Tập thể dục chữa bệnh tiểu đường là phương pháp hỗ trợ điều trị được rất nhiều các chuyên gia sức khỏe khuyến khích bên cạnh việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Cùng tìm hiểu nội dung tập thể dục có giảm đường huyết không trong bài viết dưới đây.
1. Đái tháo đường type 2 là gì?
Bệnh đái tháo đường là bệnh thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc trưng là tăng nồng độ glucose huyết có nguyên nhân do insulin về mặt tiết hoặc tác động của insulin hoặc cả hai. Tình trạng này có thể dẫn đến một loạt các rối loạn chuyển hóa khác trong cơ thể như rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide. Từ đó gây tổn thương các cơ quan khác nhau trong cơ thể và nặng nề nhất là ở tim, mạch máu, thần kinh, mắt, thận.
Đái tháo đường type 2 có cơ chế do sự đề kháng insulin, tức là cơ thể không thực hiện được đúng chức năng của nó hoặc sử dụng không đúng cách. Thời gian đầu, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để bù đắp nhưng dần dần không thể theo kịp nên cơ thể sẽ thiếu hụt lượng insulin làm cho đường huyết không được duy trì ở mức bình thường.
Bạn có thể hình dung rằng insulin chính là cầu nối giúp chuyển hóa glucose từ thức ăn đi vào các tế bào bên trong cơ thể để giúp các tế bào này sản sinh ra năng lượng cho các hoạt động thường ngày. Khi có sự khiếm khuyết xảy ra thì các tế bào sẽ bị đói glucose đi kèm với lượng glucose trong máu sẽ tăng cao.
2. Một số biến chứng của đái tháo đường type 2
Việc glucose tăng cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng tim mạch
Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Tình trạng tăng đường huyết có thể dẫn đến các bệnh lý động mạch vành làm cho nhồi máu cơ tim và có thể đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng. Huyết áp cao, glucose máu cao, cholesterol cao là những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến chức năng thận suy giảm và gây ra suy thận. Những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn những người bình thường. Nếu lượng glucose máu được duy trì ở ổn định thì khả năng mắc bệnh thận sẽ được giảm đi đáng kể.
- Bệnh thần kinh ngoại vi
Bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh khắp cơ thể khi đo huyết áp và glucose máu tăng cao. Từ đó có thể dẫn đến nhiều rối loạn khác như tiêu hóa hay rối loạn cương dương.
Trong đó các chi, đặc biệt là bàn chân sẽ chịu ảnh hưởng nhiều, vì đây là nơi có cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu khác biệt so với các bộ phận khác. Bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, đau hoặc mất cảm giác do bệnh lý thần kinh ngoại biên gây ra. Mất cảm giác là dấu hiệu rất nghiêm trọng và khiến bạn mất chú ý với các chấn thương, dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt cụt chi. Theo ước tính tỷ lệ cắt cụt chi ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp 25 lần so với người bình thường.
- Bệnh võng mạc mắt
Hầu hết những bệnh nhân mắc đái tháo đường thường có tiến triển đến các loại bệnh làm giảm thị giác hoặc mù lòa. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc tiểu đường do lượng glucose máu cao liên tục không được kiểm soát cùng với cholesterol cao.
- Đái tháo đường khi mang thai
Tình trạng glucose máu cao trong thai kỳ có thể làm cho thai nhi bị thừa cân và dẫn đến chấn thương cho mẹ và bé trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, sau khi sinh, em bé có thể bị hạ đường huyết đột ngột và thậm chí có nguy cơ bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.
3. Tập thể dục có giảm đường huyết không?
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tập thể dục chữa bệnh tiểu đường là điều mà những bệnh nhân mắc bệnh này cần lưu ý. Đó là một phần trong các khuyến nghị của Trường Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ (ACSM), trường đã đưa ra các kế hoạch mới về tập thể dục và hoạt động thể chất ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 .
Tài liệu cập nhật nhấn mạnh vào “hoạt động thể chất”, không chỉ là tập thể dục theo kế hoạch mà còn kêu gọi những người mắc bệnh tiểu đường giảm thời gian ngồi và không di chuyển.
Kanaley, giáo sư tại Đại học Missouri, cho biết: “Tất cả các cá nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên tham gia vào hoạt động thể chất thường xuyên, giảm thời gian ít vận động và chia nhỏ thời gian ngồi với thời gian nghỉ hoạt động thường xuyên”. Bà nói: “Tập thể dục có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2,và việc tập luyện có thể được điều chỉnh để phù hợp với khả năng của hầu hết mọi người.
Một số lời khuyên cho hoạt động thể chất đối với bệnh đái tháo đường type 2:
- Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên giúp cải thiện việc quản lý lượng đường trong máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục làm giảm mức tăng đột biến và giảm lượng đường trong máu .
- Tập thể dục cường độ cao tốt hơn tập thể dục cường độ thấp đến trung bình để kiểm soát lượng đường trong máu và giúp giữ mức insulin ổn định. Các bài tập sức bền, như nâng tạ và chống đẩy đã cho thấy cải thiện sức mạnh, mật độ xương, huyết áp, mức cholesterol, khối lượng cơ và độ nhạy insulin từ 10 đến 15%.
- Tập thể dục sau bữa ăn, chẳng hạn như đi bộ sau bữa tối với tốc độ phù hợp.
- Giảm thời gian ít vận động bằng cách thường xuyên nghỉ giải lao cho các hoạt động thể chất với nhiều mức độ nhỏ, có thể giúp giảm lượng đường trong máu và lượng insulin.
- Để ngăn ngừa lượng đường trong máu thấp trong hoặc sau khi tập thể dục, những người sử dụng insulin hoặc thuốc giải phóng insulin nên tăng carbohydrate hoặc nếu có thể thì giảm insulin.
- Những người đang dùng thuốc chẹn beta không nên đo đường huyết sau khi tập thể dục. Một chuyên gia tập thể dục được chứng nhận có thể cung cấp hướng dẫn về cách theo dõi nỗ lực tập thể dục của bạn theo cảm giác của một buổi tập luyện.
Những bài tập thể dục cho người tiểu đường đều mang lại những lợi ích nhất định để kiểm soát lượng đường trong máu. Vì thế, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bạn hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể “sống chung với bệnh tiểu đường” một cách khỏe mạnh và an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com