Bấm huyệt chữa cảm lạnh theo đông y có thể mang lại hiệu quả tốt với người bị cảm lạnh nhẹ và vừa. Bằng việc bấm, day, xoa bóp một số huyệt, kết hợp với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, bệnh cảm lạnh sẽ được đẩy lùi nhanh chóng.
1. Cảm lạnh theo Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, cảm lạnh thuộc chứng thương phong, các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày, nặng thì cần điều trị, nếu không điều trị kịp thời có thể gây chuyển biến xấu và phức tạp. Nguyên nhân gây cảm lạnh là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt xâm nhập gây bệnh.
Cảm lạnh gây ra các triệu chứng sợ gió, sợ lạnh, ngạt mũi, chảy nước mũi trong và loãng, hắt hơi, sốt, đau đầu, rêu lưỡi trắng mỏng, ngoài ra còn có thể gặp ho, đau rát họng.
2. Bấm huyệt chữa cảm lạnh
Bấm huyệt chữa cảm lạnh, hay bấm huyệt chữa cảm phong hàn là biện pháp được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền. Một số vị trí và cách thực hiện khi áp dụng bấm huyệt trị cảm gồm:
- Miết dọc huyệt toản trúc: Xoa làm ấm tay, dùng ngón trỏ hai bên miết nhẹ từ huyệt toản trúc (đầu cung lông mày) xuống hai cánh mũi từ 20 - 30 lần để giúp tăng lưu thông máu, kích thích tiết dịch niêm mạc mũi để bảo vệ đường hô hấp.
- Day ấn huyệt nghinh hương: Dùng ngón giữa và ngón trỏ hai bên day ấn đồng thời 2 huyệt nghinh hương (ở trên rãnh mũi mép từ chân cánh mũi ngang ra) trong vòng 1 phút cho đến khi căng tức cả hai cánh mũi và gò má.
- Day ấn huyệt phong trì: Úp hai lòng bàn tay xát qua lại từ chẩm đến hết cổ gáy cho tới khi ấm lên. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt phong trì trong 1 phút với lực mạnh sao cho căng tức vùng gáy và nửa sau đầu. Huyệt phong trì nằm ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi có cảm giác tức nặng, có hai huyệt nằm hai bên.
- Day ấn huyệt ấn đường: Chụm bàn tay lại đặt lên huyệt ấn đường (nằm giữa trán) rồi miết ra hai bên thái dương sát vùng lông mày và chân tóc trước trán rồi đảo ngược lại, làm với tần suất 10 - 20 lần.
- Day ấn huyệt thái dương: Dùng ngón giữa day ấn đồng thời hai huyệt thái dương (ở đuôi mắt đo ra sau 1 thốn) từ nhẹ đến mạnh trong 2 phút sao cho đến khi cảm giác căng tức.
- Day bấm huyệt bách hội: Dùng ngón trỏ day nhẹ huyệt bách hội (điểm giao nhau của đường chính giữa cơ thể và điểm cao nhất đường nối của hai vành tai) từ 1 - 3 phút nhằm tăng phần hoạt huyết khu phong, dương khí tán hàn trị đau đầu.
- Day ấn huyệt khúc trì: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa day ấn huyệt khúc trì với một lực mạnh trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan xuống bàn tay. Bằng cách gập cẳng tay và cánh tay vào nhau, bàn tay để phía trên ngực sao cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp khuỷu để xác định vị trí huyệt, sau đó đặt tay lại sao cho cẳng tay vuông góc với cánh tay để day bấm.
- Day ấn huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái day ấn huyệt hợp cốc từng bên, mỗi bên 1 – 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan sang ngón út. Ở chỗ lõm giữa hai xương ngón cái và ngón trỏ, dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức nhất và đau có tính chất lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt.
- Xoa xát huyệt thận du và mệnh môn: Úp hai lòng bàn tay vào huyệt thận du và mệnh môn xoa xát nhiều lần với lực đối kháng sao cho thắt lưng nóng lên. Gióng ngang xương sườn cụt ra sau cắt cột sống ở gai sống thắt lưng 2, dưới gai đốt sống đo ngang ra 1,5 thốn, ở giữa là huyệt mệnh môn.
