Nổi mề đay ở trẻ sơ sinh thường biểu hiện bằng các nốt sần hoặc vùng da tấy đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Mặc dù phần lớn các trường hợp đều tự khỏi nhưng nếu mề đay kéo dài hơn 6 tuần thì lại cần được điều trị y tế. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Nổi mề đay ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh mề đay ở trẻ nhỏ là tình trạng các nốt sần và các vùng sưng tấy trên da phát triển không rõ nguyên nhân. Những vùng da này thường có màu đỏ, sưng tấy và tự biến mất sau vài giờ. Tuy nhiên sau vài tuần hoặc vài tháng, vùng da này vẫn có thể tái phát trở lại.
Trẻ thường cảm thấy rất ngứa và khó chịu khi bị nổi mề đay, tình trạng này thường xảy ra do tiếp xúc với các chất gây dị ứng, nhiễm trùng, ong đốt hoặc bọ cắn. Tuy nhiên, các nốt phát ban khác ở trẻ sơ sinh cũng có thể trông giống hệt mề đay. Để điều trị nổi mề đay, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc kháng histamine trong một số trường hợp.
2. Nguyên nhân gây ra nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Nhiễm virus hoặc phản ứng dị ứng là hai nguyên nhân thường gặp gây nổi mề đay ở trẻ sơ sinh. Bệnh có xu hướng phát triển nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 giờ sau khi bé tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Cụ thể, một số nguyên nhân chính kích hoạt tình trạng nổi mề đay ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Nhiễm trùng: Nhiễm virus đường hô hấp (ví dụ như cảm lạnh), các loại virus khác, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm họng liên cầu khuẩn khiến trẻ bị nổi mề đay. Những nốt mề đay do nhiễm trùng thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
- Thực phẩm và đồ uống: Trứng, sữa, đậu phộng, các loại hạt cây (óc chó, hồ đào, hạnh nhân), lúa mì, đậu nành, cá, động vật có vỏ cùng các chất phụ gia và chất bảo quản thực phẩm đều là những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Những loại thực phẩm này có thể là nguyên nhân khiến bé bị nổi mề đay, thậm chí, một số trẻ chỉ cần tiếp xúc qua da với một số loại thực phẩm như nước ép dâu tây cũng khiến bé bị nổi mề đay.
- Các loại thuốc: Thuốc sulfa, aspirin, penicillin, ibuprofen và các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, thuốc nhuận tràng, thậm chí cả thuốc không kê đơn đều có khả năng gây nổi mề đay ở trẻ nhỏ.
- Các chất gây dị ứng: Lông động vật, nấm mốc, bụi và phấn hoa trong không khí đều là những tác nhân gây nổi mề đay khi trẻ vô tình tiếp xúc phải do phản ứng với chất gây dị ứng.
- Bị côn trùng cắn hoặc đốt: Tình trạng nổi mề đay ở trẻ có thể xảy ra khi bé bị côn trùng cắn, đốt, chẳng hạn như ong hoặc kiến lửa.
- Nhiệt độ môi trường: Khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh thì trẻ nhỏ có thể bị nổi mề đay.
3. Các triệu chứng phổ biến của bệnh nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Một số triệu chứng chung sau đây thường xuất hiện khi bé bị nổi mề đay:
- Các nốt mề đay xuất hiện trên da, đó là những vết sưng hoặc mảng nổi với kích thước khác nhau có màu đỏ hoặc hồng với vùng trung tâm màu trắng.
- Da của trẻ bị sưng hoặc ngứa.
- Da nóng rát hoặc châm chích.
Trẻ nhỏ bị mề đay thường có những nốt giống như vết côn trùng cắn, có kích thước từ nửa inch cho đến vài inch. Các nốt mẩn này có thể chỉ tập trung ở một vị trí trên cơ thể hoặc lan rộng ra toàn thân.
Mặt, chân, tay và bộ phận sinh dục là những vị trí thường bị nổi mề đay ở trẻ sơ sinh. Song song đó, mề đay cũng có khả năng xuất hiện ở nhiều vùng da khác trong một số trường hợp nhất định. Chỉ sau một thời gian ngắn, các nốt mề đay này có thể biến mất khỏi vị trí ban đầu và xuất hiện ở một bộ phận khác trên cơ thể.
