Để chọn được giày đi bộ cho nữ hoặc nam vừa vặn và thoải mái khi đi, bạn cần xem xét về cấu tạo và kích cỡ của đôi giày có tương ứng với đặc điểm của bàn chân hay không và thực hiện một số mẹo khi đi thử giày.
1. Cấu tạo của đôi giày
Trước khi chọn giày đi bộ cho nữ và giày đi bộ cho nam, bạn đều cần nắm bắt được các bộ phận cơ bản của một đôi giày đi bộ để phân loại được kiểu dáng, ưu và nhược điểm của mỗi loại giày.
- Lót bảo vệ gân Achilles: Giảm nguy cơ tổn thương gân Achilles bằng cách lót giày quanh gót chân.
- Phần cổ giày: Đệm mắt cá chân và đảm bảo giày vừa vặn với chân.
- Phần trên của giày: Giữ giày trên chân, thường được làm bằng da, lưới hoặc vật liệu tổng hợp. Lưới cho phép thông gió tốt hơn và trọng lượng nhẹ hơn, là cấu trúc không thể thiếu của một đôi giày đi bộ siêu nhẹ.
- Lớp đế trong của giày: Đệm và bảo vệ bàn chân và vòm, lót có thể tháo rời để giặt.
- Lớp đế giữa của giày làm bằng gel, bọt hoặc không khí: Giúp đệm và giảm va đập khi chân tiếp đất.
- Lớp đế ngoài của giày: Tiếp xúc với mặt đất, có các rãnh có thể giúp duy trì lực kéo.
- Hộp ngón chân: Cung cấp không gian cho các ngón chân, hộp ngón chân tròn và rộng rãi có thể giúp ngăn ngừa vết chai.
2. Hình dạng bàn chân
Để tránh tình trạng đau khi đi giày, bạn nên mua đôi giày đi bộ phù hợp với hình dạng và kích thước của bàn chân.
Chiều rộng và chiều dài: Giày quá hẹp hoặc rộng có thể gây vết phồng rộp và chai sần gây đau. Hộp ngón chân không đủ cao cũng là yếu tố gây đau ngón chân khi đi giày.
Kiểu vòm: Vòm chân là sự liên kết phức tạp của xương, cơ, dây chằng và gân bàn chân. Khi di chuyển, vòm chân có tác dụng phân bổ đều trọng lượng cơ thể lên chân. Nhìn chung, vòm bàn chân gồm có 3 kiểu sau:
- Bàn chân có vòm cong trung tính: Là bàn chân có vòm không cong quá mức cũng không quá phẳng. Nếu bạn có vòm chân trung tính, hãy tìm những đôi giày có đế giữa chắc chắn và độ độn đế sau vừa phải.
- Bàn chân cong thấp hoặc bằng phẳng: Nếu bạn có vòm chân thấp hoặc bàn chân bẹt thì nên chọn một đôi giày đi bộ có phần đế phẳng và đệm giữa dày để bảo vệ bàn chân.
- Bàn chân có vòng cong cao: Vòm cao có thể góp phần làm căng các khớp và cơ, đặc biệt khi tiếp xúc bề mặt nhiều trong các hoạt động nhảy, chạy bộ. Hãy tìm những đôi giày có đệm dày để giúp giảm sốc và đế cong.
3. Mẹo thử giày đi bộ vừa kích cỡ
Dưới đây là một số mẹo để tìm một đôi giày đi bộ vừa vặn nhất:
- Mang theo tất khi đến cửa hàng thử giày.
- Thử giày khi bàn chân đạt kích thước to nhất, đó là thời điểm sau khi đi bộ được một lúc lâu.
- Mua giày ở cửa hàng giày thể thao có thợ sửa giày chuyên nghiệp hoặc ở cửa hàng nơi bạn có nhiều lựa chọn.
- Yêu cầu nhân viên bán hàng đo cả hai bàn chân, tự đo hoặc nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình đo giúp. Hãy đo bàn chân mỗi khi mua giày, vì kích thước chân có thể thay đổi dần dần theo năm tháng. Đứng khi đo chân để có kết quả đo chính xác nhất.
- Nếu một bàn chân lớn hơn bàn chân kia, hãy thử một đôi phù hợp với bàn chân lớn hơn.
- Đi thử cả hai chân và kiểm tra độ vừa vặn: Lắc lư ngón chân, nếu khoảng cách giữa ngón chân dài nhất và mút giày nhỏ hơn 1.3cm thì hãy thử cỡ lớn hơn.
- Đảm bảo giày đủ rộng: Chiều rộng của đôi giày phải vừa khít, không quá chật. Phụ nữ có bàn chân rộng có thể cân nhắc mua giày nam.
- Đi lại với đôi giày: Để đảm bảo độ thoải mái và gót chân vừa khít, không bị trượt gót khi bước đi, bạn nên đi đi lại lại khi thử giày.
4. Thay giày cũ để tránh bị thương
Bạn nên thay giày cũ để tránh tổn thương chân khi đi bộ. Giày nên thay khi:
- Đế ngoài bị mòn
- Đã đi được 300 đến 400 dặm chạy với đôi giày đó
Hầu hết các đôi giày đều mất khả năng bảo vệ khỏi va đập sau khoảng 300 - 400 dặm đi bộ hoặc chạy. Để biết được quãng đường đã đi được trên một đôi giày, bạn có thể đánh dấu trên lịch hàng ngày và theo dõi khoảng thời gian mà bạn thường đi được 300 - 400 dặm trên một đôi giày.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, arthritis.org