Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu có nguy hiểm không? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng bất thường này. Triệu chứng tiểu ra máu không chỉ gây lo lắng mà còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng, sỏi thận hay thậm chí ung thư. Việc hiểu rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCKII Nguyễn Mạnh Hải - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Viêm đường tiết niệu là gì?
Trước giải đáp thắc mắc viêm đường tiết niệu tiểu ra máu có nguy hiểm không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) bao gồm hai nhóm chính: nhiễm trùng đường tiết niệu trên (như viêm thận bể thận) và nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (bao gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm tuyến tiền liệt).
Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, việc xác định chính xác vị trí giải phẫu nhiễm trùng thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở trẻ em. Hơn nữa, do nhiễm trùng thường lây lan giữa các vị trí trong hệ tiết niệu, thuật ngữ viêm nhiễm đường tiết niệu thường được sử dụng để mô tả chung tình trạng này.
Mặc dù các bệnh như viêm niệu đạo và viêm tuyến tiền liệt cũng thuộc nhóm nhiễm khuẩn liên quan đến đường tiết niệu, thuật ngữ nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu được sử dụng để chỉ viêm thận bể thận và viêm bàng quang. Vậy tại sao bị viêm đường tiết niệu?

2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là một vấn đề y khoa xảy ra khi các cơ quan trong hệ tiết niệu, bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Đây một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra do nhiều tác nhân vi sinh gây ra, bao gồm vi khuẩn, nấm và virus. Các tác nhân gây bệnh thường gặp bao gồm: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella spp, Chlamydia trachomatis, Mycoplasma genitalium, Candida,...
Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, tình trạng này có thể mang lại nhiều khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một triệu chứng thường gặp của viêm đường tiết niệu là hiện tượng tiểu ra máu. Triệu chứng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm trong hệ tiết niệu và dẫn đến rỉ máu vào nước tiểu. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới, chủ yếu do đặc điểm cấu tạo của hệ tiết niệu.
3. Dấu hiệu của viêm đường tiết niệu
Khi xuất hiện dấu hiệu viêm đường tiết niệu kèm theo tiểu ra máu, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, vì đây là biểu hiện nghiêm trọng, cảnh báo tình trạng bệnh lý đường tiết niệu đáng lo ngại.
Ngoài ra, một số triệu chứng phổ biến khác của viêm đường tiết niệu bao gồm: tiểu rắt, cảm giác liên tục muốn đi tiểu dù vừa mới đi xong. Người bệnh cũng có thể gặp phải các biểu hiện như: đau rát ở vùng niệu đạo, nước tiểu có màu đục hoặc mùi hôi khó chịu, đau nhức quanh vùng chậu, lưng hoặc hai bên hông.
Trong những trường hợp nặng hơn, các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, sốt cao, rét run có thể xuất hiện. Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh đang tiến triển nặng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
4. Viêm đường tiết niệu tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Viêm đường tiết niệu ra máu là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt ở phụ nữ. Khi đường tiết niệu bị nhiễm trùng, niêm mạc có thể bị tổn thương, mưng mủ, gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, bao gồm:
4.1 Biến chứng sức khỏe
- Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn có thể xâm nhập sâu hơn, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong hệ tiết niệu, đặc biệt là thận, dẫn đến viêm thận hoặc suy thận.
- Nhiễm trùng máu: Khi vi khuẩn từ đường tiết niệu lan vào máu, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như sốt, ớn lạnh, buồn nôn. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
4.2 Biến chứng sinh sản
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Phụ nữ bị viêm đường tiết niệu kéo dài có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây khó khăn trong việc thụ thai.
- Nguy cơ trong thai kỳ: Với phụ nữ mang thai, viêm đường tiết niệu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi, bao gồm nguy cơ sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh.

4.3 Ảnh hưởng đối với sức khỏe nam giới
Ở nam giới, viêm đường tiết niệu có thể gây hẹp niệu đạo, dẫn đến khó khăn trong việc đi tiểu và gây đau đớn. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.
5. Các phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu tiểu ra máu
Sau khi được chẩn đoán viêm đường tiết niệu có triệu chứng tiểu ra máu, kháng sinh thường là phương pháp điều trị chính được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn.
Đối với các trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc sát khuẩn phù hợp. Thời gian điều trị thông thường kéo dài khoảng một tuần và cần được theo dõi chặt chẽ để đánh giá hiệu quả của thuốc. Nếu các triệu chứng không giảm bớt, người bệnh cần quay lại cơ sở y tế để tái khám, giúp bác sĩ xác định chẩn đoán bổ sung và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Trong trường hợp bệnh đã được điều trị nhưng tái phát, thời gian điều trị có thể phải kéo dài hơn, thường từ 10 ngày trở lên.
Nếu viêm đường tiết niệu kèm theo triệu chứng chảy máu do quan hệ tình dục, người bệnh cần kết hợp điều trị bằng kháng sinh với việc kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp dự phòng và điều trị cho bạn đời để tránh lây nhiễm.
Đối với những người đã khỏi bệnh nhưng mong muốn phòng ngừa tái phát, bác sĩ có thể chỉ định duy trì điều trị bằng thuốc trong vòng một tháng với liều lượng phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường uống nhiều nước để hỗ trợ thanh lọc và bảo vệ hệ tiết niệu.
Trong trường hợp viêm đường tiết niệu tiến triển nghiêm trọng, kèm theo các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị các biến chứng. Sau khi tình trạng ổn định, việc điều trị viêm đường tiết niệu sẽ tiếp tục được thực hiện bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

6. Ngăn ngừa viêm đường tiết niệu tái phát
Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu tái phát, người bệnh nên duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:
- Uống đủ nước: Hàng ngày, nên uống từ 1,5 đến 2,5 lít nước tùy theo nhu cầu cơ thể. Việc uống đủ nước giúp làm sạch đường tiết niệu và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, đồng thời giảm nguy cơ tắc nghẽn.
- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Đặc biệt chú trọng vệ sinh vùng sinh dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh phù hợp.
- Không nhịn tiểu: Thói quen nhịn tiểu lâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong bàng quang, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi, hạn chế các loại thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh hoặc các chất kích thích như rượu bia, cà phê.
- Khám định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe đường tiết niệu để phát hiện sớm các bất thường và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Như vậy bài viết trên cũng đã giải đáp câu hỏi viêm đường tiết niệu tiểu ra máu có nguy hiểm không cũng như các biện pháp điều trị, phòng ngừa bệnh. Tóm lại, viêm đường tiết niệu tiểu ra máu là một dấu hiệu nghiêm trọng, cảnh báo về tình trạng sức khỏe hệ tiết niệu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
Song song với việc điều trị y tế, việc duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ và xây dựng lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tái phát. Những thói quen này không chỉ hỗ trợ hiệu quả điều trị mà còn góp phần bảo vệ và duy trì sức khỏe hệ tiết niệu một cách lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.