Ở trẻ nhỏ, bệnh nổi mề đay có thể xuất hiện trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Nổi mề đay cấp tính thường kéo dài từ vài giờ đến vài tuần. Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài quá 6 tuần thì được gọi là nổi mề đay mãn tính.
Không chỉ trên bề mặt da mà các khu vực khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng khi trẻ bị nổi mề đay, các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng. Ngoài ra, sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện qua tình trạng nổi mề đay. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.
Mặc dù hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhưng sốc phản vệ là một tình trạng nghiêm trọng gây khó thở, mất ý thức, sưng họng và nhiều triệu chứng khác. Thông thường, hầu hết các trường hợp sốc phản vệ đều cần được can thiệp y tế khẩn cấp.
4. Chẩn đoán tình trạng nổi mề đay ở trẻ nhỏ
Để xác định nguyên nhân gây mề đay ở trẻ, bác sĩ thường bắt đầu bằng việc khám trực tiếp, quan sát các vết ban và hỏi về lịch sử bệnh tật của bé. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu phụ huynh theo dõi và ghi chép lại những gì trẻ ăn, uống và các hoạt động hàng ngày
Các xét nghiệm máu, dị ứng và một số xét nghiệm khác cũng có thể được chỉ định để có kết quả chính xác hơn. Trong một số trường hợp nghi ngờ mề đay do lạnh, bác sĩ có thể tiến hành thử nghiệm bằng cách chườm đá lên da trẻ.
5. Điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cho bé bị nổi mề đay, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ và theo dõi sát sao các triệu chứng của bé.
5.1 Điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ bằng thuốc
Để điều trị nổi mề đay ở trẻ sơ sinh, các loại thuốc kháng histamin đường uống không cần kê đơn như cetirizine (Zyrtec) và diphenhydramine (Benadryl) có thể được sử dụng. Những loại thuốc này có tác dụng làm dịu sự giải phóng histamin trong cơ thể trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về một số loại thuốc điều trị nổi mề đay an toàn và không an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi. Để giảm các triệu chứng nổi mề đay khó chịu, trẻ có thể cần sử dụng thuốc kháng histamin khoảng vài lần trong một ngày và liên tiếp trong nhiều ngày.
Nếu trẻ bị nổi mề đay mà thuốc kháng histamin không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc steroid. Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức trong trường hợp trẻ có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đóng cổ họng hoặc thở khò khè vì đây có thể là biểu hiện của tình trạng sốc phản vệ, đe dọa tính mạng của trẻ.
5.2 Một số biện pháp khắc phục tại nhà
Cha mẹ hoàn toàn có thể điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ ngay tại nhà. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần đến bất cứ phương pháp điều trị nào khác.
Các cách sau đây có thể giúp cha mẹ điều trị bệnh nổi mề đay cho trẻ tại nhà:
- Giữ trẻ tránh xa mọi tác nhân gây nổi mề đay.
- Giảm cảm giác khó chịu do nổi mề đay bằng cách chườm mát.
- Cha mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
- Cho trẻ sử dụng kem bôi làm mát da không kê đơn.
- Nếu mề đay ở trẻ do phấn hoa hoặc lông động vật gây ra, cha mẹ nên tắm nước mát cho bé để rửa sạch các chất gây dị ứng.
6. Bé bị nổi mề đay: Khi nào cần gọi bác sĩ?
Nếu bé xuất hiện các triệu chứng do nổi mề đay sau đây, cha mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ:
- Các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, thay đổi huyết áp hoặc ngất xỉu (các dấu hiệu của sốc phản vệ) kèm theo nổi mề đay.
- Ho khan.
- Các triệu chứng giống cúm như sốt hoặc các triệu chứng khác. Đặc biệt, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt.
- Nôn mửa.
- Nhiều bộ phận trên cơ thể trẻ bị nổi mề đay.
- Dù đã kéo dài nhiều ngày nhưng mề đay vẫn không khỏi.
- Thường xuyên tái phát mề đay.
- Bé bị nổi mề đay sau khi tiếp xúc với thực phẩm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com