa chọn thức uống thích hợp cũng khá quan trọng. Hầu hết chúng đều cần có tác dụng lợi tiểu, giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, giúp việc điều trị thêm hiệu quả.
2.1. Nước dừa, mía đỏ
Có thể trộn nước dừa với nước mía đỏ lại với nhau, khuấy đều và chia ra uống trong ngày.
2.2. Nước đậu xanh đường phèn
Là một thức uống dễ làm tại nhà, người bệnh chỉ cần khoảng 100g đậu xanh, vo sạch, cho vào nồi đun kỹ. Sau khi chắt lấy nước đặc thì thêm vào khoảng 20g đường phèn rồi khuấy đều. Nên chia ra uống trong ngày thay vì uống hết trong một lần.
2.3. Nước râu ngô
Lấy khoảng 50g râu ngô đem đi rửa sạch, có thể nấu chung với lá bông mã đề khoảng 30g. Đun sôi kỹ rồi thêm 20g đường trắng, khuấy đều và chia ra uống trong ngày. Lá bông mã đề cũng có thể đun nước uống riêng.
2.4. Nước rễ cỏ tranh
Lấy 20g rễ cỏ tranh đem đi rửa sạch, có thể cắt nhỏ vỏ quả dưa hấu và mía đỏ để nấu chung, hoặc nấu riêng rễ cỏ tranh. Sau khi đun sôi kỹ thì chắt lấy nước để uống trong ngày.
2.5. Nước giá đậu xanh
Ngoài đậu xanh, có thể dùng giá đậu xanh (giá đỗ) để nấu chung với lá bông mã đề. Sau khi ép lấy nước thì cho thêm đường phèn vào khuấy đều, chia ra uống trong ngày.
2.6. Nước rau dền
Thường được kết hợp với lá bông mã đề và cam thảo đất, đem toàn bộ đi rửa sạch, ép lọc lấy nước rồi uống trong ngày.
2.7. Nước rau má
Thường được dùng riêng hoặc kết hợp với mía đỏ. Chỉ cần nhặt kỹ rau má, rửa sạch xong xay nhỏ. Ép mía lấy nước rồi trộn với nước rau má, chia uống trong ngày.
3. Những thức uống nên tránh khi bị viêm đường tiết niệu
Bên cạnh việc viêm đường tiết niệu uống nước gì thì sẽ có các loại đồ uống cần phải tránh nếu muốn quá trình điều trị diễn ra hiệu quả nhất.
3.1. Rượu
Rượu và các đồ uống có cồn sẽ tạo ra lượng nước tiểu lớn, gây áp lực cho bàng quang, từ đó dẫn đến suy yếu cơ xương chậu. Do đó, cố gắng hạn chế các loại bia rượu trong quá trình điều trị.
3.2. Cà phê
Là thức uống phổ biến mỗi sáng, nhưng caffeine có khả năng làm bàng quang bị kích thích, hoạt động nhiều làm nghiêm trọng thêm tình trạng viêm đường tiết niệu. Đặc biệt những người có thói quen uống trên 2 ly cà phê mỗi ngày sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
3.3. Nước ngọt không Calo
Cho dù được quảng bá như thế nào đi nữa thì loại nước ngọt hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với người đang mắc viêm đường tiết niệu. Lý do là vì nó có hàm lượng chất tạo ngọt công nghiệp cực kì lớn và có cả Caffeine trong đó. Sự kết hợp này sẽ càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nữa.
4. Những lưu ý khác khi bị viêm đường tiết niệu
Để tiến trình điều trị thêm hiệu quả, ngoài việc lập danh sách viêm đường tiết niệu uống nước gì và kiêng uống gì, người bệnh cũng cần lưu ý đến các món ăn và lối sống, sinh hoạt hàng ngày.
- Không ăn Chocolate vì có Caffeine gây kích thích bàng quang.
- Tránh đồ cay nóng vì nó cũng gây kích thích bàng quang, có thể lựa chọn những thảo mộc mang vị cay lành tính như hương thảo, húng tây thay cho hạt tiêu, ớt, sa tế,… trong quá trình nấu nướng.
- Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước canh hoặc nước ép hoa quả để giúp thanh lọc đường tiểu. Nên uống trên 2 lít nước mỗi ngày.
- Không cố gắng nhịn tiểu quá lâu.
- Trong quá trình điều trị bệnh viêm đường tiết niệu, đặc biệt tránh quan hệ tình dục vì điều này có thể khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đối với phụ nữ, nên vệ sinh vùng kín thường xuyên và đúng cách. Sau khi đại tiện xong nên lau theo hướng từ trước ra sau, như vậy sẽ tránh được tình trạng vi khuẩn từ hậu môn thâm nhập vào niệu đạo; Không rửa mạnh và quá sâu vào trong âm đạo; Lựa chọn các loại quần lót có chất liệu thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
- Nếu đang trong quá trình dùng thuốc tránh thai, người mắc bệnh viêm đường tiết niệu cần lưu ý về những loại thuốc có thành phần tương tác với thuốc kháng sinh. Suốt quá trình tái khám, người bệnh nên trao đổi thông tin đầy đủ với bác sĩ để có thể thay đổi phác đồ điều trị cho phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.