- Day bấm huyệt thái xung: Dùng ngón trỏ hay ngón giữa day nhiều lần nhiều thái xung đạt tới căng tức nhằm thanh nhiệt, hạ sốt tiêu viêm. Vị trí huyệt nằm sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.
Để bấm huyệt trị cảm đạt hiệu quả tốt nhất thì cần điều trị sớm với thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi thấm sâu, sau bấm huyệt cần kết hợp ăn thêm bát cháo hành (cả rễ) hoặc chéo tía tô nóng rồi nằm nghỉ nơi kín gió. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có các thức ăn có tính cay nóng, sát khuẩn như gừng, tỏi, sả, bạc hà. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%.
3. Các biện pháp điều trị khác
3.1. Xông hơi
Thành phần trong nồi xông cần có các loại lá có tác dụng hạ sốt (lá tre, lá duối, v.v); lá có tác dụng kháng khuẩn (ngải cứu, hương nhu, v.v); lá có chứa tinh dầu (vỏ bưởi, lá bưởi, bạc hà, tía tô, sả, v.v).
Nhóm lá có tác dụng hạ sốt và kháng khuẩn thì lấy mỗi thứ một nắm, rửa sạch cho vào nồi, đổ ngập nước, đậy vung kín đun sôi trong 2 - 3 phút. Với nhóm lá chứa tinh dầu cũng lấy một nắm, cho vào sau khi nước đã sôi để tránh bay hết tinh dầu.
Trước khi xông cần chuẩn bị sẵn chăn, khăn lau và quần áo để thay. Chọn mặc quần áo mỏng, ngồi trên ghế hoặc giường, đặt nồi nước xông trước mặt, chùm chăn kín người, mở vung để hơi nóng bay ra, thỉnh thoảng lấy đũa khuấy cho hơi nóng tiếp tục bay lên.
Thời gian xông thường kéo dài khoảng 15-20 phút, không nên xông lâu hơn, đặc biệt là với người già yếu và trẻ nhỏ, không để ra quá nhiều mồ hôi. Sau xông cần lau khô người, thay quần áo rồi đắp chăn nằm nơi kín gió, ăn một bát cháo hành tía tô. Nếu không có các loại lá chứa tinh dầu có thể sử dụng tinh dầu khuynh diệp, chàm, quế, vv để thay thế.
3.2. Dùng thuốc
Theo Y Học Cổ Truyền, các bài thuốc như hương tô tán, ma hoàng thang có thể được sử dụng để điều trị cảm lạnh nhưng cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp điều trị tại nhà, bạn có thể chọn mua các loại thuốc có thành phần thuốc đông y như siro ho, cảm xuyên hương, giảm cảm liên ngân, v.v.
Hoặc đơn giản hơn là uống trà gừng với cảm lạnh nhẹ hoặc mới phát hiện. Tính nóng của gừng giúp giữ ấm cơ thể, ngoài ra có thể kết hợp thêm mật ong vì nó có đặc tính kháng khuẩn. Bạn có thể mua trà gừng có sẵn hoặc tự pha chế tại nhà, nên uống trà vào buổi sáng, khi vừa bị nhiễm lạnh.
3.3. Chế độ dinh dưỡng
Nếu bị cảm lạnh, bạn cần kiêng các loại thực phẩm có tính lạnh như thực phẩm đông lạnh, động vật dưới bùn (ốc, lươn, v.v). Thay vào đó, bạn nên ăn các loại thực phẩm ấm và dễ tiêu như cháo, súp, bổ sung thêm hoa quả và rau xanh vào thực đơn. Ngoài ra, bạn cũng nên ngủ đủ giấc, mỗi ngày đảm bảo 8 tiếng và theo dõi triệu chứng bệnh, nếu có dấu hiệu trở nặng thì cần đi khám ngay.
Để phòng cảm lạnh tốt nhất thì bạn cần mặc đủ ấm vào thời điểm thời tiết giao mùa, không nên tắm đêm, tắm nước lạnh. Ngoài ra, bạn có thể chọn cách nâng cao hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên, tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.