Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào?

Hiểu rõ hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào và chức năng của từng bộ phận không chỉ là kiến thức cơ bản về cơ thể, mà còn là nền tảng quan trọng để duy trì sức khỏe tốt. Bằng cách phòng tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và tối ưu hóa quá trình hấp thu các dưỡng chất thiết yếu.


Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Đồng Xuân Hà - Phó trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Khoa Nội Soi Tiêu Hoá - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
 

1. Định nghĩa về hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều cơ quan, có nhiệm vụ chính là phá vỡ cấu trúc thực phẩm và hấp thụ chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động hàng ngày của cơ thể con người. Quá trình này yêu cầu sự kết hợp hài hòa từ việc nhai thức ăn, nghiền cơ học đến hoạt động của các enzyme giúp phân hủy thức ăn.

2. Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào?

Bên cạnh chức năng chung, nhiều người cũng quan tâm đến việc hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào và nhiệm vụ riêng của từng cơ quan là gì. Hệ tiêu hóa bên trong cơ thể của chúng ta thường được phân chia thành hai phần chính: ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa.

Nếu một cơ quan nào trong hệ tiêu hóa xảy ra vấn đề thì có thể ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất
Nếu một cơ quan nào trong hệ tiêu hóa xảy ra vấn đề thì có thể ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất

2.1. Ống tiêu hóa

Cổ họng: Là nơi bắt đầu của quá trình tiêu hóa, tiếp nhận thức ăn từ miệng và vận chuyển thức ăn nhẹ nhàng xuống thực quản. Đây là cơ quan trung gian quan trọng trong việc vận chuyển thức ăn.


Thực quản: Tiếp theo sau cổ họng, thực quản có hình dạng một ống dài, nhiệm vụ chính là đẩy thức ăn từ cổ họng xuống dạ dày. Thực quản tạo các cơn co thắt nhu động nhẹ nhàng để thúc đẩy thức ăn đi xuống và giữ cho thức ăn không trào ngược lên lại nhờ vào một “van" cơ học.


Dạ dày: Là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, dạ dày có hình dạng giống một cái túi với rất nhiều cơ nằm nối tiếp. Tại đây, thức ăn từ thực quản tiếp tục được xử lý bằng cách nhào trộn và tiết ra enzyme và axit để hỗ trợ quá trình phân hủy protein cùng dưỡng chất. Trước khi di chuyển đến ruột non, thức ăn cần lưu lại khá lâu trong dạ dày để liên tục thực hiện quá trình phân huỷ. Sau khi phân huỷ xong, thức ăn sẽ có dạng bột nhão hoặc chất lỏng.


Ruột non: Ruột non có thể dài đến 6 mét, đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy tiếp tục các phần thức ăn còn lại từ dạ dày, thông qua việc trộn chúng với enzyme từ tuyến tụy hoặc mật, gan. Ngoài ra, ruột non cũng hấp thụ nước và dưỡng chất vào máu trước khi đẩy bã thức ăn còn lại vào ruột già.


Ruột già (Đại tràng): Ở đây, bã thức ăn không tiêu hóa được từ ruột non sẽ được chuyển đến ruột già và xử lý thành phân. Đại tràng hút nước từ bã thức ăn, chuyển chúng thành dạng rắn để tạo thành phân. Thông thường, quá trình này mất khoảng 36 giờ, và phân được tạo ra chủ yếu từ các bã thức ăn không tiêu hóa, dịch và tế bào già cỗi trong lớp lót ống tiêu hoá.


Trực tràng: Trực tràng là cơ quan tiếp theo sau đại tràng, dài khoảng 20cm và có nhiệm vụ kích thích dây thần kinh và truyền tín hiệu thông báo cho não biết cần phải đi đại tiện. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc điều khiển việc đi vệ sinh. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chưa tự chủ trong việc đi vệ sinh do chức năng của trực tràng ở trẻ vẫn chưa hoàn thiện.

 
Hậu môn: Là cơ quan cuối cùng trong quá trình tiêu hóa, gồm cơ thắt hậu môn và cơ sàn chậu. Hậu môn lưu trữ và đào thải phân, đồng thời tiết ra dịch nhầy để bôi trơn, giúp chất thải di chuyển khỏi cơ thể dễ dàng.

2.2. Tuyến tiêu hóa

Tuyến nước bọt: Tuyến này sản xuất nước bọt, một loại chất lỏng giúp làm ướt và làm mềm thức ăn. Nước bọt cũng chứa các enzyme có khả năng phân hủy protein và tinh bột thành các phân tử nhỏ hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.


Tuyến tiêu hóa (tụy, gan, mật): Nhóm này bao gồm các cơ quan như tụy, gan và túi mật, có vai trò hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa tại ruột non. Tụy sản xuất enzyme giúp phân hủy thức ăn, trong khi gan và túi mật chịu trách nhiệm tiết ra dịch mật. Túi mật cũng thực hiện việc co bóp nhẹ nhàng để đẩy dịch mật vào ống mật chủ. Dịch mật sau đó được chuyển vào tá tràng và ruột non, giúp tiêu hóa chất béo một cách hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn.


Hệ tiêu hóa và các cơ quan tiêu hoá đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận đối với sức khỏe của con người. Quá trình tiêu hóa là một quá trình phức tạp và kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan khác nhau bên trong cơ thể.

3. Tầm quan trọng của hệ tiêu hóa đối với con người

Tiêu hóa là quá trình quan trọng vì cơ thể cần chất dinh dưỡng từ thực phẩm, đồ uống để duy trì hoạt động bình thường và phát triển khỏe mạnh.


Hệ tiêu hóa giúp phân giải các chất dinh dưỡng thành những phần nhỏ hơn, đảm bảo cơ thể dễ dàng hấp thụ và sử dụng chúng như nguồn năng lượng, cũng như hỗ trợ quá trình hình thành và sửa chữa tế bào. Cụ thể:

  • Protein được phân giải thành axit amin.
  • Chất béo được phân giải thành axit béo và glycerol.
  • Carbohydrate được phân giải thành đường đơn.


 

Dù hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào thì tất cả đều có vai trò quan trọng giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm, duy trì hoạt động bình thường và phát triển khoẻ mạnh.
Dù hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào thì tất cả đều có vai trò quan trọng giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm, duy trì hoạt động bình thường và phát triển khoẻ mạnh.

Bất kỳ vấn đề nào xuất hiện ở một trong những cơ quan của hệ tiêu hóa cũng có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi, ợ nóng, táo bón, tiêu chảy, phân có máu, hoặc các dấu hiệu nghi ngờ khác như sự thay đổi màu da, ngứa, mất cân nhanh chóng, bạn nên thăm khám và được chẩn đoán, điều trị sớm tại các cơ sở y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe