Tác nhân gây dị ứng trong nhà: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Tác nhân gây dị ứng trong nhà thường được xác định dựa vào các triệu chứng riêng của người bệnh, tình trạng môi trường sống, từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh cũng như phương pháp điều trị thích hợp. Cách chính xác nhất để xác định tác nhân gây dị ứng chính là làm xét nghiệm dị ứng với các bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ  Thục Thanh Huyền, chuyên ngành Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Những triệu chứng khi bị dị ứng với các dị nguyên trong nhà

Bên cạnh việc tiếp xúc với các tác nhân gây ra dị ứng ở môi trường bên ngoài, quá trình sinh hoạt ở nhà cũng có thể gặp các tác nhân kích thích dị ứng. 

Điều khó khăn đầu tiên chính là xác định xem những triệu chứng gặp phải có đúng là dị ứng hay không, vì chúng cũng có những đặc điểm hơi giống với cảm lạnh. Nhưng nhìn chung thì những triệu chứng dị ứng với các dị nguyên trong nhà điển hình có thể kể đến là:

  • Chảy nước mũi trong, hắt hơi có thể thành tràng dài, ngứa mũi

  • Cảm giác ngứa ở mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt

  • Ho thành cơn, khò khè, khó thở, nặng ngực

  • Ngứa ngáy, nổi mẩn trên da

  • Các triệu chứng này kéo dài hoặc tái đi tái lại, thường xuất hiện vào ban đêm hoặc buổi sáng ngủ dậy, nhất là khi dọn dẹp giường và chăn đệm.

  • Triệu chứng có thể thuyên giảm khi đi du lịch, thay đổi môi trường sống.

Nghẹt mũi và chảy mũi có thể là một triệu chứng của dị ứng
Nghẹt mũi và chảy mũi có thể là một triệu chứng của dị ứng

2. Chẩn đoán tác nhân gây dị ứng trong nhà

Cách tốt nhất để xác định tác nhân gây dị ứng là thăm khámvới bác sĩ chuyên khoa và làm xét nghiệm dị ứng. Việc chẩn đoán bao gồm:

2.1. Khai thác bệnh sử

Thông qua các câu hỏi chi tiết về bệnh sử của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ chú ý đến các triệu chứng thường gặp để thu hẹp phạm vi tác nhân gây ra chúng.

2.2. Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ khám kiểm tra các cơ quan, đặc biệt là mắt, tai, mũi, họng, lồng ngực và da. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-Quang phổi hoặc xoang.

2.3. Test lẩy da hoặc xét nghiệm máu

Với hầu hết các trường hợp, test lẩy da là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để xác nhận các chất nghi ngờ gây ra dị ứng. 

Bác sĩ sẽ nhỏ các giọt chứa chất  gây dị ứng (dị nguyên) nghi ngờ lên da và dùng kim nhỏ lẩy nhẹ. Kết quả được đọc sau 15-20 phút bằng cách đánh giá nốt sẩn và ban đỏ tại vị trí làm test. Xét nghiệm máu được áp dụng khi không thểlàm test da, chẳng hạn như khi người bệnh đã dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới tính chính xác của test lẩy da. Tác nhân dị ứng có thể được chẩn đoán thông qua việc phát hiện kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên trong máu người bệnh.

3. Những tác nhân gây dị ứng trong nhà thường gặp

Năm tác nhân phổ biến nhất gây dị ứng có trong nhà bao gồm:

3.1. Bụi

Có nhiều thành phần khác nhau có thể tạo thành bụi, bao gồm những mảnh linh tinh của thực vật, da, đất, côn trùng, thức ăn, sợi và động vật. Tất cả những chất này đều có thể gây ra phản ứng dị ứng.

3.2. Mạt nhà (bọ nhà) 

Mạt nhà là loại côn trùng có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy. Chúng sống bằng cách ăn các mảnh da chết của người dính trên giường, nệm, chăn gối, thảm, thú nhồi bông..., Chất gây dị ứng chính là những hạt phân và chất tiết của con mạt nhà. 

3.3. Nấm mốc

Nấm mốc phát triển mạnh ở nơi có độ ẩm cao, chẳng hạn như phòng tắm hoặc tầng hầm ẩm ướt, lạnh lẽo. Bào tử nấm bong ra bay lơ lửng trong không khí và gây ra các triệu chứng dị ứng ở đường hô hấp khi người bệnh hít phải. 

Các loại nấm mốc là tác nhân gây dị ứng trong nhà phổ biến
Các loại nấm mốc là tác nhân gây dị ứng trong nhà phổ biến

3.4. Lông thú cưng

Ngay cả những ngôi nhà không có vật nuôi cũng có thể chứa lông. Đó là vì lông thú cưng rất nhẹ và dễ bám dính vào quần áo, giày dép và tóc . Vì vậy, lông thú cưng có thể được tìm thấy trong phòng họp, lớp học cũng như ở nhà. Mặc dù người ta thường nói dị ứng do lông động vật, nhưng thực tế chủ yếu là do một loại protein nhỏ trong nước bọt của động vật, hoặc tế bào biểu mô của chúng gây ra.

3.5. Gián

Giống như bụi, gián có thể được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi, với nhiều loài khác nhau. Các bộ phận cơ thể, nước bọt và chất thải của gián đều có thể là chất gây dị ứng. Ngay cả gián chết cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

4. Kiểm soát tác nhân dị ứng trong nhà

Có nhiều cách để kiểm soát khi chúng ta biết các nguyên nhân gây dị ứng của mình, ba phương pháp chính là:

4.1. Tránh các tác nhân gây dị ứng trong nhà

Nếu dị ứng với vật nuôi, nên tránh tiếp xúc tối đa,  ngăn không cho chúng vào trong nhà. 

Loại bỏ các mảng nấm mốc trên tường, chậu cây cảnh...

Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, tránh tạo những vị trí dễ ứ bụi, đặc biệt là phòng ngủ. Tốt nhất không dùng thảm trải, hạn chế sử dụng rèm dày, đồ chơi bằng vải bông...

Giữ cho nhà cửa sạch sẽ để hạn chế tác nhân gây dị ứng trong nhà
Giữ cho nhà cửa sạch sẽ để hạn chế tác nhân gây dị ứng trong nhà

4.2. Kiểm soát môi trường 

Phòng nên được thông gió tốt, có ánh sáng mặt trời chiếu vào. 

Duy trì độ ẩm trong nhà từ 30-50%, dùng máy hút ẩm vào mùa nồm. 

Hút bụi hoặc lau dọn các bề mặt bằng khăn ẩm thường xuyên (ít nhất 2 lần/tuần). 

Giặt đồ trải giường ít nhất 1-2 tuần/lần, bằng nước trên 60 độ, nên sấy ít nhất 10 phút sau giặt. có thể sử dụng tấm bọc chuyên dụng giúp phòng tránh mạt nhà.

4.3. Tìm kiếm liệu pháp y tế

Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc chống dị ứng để kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, tùy theo tình trạng bệnh sẽ chỉ định sử dụng liệu pháp giải mẫn cảm, đây là phương pháp điều trị triệt để tình trạng dị ứng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe