Khi nhắc đến huyệt Hòa Liêu (Héliáo) ta có hai vị trí huyệt là huyệt Nhĩ Hòa Liêu và Khẩu Hòa Liêu. Cả hai huyệt đều được y học phương Đông đánh giá cao trong điều trị một số bệnh lý nhất định như: thần kinh mặt liệt, ù tai, cấm khẩu, ngạt mũi...
1. Giới thiệu về huyệt Nhĩ Hòa Liêu
Huyệt Hòa Liêu 2 còn có tên gọi khác là Nhĩ Hòa Liêu, Thiên Liêu. Đây là huyệt thứ 22 của đường kinh Tam Tiêu, là nơi giao hội của Túc Thiếu Dương, Thủ Thiếu Dương, Thủ Thái Dương.
Sở dĩ gọi là Hòa Liêu bởi “Hòa” = điều hòa, “Liêu”= kẽ hở, khe hở. Người xưa quan niệm rằng mũi có chức năng khứu giác, miệng có chức năng vị giác, tai có chức năng thính giác và mắt là thị giác. Dân gian cho rằng tác động vào huyệt vị này có thể khôi phục chức năng của tai, mắt, mũi, miệng trở về trạng thái bình thường nên gọi là Hòa Liêu. Để phân biệt với Hòa Liêu ở vùng mũi, người ta gọi huyệt này là Nhĩ Hòa Liêu.
Về vị trí, huyệt Nhĩ Hòa Liêu nằm ở phía trước lỗ tai, ẩn trong chân tóc, phía trước và trên huyệt Nhĩ Môn.
Về tác dụng: Huyệt Nhĩ Hòa Liêu có tác dụng khu phong, thanh khiếu, thông lạc, ích não. Nhờ đó trị chứng ù tai, giúp điều hòa âm thanh cho nghe rõ, chữa chứng đau nặng đầu, thần kinh mặt liệt, cấm khẩu, hàm răng cứng đờ.
Hướng dẫn châm cứu huyệt Nhĩ Hòa Liêu
- Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ châm cứu chuyên dụng, sau đó xác định vị trí huyệt Nhĩ Hòa Liêu;
- Bước 2: Châm xiên dưới da 0,3-0,5 thốn. Thời gian cứu 1-3 tráng.
2. Giới thiệu về huyệt Khẩu Hòa Liêu
Huyệt Hòa Liêu vùng miệng còn được gọi với các tên gọi khác là: Khẩu Hòa Liêu, Trường Giáp, Trường Điên, Trường Liêu, Trường Tân, Tỵ Hòa Liêu. Đây là huyệt thứ 19 của đường kinh Đại Trường.
Sở dĩ gọi là (Khẩu) Hòa Liêu là vì huyệt nằm ở vùng môi, ở chỗ râu mọc, giống như hạt lúa (“Hòa”), ở chỗ lõm xương răng (“Liêu”).
Về vị trí, huyệt nằm trên đường ngang qua 1/3 trên hoặc 2/3 dưới của rãnh Nhân Trung, cách đường giữa rãnh 0,5 thốn.
Về tác dụng: Huyệt Khẩu Hòa Liêu có tác dụng thanh tuyên phế nhiệt, tỉnh thần, thông tỵ. Nhờ đó giúp trị chứng viêm mũi, ngạt mũi, thần kinh mặt co giật, dây thần kinh mặt liệt, méo mồm, chảy máu mũi.
Hướng dẫn châm cứu huyệt Khẩu Hòa Liêu
- Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ châm cứu chuyên dụng, sau đó xác định vị trí huyệt Khẩu Hòa Liêu;
- Bước 2: Châm thẳng hoặc xiên 0,3-0,5 thốn. Không cứu vì cứu huyệt này sẽ làm mắt bị mờ.
Ngoài ra, thầy thuốc còn phối hợp huyệt Hòa Liêu với các huyệt vị khác để phát huy thêm hiệu quả trị bệnh:
- Kết hợp với huyệt Nghinh Hương, Ngũ Xứ, Thượng Tinh giúp trị tình trạng nghẹt mũi không ngửi thấy mùi;
- Kết hợp với huyệt Đoài Đoan, Lao Cung giúp trị chứng chảy máu cam.
Việc ứng dụng huyệt đạo trong chữa trị bệnh là phương pháp điều trị không dùng thuốc, không gây tác dụng phụ và có thể áp dụng với nhiều đối tượng. Tuy nhiên trước khi thực hiện người bệnh nên nắm rõ được sơ đồ huyệt vị, tác dụng của huyệt và cách thức, tần suất tác động để tránh những sự cố không đáng có. Lời khuyên là bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở thăm khám uy tín, ứng dụng y học phương Đông để được các thầy thuốc có chuyên môn thực hiện bấm huyệt hoặc châm cứu đúng huyệt vị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.